Tiếp nối truyền thống đấu tranh yêu nước chống Pháp của quê hương, Võ Văn Tần từ rất sớm (1926) đã rút ra kết luận: “Thời đại hiện nay chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là con đường tương lai xán lạn nhất. Tôi đang theo dõi từng bước chân của Nguyễn Ái Quốc. Cái tên mới nghe qua một lần mà tôi có tình cảm kính mến làm sao”[1] .
Xác định rõ lý tưởng và ra sức hoạt động, Võ Văn Tần thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên trong tỉnh và cũng là Bí thư Quận ủy sớm nhất (Quận ủy Đức Hòa, lập tháng 5/1930, 4 anh em đều là quận ủy viên). Đặc biệt, Quận ủy vừa ra đời đã sát cánh cùng Châu Văn Liêm – một trong bảy vị tham gia sáng lập Đảng, lãnh đạo cuộc biểu tình chống Pháp lớn nhất Nam kỳ tại quận lỵ Đức Hòa vào ngày 04/6/1930 (cùng lúc với Hóc Môn và Bà Hom theo chỉ đạo của Liên tỉnh ủy nhằm “chia lửa” với Long Xuyên). Cuộc đấu tranh đạt thắng lợi về mục tiêu, yêu sách và bị Pháp đàn áp, Châu Văn Liêm anh dũng hy sinh; Võ Văn Tần là người tổ chức cuộc rút lui để bảo tồn lực lượng. Với hơn 5.000 quần chúng tham gia, cuộc biểu tình ngày 04/6/1930 là cuộc tập dượt cách mạng quy mô lớn nhất đầu tiên của Đảng ta ở Nam kỳ vào thời điểm Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời, để lại dấu ấn lịch sử sâu sắc.
Là nhà cách mạng hoạt động thực tiễn giàu kinh nghiệm, có khả năng lãnh đạo toàn diện: Võ Văn Tần từ tuổi thanh niên đã rèn luyện, giáo dục cả gia đình, xóm làng cùng đi làm cách mạng. Sớm dấn thân vì nước, ông hiểu thông các trào lưu yêu nước tiến bộ, hiểu sâu về ruộng đất, biết rõ các xu hướng chính trị,... Trong tuyên truyền, vận động quần chúng, xây dựng tổ chức cách mạng, ông đặc biệt chú trọng đào luyện cán bộ tốt.
Một lần huấn luyện về tổ chức (năm 1929), Võ Văn Tần tâm sự: “Mình làm cách mạng mà không để cho nhân dân tin tưởng ở lời nói và việc làm của mình thì khó mà làm cách mạng được”1 và phải đoàn kết dân chúng “có đoàn kết... mới quật ngã được kẻ thù”[2].
Không chỉ bằng lời nói, Võ Văn Tần còn thật sự nêu gương trong lãnh đạo. Nhân chứng Huỳnh Văn Một ghi trong hồi ký: “Ở quê tôi, chưa đồng chí nào hoạt động liên tục, hăng say nhiều năm như...Võ Văn Tần. Trong công tác giáo dục đảng viên, đồng chí khéo léo kết hợp giữa thực tiễn và lý luận, đào tạo rất nhiều cán bộ, nhất là từ năm 1931 xây dựng phục hồi Đảng bộ Nam kỳ lần thứ nhất, cho đến phong trào 1936 – 1939,...Võ Văn Tần hoạt động rất đắc lực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ. Trung ương bao nhiêu lần cho liên lạc tìm Xứ ủy Nam kỳ thì đến Chợ Lớn gặp Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Văn Tạo hoặc đến Bà Điểm tìm Nguyễn Thị Sóc, Phan Văn Voi là cũng để móc nối với Võ Văn Tần... suốt cuộc đời hoạt động bí mật, đồng chí rất sát cơ sở, sát quần chúng, hiểu sâu tâm tư nguyện vọng thiết thực của nhân dân.
Đồng chí đi đến đâu cũng được các tầng lớp quần chúng cảm tình và che chở. Từ Cà Mau đến Ô Cấp (Vũng Tàu), nơi nào xảy ra khó khăn gì, đồng chí đến giải quyết thì mọi người đều thỏa mãn, quan hệ đoàn kết trong nhân dân được chặt chẽ hơn. Đồng chí không có tiếng tăm vang dội như các đồng chí hoạt động bán công khai, nhưng rất được quần chúng tin yêu, cả hòa thượng trong các chùa cũng vô cùng thương mến. Gần 20 năm hoạt động, từ thời Thanh niên Cao vọng...bọn mật thám phòng nhì của Pháp vẫn không tìm được đồng chí”[3].
Hoạt động bí mật trên địa bàn rộng khắp Nam kỳ, Võ Văn Tần góp công sức rất lớn duy trì, khôi phục, củng cố phong trào cách mạng ở giai đoạn thoái trào (1931 – 1935). Trong bối cảnh Xứ ủy nhiều lần “tan đi hợp lại”, bản thân bị địch truy nã, “kết án tử hình vắng mặt” [4], Võ Văn Tần vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn (1931 – 1932), Bí thư Tỉnh ủy Gia Định (1932 – 1935) rồi Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ (1935 – 1936) vừa tổ chức lãnh đạo đấu tranh, vừa chỉ đạo xuất bản báo chí. Ông cùng nhiều đồng chí trực tiếp xây dựng các Đặc ủy, Liên tỉnh ủy miền Đông, miền Tây Nam Kỳ; lãnh đạo tái lập các Tỉnh ủy Gia Định, Mỹ Tho, Trà Vinh, tổ chức lại Xứ ủy...
Đặc biệt cuối năm 1935, Võ Văn Tần đề xuất và cùng Xứ ủy tổ chức chuẩn bị chu đáo địa bàn đứng chân an toàn của Trung ương Đảng ở làng Tân Thới Nhất (Bà Điểm, Gia Định) - đây có thể xem là mô hình “căn cứ lòng dân” đầu tiên của Trung ương và Xứ ủy ở miền Nam.
Tại đây Võ Văn Tần tiếp xúc, làm việc với Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ,... là những đồng chí được đào luyện ở Đại học Phương Đông hoặc phạm vi cả nước, có điều kiện trau dồi về lý luận mácxít và kinh nghiệm đấu tranh trên mặt trận tư tưởng. Chính nơi đây, Đảng lãnh đạo đấu tranh từ bí mật, nửa bí mật ra công khai trên phạm vi cả nước; đồng thời cũng ghi nhận công lao, sáng kiến và hoạt động lãnh đạo của Võ Văn Tần đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Trong cương vị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (từ 1937), Thường vụ Trung ương Đảng (3/1938) Võ Văn Tần đã tham dự và đóng góp tích cực vào thành công của tất cả các Hội nghị Trung ương:
Hội nghị Trung ương lần thứ hai (13, 14/3/1937, tại ấp Tây Bắc Lân) quyết định mở rộng nội dung và hình thức lãnh đạo cuộc vận động dân chủ. Có thể nhận thấy “chất” Võ Văn Tần qua chủ trương: “Thực tiễn phong trào quần chúng chứng minh sự cần thiết phải liên hiệp các giai cấp, tầng lớp, thành lập Mặt trận thống nhất rộng rãi, phải lợi dụng hoàn cảnh công khai và bán công khai để tổ chức quần chúng, không câu nệ về tên gọi...miễn bênh vực quyền lợi cho các tầng lớp dân chúng”; về công tác Đảng, phải “...chú trọng chất lượng hơn số lượng...về tổ chức quần chúng thì...chú trọng số lượng...phải bỏ các xu hướng đầu cơ, di tích tả khuynh hẹp hòi, phải dùng hết các hình thức mà kéo đại đa số dân chúng vào hàng ngũ tổ chức” [5],...
Đó là tinh thần rộng mở, giàu tính đại đoàn kết và cũng rất nguyên tắc, chặt chẽ trong phong cách Võ Văn Tần. Hội nghị Trung ương hai, do vậy - đã bổ khuyết hạn chế của Hội nghị tháng 7/1936 là “khắc phục các biểu hiện hẹp hòi trong tập hợp quần chúng” mà vẫn “...thúc đẩy phong trào cách mạng và củng cố tổ chức Đảng trong tình hình mới” [6].
Sau Hội nghị - giữa năm 1937, Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Xứ ủy Võ Văn Ngân lâm bệnh nặng, Võ Văn Tần được Trung ương chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ[7]. Với trọng trách phạm vi toàn xứ, đồng chí đã cùng Xứ ủy khẩn trương triển khai Nghị quyết, vừa tập trung chỉ đạo trọng điểm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, vừa mở rộng xây dựng tổ chức, củng cố công tác Đảng cả ở miền Đông, miền Tây Nam Kỳ.
Cuối năm 1937, Xứ ủy lập xong 2 Liên Tỉnh ủy Long Xuyên và Cần Thơ; đồng thời tổ chức lại phong trào quần chúng dưới nhiều hình thức mới, thêm sáng kiến lập Ủy ban sáng xuất nghiệp đoàn, phối hợp nhịp nhàng với “bộ phận đảng viên ra công khai” (đấu tranh nghị trường và báo chí); phong trào công-nông cùng cơ sở Đảng phát triển rộng khắp cả nông thôn, thành thị [8].
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ ba (25/8 đến 04/9/1937, ở Tây Bắc Lân) chủ trương tăng cường công tác xây dựng Đảng; xúc tiến thành lập Mặt trận dân chủ và đẩy mạnh công tác tổ chức quần chúng. Tại hội nghị, Võ Văn Tần góp nhiều ý kiến về kinh nghiệm chỉ đạo phong trào các tỉnh Nam Kỳ và về chủ trương mới của Đảng[9]; đồng thời cùng Trung ương đặc biệt nhấn mạnh chống tư tưởng hữu khuynh, thỏa hiệp, xác định: “Trong cuộc vận động dân chúng, chủ nghĩa Tờ-rốt-kít là nguy hiểm nhất”...
Trong các ngày 2 và 03/9/1937 Trung ương Đảng Hội nghị mở rộng củng cố Ban Chấp hành và bầu Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư. Tại Hội nghị này, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ - Võ Văn Tần chính thức được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là bước tiến lớn trong quá trình hoat động cách mạng đầy cam go sôi nổi của đồng chí. Sau Hội nghị, Võ Văn Tần chỉ đạo các Tỉnh ủy, Thành ủy tổ chức nhiều cuộc tranh luận trực diện với nhóm Tờ-rốt-kít, vạch trần bộ mặt thật của bọn phản động đội lốt mácxít, từ đó củng cố niềm tin trong Đảng và trong nhân dân. Cuối năm 1937, Xứ ủy Nam Kỳ đã lập lại 4 Liên tỉnh ủy, 1 Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Công tác xây dựng Đảng chuyển biến rõ rệt. Tổng số đảng viên ở Nam Kỳ lên 655 đồng chí, chiếm 1/3 số đảng viên bí mật cả nước[10] .
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tư (29 và 30/3/1938, tại ấp Tiền Lân, Tân Thới Nhất) có Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Chí Diểu,... với trọng tâm: Thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương, đề ra chủ trương cụ thể vận động công nông và các tầng lớp quần chúng.
Tại hội nghị, Võ Văn Tần cùng Trung ương nghiêm khắc phê bình khuynh hướng “tả” và “hữu” trong công tác Mặt trận; nhấn mạnh “muốn cho Mặt trận thống nhất dân chủ được mở rộng, phải triệt để chống bọn Tờ-rốt-kít và phải đi sâu vào quần chúng nhân dân, vạch trần bản chất xấu xa của nó”[11]; phải giữ nguyên tắc trong quan hệ giữa bộ phận hoạt động bí mật và bộ phận công khai; Hội nghị ra Nghị quyết riêng về phòng thủ Đông Dương và chống bắt lính,...
Đồng thời kiện toàn Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 ủy viên và Ban Thường vụ 5 ủy viên[12]. Khắc phục sai lầm trong một bộ phận của Đảng, Hội nghị nhất trí bầu Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư[13]. Võ Văn Tần, với cống hiến to lớn về kinh nghiệm công tác xây dựng Đảng và chỉ đạo phong trào cách mạng, chính thức được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng[14]- đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.
Sau hội nghị, Võ Văn Tần cùng Trung ương dốc toàn lực lãnh đạo phong trào đấu tranh của công – nông, vừa củng cố hệ thống Đảng và tổ chức quần chúng, vừa giải quyết mâu thuẫn nội tại, đối phó hiệu quả với các thủ đoạn đánh phá thâm độc của thực dân Pháp. Năm 1938 đấu tranh của công nông đi vào chiều sâu, nhiều cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động diễn ra sôi động gắn với vạch trần bộ mặt thật của phái Tờ-rốt-kít. Ngày 02/7/1938 Báo Dân Chúng lần đầu tiên ra công khai, là thắng lợi chính trị quan trọng của Đảng. Theo Báo cáo của cảnh sát Nam Kỳ tháng 11/1938, năm này Võ Văn Tần và Xứ ủy Nam Kỳ còn tiến hành một loạt công tác quan trọng khác[15]...
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu (6, 7, 8/11/1939 tại ấp Tây Bắc Lân), có Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai,... xác định mục tiêu “giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương”, quyết định thành lập “Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương”, chỉ rõ “chiến tranh đế quốc sẽ tạo thời cơ cho cách mạng Đông Dương”; từ đó đề ra phương pháp, hình thức đấu tranh phù hợp với tình hình mới, tiến tới chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền.
Trong tư cách Thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Võ Văn Tần “ủng hộ mạnh mẽ đề nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ về việc phải thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế trong tình hình mới và việc đặt ra những hình thức đấu tranh thích hợp để đưa phong trào cách mạng của quần chúng đi từ thấp đến cao, tiến tới võ trang khởi nghĩa. Ngoài ra, với báo cáo...về vấn đề nông dân, Võ Văn Tần đã góp phần làm sáng tỏ quan điểm lý luận và thực tiễn của Đảng trong đấu tranh cách mạng lúc bấy giờ: coi nông dân là lực lượng to lớn và là động lực cách mạng quan trọng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, khác hẳn với các nước tư bản đương có nền công kỹ nghệ phát triển”[16].
Sách “Võ Văn Tần Tiểu Sử” nhận định: Hội nghị Trung ương sáu thể hiện sự sáng tạo của Trung ương Đảng...Bằng kinh nghiệm hoạt động qua các thời kỳ bị địch liên tục khủng bố trắng và những năm phục hồi xây dựng phát triển phong trào cách mạng ở Nam Kỳ, đồng chí Võ Văn Tần đã có những đóng góp quan trọng cho sự thành công của Hội nghị” [17].
Sau Hội nghị, Võ Văn Tần đã cùng Xứ ủy soạn một đề cương phổ biến tinh thần Nghị quyết Trung ương sáu đến toàn Đảng bộ19; đồng chí trực tiếp cùng Phan Đăng Lưu chỉ đạo xây dựng các đội tự vệ, du kích trên cơ sở các tổ chức Nông hội, Công hội, Thanh niên phản đế...Ngày 3 và 04/12/1939, Võ Văn Tần chủ trì Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng, triển khai chủ trương của Trung ương.
Trong hoàn cảnh địch liên tiếp bủa lưới bắt các đồng chí lãnh đạo chủ chốt (Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, 17/01/1940),... Võ Văn Tần vẫn kiên định chủ trì cuộc họp giữa Xứ ủy và Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn tại nhà số 8 phố Cần Giuộc để thi hành nghị quyết. Từ cuối năm 1939 đến tháng 3/1940 đồng chí liên tục có mặt truyền đạt Nghị quyết Trung ương sáu đến các Tỉnh ủy, Thành ủy18... sau cùng trở lại Trung Quận (Chợ Lớn) vào nửa đầu tháng 4/1940 triển khai Nghị quyết của Xứ ủy19. Với chỉ đạo sâu sát của đồng chí trên cương vị Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng - Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Nghị quyết “Trung ương 6” nhanh chóng được cụ thể hóa, bắt nhịp đẩy mạnh phong trào cách mạng lên cao trào.
Giữa lúc cách mạng toàn Nam kỳ đang tiến triển cùng cả nước, thì ngày 21/4/1940 Võ Văn Tần bị địch vây bắt tại ngôi nhà ở làng Tân Xuân, Hóc Môn, Gia Định. Ngày 17/10/1940 Tòa án quân sự của thực dân Pháp đưa Võ Văn Tần ra xét xử, tuyên mức án 4 năm 9 tháng tù và 8 năm cấm lưu trú, vì “can tội làm tổn hại đến an ninh quốc gia”[18].
