
Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp (bìa trái) trong chương trình âm nhạc Dòng sông ai đã đặt tên diễn ra ở Huế vào năm 2015
Dành tình yêu cho thiếu nhi
Tháng 02-1965, vùng đất Đồng Hới (Quảng Bình) bị hàng trăm quả bom Mỹ dội xuống. Thời điểm đó có một cậu bé băng mình qua những đồi cát đang bị cày xới để tiếp đạn cho bộ đội và dân quân bắn máy bay. Đó là Trương Ngọc Hương, nhân vật trong bài thơ Em bé Bảo Ninh của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh và sau này được NS Trần Hữu Pháp phổ nhạc với ca khúc cùng tên.
Cho đến nay, những ca từ: Em bé Bảo Ninh/ Bên bờ Nhật Lệ/ Dưới trời lửa khói/ Em như cánh tên/ Bay trên cồn cát/ Rẽ gió xông lên/ Cởi khăn quàng đỏ/ Bọc đạn chuyển đi/ Trận địa bom nổ/ Khó khăn sá gì/ Tiếp đạn nào/ Tiếp đạn truyền tay trên chiến hào/ Cho chú dân quân bắn nhào phản lực/ Máy bay bốc cháy/ Đâm xuống biển khơi/ Em reo em nhảy/ Em truyền tin vui/ Em bé Bảo Ninh/ Bên bờ Nhật Lệ/ Như cánh hoa nhỏ/ Nở bên chiến hào/ Như chim đầu ngõ/ Hót mừng xôn xao/ Quay đẹp cuốn phim/ Làng ta thắng Mỹ/ Có em bé Bảo Ninh đã đi cùng năm tháng về một thời góp sức đánh Mỹ của thiếu nhi Việt Nam anh hùng.
NS Trần Hữu Pháp còn có bài hát về thiếu nhi rất hay là Lớn lên em sẽ làm gì. Thật dễ thương với những ca từ: Lớn lên em sẽ làm gì/ Em sẽ làm người công nhân đi dựng xây những nhà máy mới/ Những nhà cao lồng lộng giữa trời mây/ Lớn lên em sẽ làm gì/ Em sẽ làm người nông dân lái máy cày trên bao đồng ruộng/ Những cánh đồng thẳng cánh cò bay/ Lớn lên em sẽ làm gì/ Em sẽ làm người lái tàu đưa những con tàu ra Bắc vào Nam/ Lớn lên em sẽ làm gì/ Em sẽ làm người kỹ sư đi tìm tài nguyên làm giàu cho đất nước/ Ôi đẹp sao những mơ ước của em”.
Bên cạnh đó, NS Trần Hữu Pháp còn có bài Trăng sáng sân nhà em (phổ thơ Trần Đăng Khoa): Ơi ông trăng sáng tỏ/ Soi rõ sân nhà em/ Trăng khuya sáng hơn đèn/ Ơi ông trăng sáng tỏ/ Soi rõ sân nhà em/ Con chim quên không kêu/ Con sâu quên không kêu/ Chỉ có trăng sáng tỏ/ Soi rõ sân nhà em/ Chỉ có trăng sáng tỏ/ Soi rõ sân nhà em.
Bài hát Hành khúc dưới ngọn cờ hòa bình của NS Trần Hữu Pháp còn được chọn làm bài ca chính thức của phong trào thiếu niên và nhi đồng quốc tế tại Bungari năm 1992.
Nhạc sĩ Trần Hữu Pháp được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huy chương vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam. |
… và lòng son sắt với Huế
NS Trần Hữu Pháp sinh ngày 05-10-1933 trong một gia đình nhà Nho nghèo tại xã Ân Phong, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Ông từng công tác ở Đoàn Văn công tuyên truyền thuộc Sở Thông tin Tuyên truyền Liên khu V, Đoàn Văn công thanh niên xung phong Trung ương, Báo Tiền Phong, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Âm nhạc, Đài Phát thanh Hà Nội,...
