Tiếng Việt | English

27/08/2021 - 09:38

Võ Văn Tần - Người cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng

Hơn 15 năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí Võ Văn Tần đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc. Sự kiên trung và khí tiết bất khuất của người cách mạng mẫu mực đã trở thành biểu tượng tinh thần cao đẹp, sáng ngời về ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.

Người chiến sĩ Cộng sản kiên cường

Đồng chí Võ Văn Tần sinh tháng 8/1891 trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước ở làng Đức Hòa (nằm ven sông Vàm Cỏ Đông), huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc tỉnh Long An). Lúc nhỏ, đồng chí vừa theo học chữ Nho, vừa học nghề bốc thuốc. Đến năm 23 tuổi, đồng chí mở lớp dạy học tại làng và bốc thuốc chữa bệnh cho người dân nghèo. Ngoài dạy chữ quốc ngữ, đồng chí còn dạy học trò cách đối nhân xử thế, lối sống nhân nghĩa, thủy chung ở đời. Nhiều học trò sau này trở thành đảng viên cộng sản và có những cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.

Chân dung đồng chí Võ Văn Tần (Ảnh tư liệu)

Năm 1917, đồng chí lên Sài Gòn vừa để kiếm sống, vừa tìm hiểu thời cuộc. Mất mấy năm làm nghề kéo xe thuê ở thành thị, đồng chí Võ Văn Tần nhận ra vẫn chưa có một phương hướng nào đủ soi sáng để thực hiện ước vọng của mình. Năm 1922, là người hay chữ, ông được mời về quê làm biện làng (thư ký). Sử dụng vốn hiểu biết của mình, đồng chí Võ Văn Tần đứng ra bênh vực nông dân trước sự hà hiếp của địa chủ cường hào và tay sai Pháp. Đỉnh điểm là năm 1923, ông tham gia cùng nông dân đấu tranh chống chính quyền thực dân thu thuế sát sinh vô lý nên bị bắt giam, khép tội cầm đầu các cuộc chống đối chính phủ bảo hộ.

Tuy nhiên, vì không có chứng cứ cụ thể để kết án nên chúng buộc phải trả tự do cho ông. Đồng chí Võ Văn Tần quyết định không làm biện làng nữa. Cuối năm 1923, đồng chí quay lại thành phố tiếp tục làm nghề kéo xe tay, vừa mưu sinh, vừa tìm kiếm con đường cứu dân, cứu nước.

Năm 1926, do chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng yêu nước của Nguyễn An Ninh, đồng chí Võ Văn Tần gia nhập và là hội viên cốt cán của Hội kín Nguyễn An Ninh (tức Thanh niên Cao vọng Đảng). Cuối năm 1926, đồng chí quyết định tham gia Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ở Nam kỳ.

Năm 1929, Võ Văn Tần gia nhập An Nam Cộng sản Đảng Nam kỳ (tiền thân là Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đồng chí). Theo chỉ đạo của đồng chí Châu Văn Liêm, phụ trách Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn - Gia Định, đồng chí Võ Văn Tần được giao nhiệm vụ thành lập và phụ trách Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Nam kỳ tại Đức Hòa. Ngày 06/3/1930, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Châu Văn Liêm, đồng chí Võ Văn Tần triệu tập cuộc họp bí mật tại nhà ông Bộ Thỏ ở Giồng Cám, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa (nay thuộc xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), thống nhất tuyên bố chuyển Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Chi bộ với 7 đảng viên. Đây là chi bộ đầu tiên ở Đức Hòa cũng như của tỉnh Chợ Lớn.

Cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng

Tháng 6/1931, đồng chí Võ Vần Tần được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Giữa năm 1932, theo sự phân công, ông trở về làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, thay cho đồng chí Võ Văn Ngân làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Đến cuối năm 1935, Xứ ủy lâm thời được thành lập, ông được cử vào Ban lãnh đạo Xứ ủy do đồng chí Võ Văn Ngân, lúc này là Ủy viên Trung ương Đảng làm Bí thư.