Ngày 07/12/1940 giặc Pháp hoãn lưu đày Võ Văn Tần ra Côn Đảo, để tiếp tục đưa ra tòa quân sự xét xử. Ngày 25/3/1941 tòa án quân sự của Pháp ở Sài Gòn quy kết Võ Văn Tần về tội “chịu trách nhiệm tinh thần cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ” và kết án tử hình.
16 tháng bị thực dân Pháp giam cầm, tra tấn dã man, Võ Văn Tần luôn kiên cường bất khuất, vững vàng khí tiết của người Cộng sản. Ngày 28/8/1941 đồng chí bị địch đưa đi xử bắn tại trường bắn ở ngã tư Giếng nước, Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Trên tường xà lim nơi bị kẻ thù giam giữ trước khi ra pháp trường, Võ Văn Tần để lại di bút: “Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng...”.
Sớm tìm đến lý tưởng cách mạng và phấn đấu hết mình vì sự nghiệp cứu dân, cứu nước, giải phóng dân tộc, Võ Văn Tần là người cộng sản tiên phong, mẫu mực. Với cuộc sống giản dị, tác phong linh hoạt, tư duy chặt chẽ, bí mật, lãnh đạo sâu sát, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào, đoàn kết lực lượng cách mạng, dựa hẳn vào quần chúng, khơi dậy được trí tuệ tập thể và sức mạnh của quần chúng, Võ Văn Tần đã góp phần đặt nền móng vững chắc xây dựng hệ thống tổ chức Đảng và cơ sở quần chúng cách mạng ở Nam Kỳ, góp sáng kiến tạo lập địa bàn đứng chân của Trung ương Đảng và Xứ ủy, đồng thời thể hiện tầm vóc của một nhà lãnh đạo cách mạng kiên cường, giàu sức quy tụ và bản lĩnh.
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh (1891 – 2021) và 80 năm ngày mất (28/8/1941 – 28/8/2021) của đồng chí, hình ảnh đọng lại của Võ Văn Tần chính là biểu tượng của khát vọng hòa bình, chống áp bức phong kiến và ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc, ấm no-tự do-hạnh phúc của toàn dân. Với tấm gương của một bậc cách mạng tiền bối kiên cường - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta trên cương vị Bí thư Xứ ủy Nam kỳ và Thường vụ Trung ương Đảng, Võ Văn Tần rất xứng đáng được đề nghị Đảng – Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và... hơn thế./.
Đỗ Thanh Bình
Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Long An
[1] Chuyện Chưa Quên, Hồi ký Huỳnh Văn Một, NXB Trẻ, 2007, tr.47.
[2] Hồi ký của Huỳnh Văn Một, bản đánh máy, Ban NCLSĐ Tỉnh uỷ Long An, 1976, tr.29.
[3] Chuyện Chưa Quên, Hồi ký Huỳnh Văn Một, NXB Trẻ, 2007, tr.62,63.
[4] Địa Chí Long An, NXBLA& NXBKHXH, 1989, tr.616.
[5] Võ Văn Tần – Tiểu sử, NXBCTQG-ST, H, 2015, tr.116,117.
[6] Võ Văn Tần – Tiểu sử, sđd, tr.118.
[7] Võ Văn Tần – Tiểu sử, Sđd,sđd, tr.119.
[8] Những Sự Kiện Lịch Sử Đảng, Ban NCLSĐTW, tập 1(1920- 1945), các tr. 406, 407, 422, 424.
[9] Võ Văn Tần - Tiểu sử, sđd, tr.125.
[10] Võ Văn Tần – Tiểu sử, Sđd,, sđd, tr.129.
[11] Nguyễn Văn Cừ- Một Người Lãnh Đạo...sđd, tr. 38.
[12] Tạp chí Lịch sử Đảng, số 1/2010, tr.61.
[13], 14 Võ Văn Tần – Tiểu sử, Sđd,tr.135,136.
[15] Võ Văn Tần – Tiểu Sử, sđd, t.138,139. Riêng Hội nghị TW lần thứ năm, BT chưa có nhiều thông tin.
[16] Những Hạt Giống Đỏ Trên Đất Long An, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Long An, NXB Long An, 1991, tr.66.
[17] Võ Văn Tần – Tiểu Sử, Sđd,157.
[18] Trong đây có Thủ Dầu Một, Sài Gòn - Chợ Lớn, Liên tỉnh ủy Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên.
[19] Võ Văn Tần – Tiểu Sử, sđd, tr.163.