Năm 1956, NS Trần Hữu Pháp gặp được bà Hoàng Thị Như Thuần, nguyên là một nữ sinh Trường Đồng Khánh. Người vợ Huế hiền thục, dịu dàng ấy đã tiếp truyền vào tâm hồn nhạy cảm của NS Trần Hữu Pháp một mạch nguồn sáng tạo mới, đó là Huế yêu thương.
Ca khúc Tiếng hát gửi sông Hương được xem là nhạc phẩm mở đầu cho NS Trần Hữu Pháp với hàng trăm ca khúc chủ đề về xứ sở của sông Hương, núi Ngự như: Bài ca từ Huế yêu thương, Huế vấn vương, Nhịp cầu người đã đi qua, Khi tôi xa Huế, Người về cầu ngói Thanh Toàn, Bên dòng sông thơ, Ai về núi Ngự sông Hương, Dòng sông ai đã đặt tên,...
Ca khúc Dòng sông ai đã đặt tên do NS Trần Hữu Pháp viết vào năm 1982 với những ca từ như “Mùa thu trăng lên trên bến Phu Văn Lâu xưa ai ngồi, ai câu, ai sầu ai thảm, ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông... Dòng sông hôm nay in bóng sao bay cho ai về mê say câu hò còn vang vọng, ai mơ ai mộng, ai đợi ai chờ...” được đánh giá là bài hát hay nhất về Huế sau năm 1975.
NS Trần Hữu Pháp từng tâm sự: “Huế trong tôi có lẽ từ những 40 năm về trước, lúc đó, tôi đã vượt qua những con sông để lên đất liền về Hà Nội. Người con gái Huế dịu dàng đã đón tôi trong một đợt đón tiếp đồng bào và cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Khi ra Hà Nội, 3 năm sau, tôi lại gặp người con gái ấy và thế là Huế mãi mãi ở trong tôi. Trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của tôi đã có đến 3/4 tác phẩm dành cho Huế”.
Nhà thơ Võ Quê - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế, nhớ lại: “Trước năm 1975, khi đất nước còn chưa thống nhất, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đã biết đến NS Trần Hữu Pháp khi được nghe hai ca khúc nổi tiếng thời bấy giờ: Tiếng hát gửi sông Hương, Em bé Bảo Ninh. Em bé Bảo Ninh, phổ thơ Nguyễn Văn Dinh, một bài hát viết cho thiếu nhi, được phổ biến không chỉ trong thiếu nhi mà rộng rãi đến quần chúng trong cả nước. Riêng tác phẩm Tiếng hát gửi sông Hương với giọng ca của Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền trong chương trình Tiếng hát gửi về Nam đã gây một cảm xúc lớn trong tôi từ những đêm khuya ấy”.
Năm 1975, khi miền Nam giải phóng, NS Trần Hữu Pháp với NS Mai Sao - chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, đi cùng chuyến xe qua cầu Hiền Lương. Sung sướng vì đất nước thống nhất và sạch bóng quân thù, ông đã tự mình xuống xe đi bộ 18km đến Đông Hà, rồi đón chiếc xe của Nhà máy nước vào Huế.
Trên đường vào Huế, vết tích chiến tranh đã để lại nhiều cảm xúc mạnh mẽ và NS Trần Hữu Pháp đã viết nên bài hát Tiến về Thành Huế. Bài hát này đã được Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên, Quý Dương hát và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam lúc ấy.
Là một trong những người đầu tiên tiếp thu Đài Phát thanh Huế, NS Trần Hữu Pháp được giao làm trưởng phòng văn nghệ cho đến khi thành lập Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên.
Thời gian sau đó, NS Trần Hữu Pháp được bầu làm Thư ký Phân hội Âm nhạc, rồi Chi hội trưởng Hội NS Việt Nam tại Thừa Thiên-Huế cho đến lúc về hưu. Từ năm 1989-1995, ông là Ủy viên Kiểm tra của Ban Chấp hành Hội NS Việt Nam./.
Nguyễn Văn Toàn