Tháng 3/1937, Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương họp và thống nhất đề ra chủ trương cần thiết thành lập Mặt trận thống nhất rộng rãi nhằm bênh vực quyền lợi cho quần chúng. Sau hội nghị, đồng chí Võ Văn Ngân - Bí thư Xứ ủy Nam kỳ bệnh nặng, phải chữa trị, Trung ương Đảng quyết định chỉ định đồng chí Võ Văn Tần giữ nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy Nam kỳ.

Di tích Ngã tư Đức Hòa - nơi ghi dấu cuộc biểu tình của hơn 5.000 nông dân vào ngày 04/6/1930

Trên cương vị mới, ông thể hiện rõ tư duy, năng lực hoạt động mang tầm vóc và quy mô rộng. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam kỳ, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đòi các quyền dân sinh, dân chủ được đẩy mạnh tại hầu hết các tỉnh Nam bộ. Đặc biệt, ở thành phố Sài Gòn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, nhiều cuộc bãi công lớn đã diễn ra như ở đường sắt Sài Gòn, nhà máy xay lúa, lò nhuộm, Sở Vệ sinh Chợ Lớn; nổi bật có cuộc đấu tranh của 4.500 công nhân hãng Ba Son (tháng 12/1936) nhân sự kiện công nhân bị đuổi việc do tham gia thành lập Ủy ban hành động, gây tiếng vang cả nước.

Ngày 14/7/1940, ông bị địch bắt trong khi đang cùng một số đồng chí họp bàn tại nhà chị Nà ở ấp Tân Thới Trung (nay là xã Tân Xuân thuộc huyện Hóc Môn, TP.HCM). 16 tháng bị thực dân Pháp giam cầm, mua chuộc, dụ dỗ và dùng cực hình tra tấn đến chết đi sống lại nhưng không thể lay chuyển được ý chí bất khuất, kiên cường và khí tiết cách mạng của đồng chí. Vượt qua chế độ dã man của nhà tù thực dân, ông tiếp tục hoạt động, tuyên truyền và nhắc nhở các đồng chí của mình giữ vững khí tiết của người cộng sản. Không khuất phục được, thực dân Pháp đưa ông ra xử bắn ngày 28/8/1941. Trước khi ra pháp trường, đồng chí để lại di bút trên tường xà lim “Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng…”.

Nỗ lực xây dựng quê hương

Kế thừa và phát huy tinh thần cách mạng từ các vị tiền bối, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An luôn chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu nghị quyết đề ra. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh thực hiện hiệu quả các chương trình đột phá, công trình trọng điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. KT-XH phát triển, an ninh - quốc phòng được giữ vững, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn.

Đoàn viên, thanh niên huyện Đức Hòa tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Tần (Ảnh tư liệu)

Nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 9,11%/năm (xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố trong cả nước); GRDP bình quân đầu người đạt trên 77 triệu đồng/năm, gấp hơn 1,5 lần so với năm 2015 (xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố về GRDP bình quân đầu người); hộ nghèo còn 1,16%. Môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh luôn ở nhóm “Tốt” đến “Rất tốt”.

Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng năm 2020, tỉnh vẫn giữ được mức tăng trưởng cao, đạt 5,91%. 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,06%. Dù mức tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng nhưng cao hơn so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 4,34%) và là mức tăng trưởng tương đối tốt trong vùng, đứng thứ 3/13 các tỉnh, thành phố trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 4/8 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập, số vốn đăng ký, doanh nghiệp hoạt động lại và số vốn đầu tư dự án FDI tăng so cùng kỳ, nổi bật là dự án Nhà máy Điện khí LNG Long An I và II với vốn đăng ký hơn 3 tỉ USD. Trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh công nhận thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) và 3 xã NTM nâng cao. Toàn tỉnh hiện có 103/161 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt xã NTM nâng cao.

Long An vinh dự và tự hào là quê hương của những người con họ Võ ưu tú, đặc biệt là đồng chí Võ Văn Tần. Những cống hiến to lớn của đồng chí đối với cách mạng và dân tộc Việt Nam đã làm rạng danh quê hương Long An. Kỷ niệm 130 năm ngày sinh của đồng chí là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử của cha ông, từ đó vun đắp thêm lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết