Vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh, nhà văn Võ Thúy Phượng nhận Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Thông
Niềm vui trong căn nhà nhỏ
Căn nhà nhỏ của ông bà nép bên dòng sông hiền hòa, có nhiều cây cảnh và tràn ngập niềm vui. Bà kể, ông là người lạc quan, vui vẻ nên dù cuộc sống có khó khăn, ông vẫn luôn nở nụ cười. Trong cuộc sống, ông bà luôn giữ cho nhau khoảng không gian riêng đủ để mỗi người cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Ở độ tuổi ngoài 70, ông bà vẫn gọi nhau là “anh - em” một cách ngọt ngào. Mỗi ngày, khi ông dành thời gian chăm sóc cây cảnh và cập nhật hình ảnh của con, cháu gửi về qua Internet thì bà chăm chút từng bữa cơm cho cả gia đình và may quần áo cho người thân, hàng xóm! Thỉnh thoảng, ông đưa bà xem bức ảnh vừa nhận được rồi cùng cười hạnh phúc. Niềm vui ấy thật đơn giản nhưng quý giá biết bao!
Nhà văn Võ Thúy Phượng chia sẻ, sau ngày đất nước thống nhất, ông thường xuyên đau ốm, bà phải cáng đáng mọi việc trong gia đình và chăm sóc các con. Là bộ đội trở về sau chiến tranh, ông từ chối tất cả các đãi ngộ, cùng vợ tự xây dựng cuộc sống bằng chính đôi tay của mình. Nữ nhà văn kể, không ít lần, ông nói với bà: “Chúng mình còn có thể tự lo được, hãy dành phần đó cho những người khác cần hơn, em nhé!”. Rồi các con cũng lần lượt trưởng thành, các cháu chăm ngoan, lễ phép. Với ông bà, đó chính là điều hạnh phúc nhất!
Giờ đây, ông bà dành nhiều thời gian để tận hưởng niềm vui lúc tuổi già. Trong danh sách những công việc thường nhật của nữ văn sĩ Võ Thúy Phượng có việc may quần áo. Bà may áo để tự mặc ở nhà, may cho con cháu, hàng xóm và bất cứ ai cần đến. Tất cả đều được may bằng tay, bà tự mình khâu từng đường kim, mũi chỉ, đặt hết tâm tình vào từng chiếc áo, bộ đồ. Nữ nhà văn chia sẻ: “Vải bây giờ nhiều và đẹp nên tôi mua về may đồ tặng mọi người. Cứ có thời gian rảnh thì tôi may”.
Nói về việc may quần áo tặng người thân, hàng xóm của vợ, nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh cười: “Bà ấy may tặng nhiều người, ai cần, bà ấy tặng. Trong xóm, cứ biết ai sắp sinh em bé là bà ấy lại lo chuẩn bị vải, may quần áo cho đứa bé sắp ra đời”. Khi được hỏi, nhà văn Võ Thúy Phượng chia sẻ, bà cảm thấy vui và hạnh phúc với việc làm của mình. Bà nhớ những năm tháng khó khăn, muốn mua một khúc vải may áo cho con cũng khó, giờ cuộc sống thoải mái, bà “nhín” chút tiền chợ mua vải, may áo tặng những ai cần như chút quan tâm dành cho người khác. Hiện, nhà bà còn mười mấy bộ quần áo vừa may xong, đủ cỡ, kiểu dáng, màu sắc cho cả trẻ em và người lớn sẵn sàng đến tay người nhận.
Niềm vui với văn chương
Ông bà dành nhiều thời gian cho việc viết văn. Ngoài 70 tuổi nhưng chưa khi nào ông bà dừng viết. Mỗi ngày một ít, bằng đam mê, bằng kinh nghiệm, vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh - Võ Thúy Phượng miệt mài trên từng trang văn. Nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh cho rằng, cuộc sống là chất liệu tốt nhất cho tác phẩm, giúp tác phẩm chân thật và gần gũi với độc giả. Từng đọc truyện dài Đất mặn của ông, tôi cảm nhận được quan điểm đó qua từng trang viết. Tâm lý nhân vật cũng được xây dựng gần gũi và chân thật đến mức Đất mặn không phải mặn vì muối mà vì nước mắt người đọc!
Nếu nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh chuyên về thể loại ký sự, truyện dài thì nữ văn sĩ lại “chuyên trị” truyện ngắn. Cùng một đề tài chiến tranh nhưng dưới 2 góc nhìn của mỗi người, vợ chồng nhà văn cho ra đời những sản phẩm khác biệt. Nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh nhận xét: “Bà ấy là phụ nữ nên cái nhìn nhẹ nhàng hơn”. Vì nhạy cảm, nữ tính nên những đề tài luôn phảng phất đâu đó chút phụ nữ trong từng tác phẩm. Tóc em dài không biên giới, Keo Pha Ni,... là những tác phẩm như vậy. Cả 2 tác phẩm trên đều đoạt giải cao trong các cuộc thi viết về đề tài chiến tranh và đều khai thác đề tài ở một góc nhìn rất khác, đậm tính nhân văn và cũng hết sức đời thường. Nếu Tóc em dài không biên giới bắt đầu bằng sự nuối tiếc rất dễ thương của cô gái Campuchia khi buộc phải cắt đi mái tóc của mình thì Keo Pha Ni lại kể câu chuyện xung quanh cuộc vượt cạn của người phụ nữ Campuchia với sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam. Có lẽ, chỉ có người phụ nữ mới đủ nhạy cảm và thấu hiểu để đưa những chi tiết đậm chất nữ tính ấy vào tác phẩm một cách vừa chân thực, vừa bảo đảm tính nghệ thuật và giàu cảm xúc.
Mặc dù là đồng đội, bạn đời và cùng theo đuổi nghiệp viết nhưng vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh - Võ Thúy Phượng lại không hề can thiệp vào niềm đam mê của nhau. Chỉ có duy nhất một điều, bao nhiêu năm nay không hề thay đổi chính là ông, bà là độc giả đầu tiên cho tác phẩm của người kia. Vậy nên, thỉnh thoảng ông bà ngồi cùng nhau, người đọc, người nghe rồi góp ý, bàn luận. Lúc này, họ không chỉ là đồng đội, bạn đời mà còn là bạn văn chương.
Từng đi qua chiến tranh, từng chiến đấu trên nhiều mặt trận, trong đó có chiến trường Long An nên vợ chồng nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh - Võ Thúy Phượng có rất nhiều tác phẩm về đất và người Long An trong những năm tháng gian lao. Chính vì thế, năm 2018, nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh và nhà văn Võ Thúy Phượng cùng được xét tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Thông lần thứ V. Đó là một niềm vui, niềm vinh dự đặc biệt bởi giải thưởng VHNT Nguyễn Thông là giải thưởng danh giá, đôi vợ chồng nhà văn lại cùng được nhận ở cùng một lĩnh vực và trong cùng một thời điểm. Nói về điều này, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh - Nguyễn Lành vui vẻ: “Lần trao giải năm 2018 có một điều đặc biệt, chính là nhà văn Nguyễn Xuân Đỉnh, nhà văn Võ Thúy Phượng cùng nhận giải lần này là vợ chồng. Con của 2 nhà văn dù không viết chuyên nghiệp nhưng cũng có nhiều tác phẩm được đánh giá cao. Đó quả là một gia đình có truyền thống văn chương đáng ghi nhận!”./.
Phương Phương