Năm 1922, Võ Văn Tần được mời làm biện làng (thư ký). Ông tham gia cùng nông dân đấu tranh chống chính quyền thực dân và bị bắt giam. Chúng khép tội ông cầm đầu các cuộc chống đối chính phủ bảo hộ, tuy nhiên, không có chứng cứ nên buộc thả tự do cho ông.
Từ năm 1923, chủ nghĩa Mác và những tư tưởng tiến bộ cách mạng được tuyên truyền thông qua Hội kín do Nguyễn An Ninh khởi xướng. Võ Văn Tần cùng với em trai mình là Võ Văn Ngân gia nhập Hội. Ông tổ chức vận động, truyền bá tư tưởng yêu nước và thành lập một số chi hội ở Mỹ Hạnh, Đức Lập, Hựu Thạnh. Việc tham gia vào Hội kín là điều kiện đưa ông bước dần đến với chủ nghĩa cộng sản.
Năm 1926, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc thành lập phát triển khắp Nam kỳ. Tư tưởng và đường lối đấu tranh của Hội như làn gió mới đối với Võ Văn Tần. Cuối năm 1926, ông gia nhập và xây dựng được nhiều chi hội ở Đức Hòa. Hoạt động tích cực của ông đánh dấu một bước trưởng thành về nhận thức, khả năng vận động, tổ chức của nhà cách mạng chuyên nghiệp sau này.
Tượng đài Võ Văn Tần, ngã tư Đức Hòa, huyện Đức Hòa
Ngày 06/3/1930, tại nhà ông Bộ Thỏ ở Giồng Cám, làng Đức Hòa (nay xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập với 7 đảng viên, Võ Văn Tần làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên ở Đức Hòa cũng như của tỉnh Chợ Lớn (Long An ngày nay). Trở thành đảng viên, Võ Văn Tần tỏ rõ là một lãnh đạo nhạy bén, nhiệt huyết, tích cực. Tháng 5/1930, Quận ủy Đức Hòa thành lập, Võ Văn Tần được bầu làm Bí thư, tham gia Quận ủy còn có 3 người anh em của Võ Văn Tần.
Quận ủy Đức Hòa ra đời đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân, tạo một bước chuyển biến tích cực và thúc đẩy phong trào cách mạng của Đức Hòa lên cao. Dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Châu Văn Liêm, Võ Văn Tần, ngày 04/6/1930, hơn 1.500 nông dân Đức Hòa đã tập trung đội ngũ, giương cờ đỏ búa liềm, biểu ngữ kéo về quận lỵ. Pháp xả súng vào đoàn biểu tình, đồng chí Châu Văn Liêm hy sinh, hàng chục quần chúng khác bị thương. Cuộc biểu tình của nông dân Đức Hòa bị đàn áp nhưng đây là cuộc biểu dương lực lượng lớn nhất ở Nam kỳ. Qua đó, khẳng định vai trò có tính chất quyết định của Võ Văn Tần và Quận ủy Đức Hòa trong việc giác ngộ, vận động, lãnh đạo quần chúng.
Các năm 1930-1931, cuộc khủng bố trắng của Pháp đã gây cho Đảng và phong trào cách mạng những tổn thất nghiêm trọng, Tỉnh ủy Chợ Lớn bị tan vỡ, chính quyền thực dân lùng bắt Võ Văn Tần. Ông lánh sang Hóc Môn, tỉnh Gia Định hoạt động. Tại đây, ông gầy dựng cơ sở và liên lạc với các tổ chức cách mạng, phát triển phong trào. Tháng 6/1931, Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn. Thực dân Pháp đánh phá quyết liệt các cơ sở đảng, Xứ ủy Nam kỳ bị tan vỡ nhiều lần, Võ Văn Tần vẫn duy trì được sự lãnh đạo của Đảng ở Gia Định - Chợ Lớn vượt qua khủng bố trắng của thực dân Pháp.
Giữa năm 1932, Võ Văn Tần làm Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Ông cho đình chỉ các cuộc đấu tranh làm bộc lộ lực lượng cách mạng; đồng thời, đưa cán bộ thâm nhập quần chúng, bí mật xây dựng cơ sở chính trị. Ông thành lập cơ quan Liên Quận ủy Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa, ra tờ báo Cờ Lãnh Đạo. Nhờ hoạt động bí mật, phong trào cách mạng vẫn diễn ra đều khắp. Cuối năm 1935, Xứ ủy lâm thời thành lập, Võ Văn Tần là ủy viên. Ông xúc tiến xây dựng căn cứ cách mạng, vùng Bà Điểm trở thành trụ sở của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 3/1937, Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương họp thống nhất thành lập Mặt trận thống nhất rộng rãi, đồng chí Võ Văn Ngân - Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, bệnh nặng, đồng chí Võ Văn Tần lên thay. Trên cương vị mới, Võ Văn Tần đã thể hiện rõ tư duy, năng lực hoạt động của mình. Ông tích cực trực tiếp chỉ đạo phát triển phong trào cách mạng ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn và mở rộng xuống các tỉnh miền Tây. Phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, cơ sở Đảng được củng cố và phát triển.
Tháng 3/1938, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng kiện toàn Ban Chấp hành, Võ Văn Tần được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương. Ông cùng với Nguyễn Văn Cừ quan tâm lãnh đạo, tổ chức thành lập các Mặt trận dân chủ rộng khắp, đề ra những hình thức đấu tranh phù hợp để đưa phong trào cách mạng của quần chúng đi từ thấp đến cao và tiến tới võ trang khởi nghĩa. Những năm 1938-1939, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân ở Nam kỳ vẫn giữ được liên tục và sôi nổi. Võ Văn Tần rất quan tâm đến công tác xây dựng hệ thống tổ chức Đảng và công tác lãnh đạo phong trào trong toàn xứ. Thời kỳ này, hệ thống tổ chức Đảng được củng cố và xây dựng từ chi bộ trở lên ở 20 tỉnh, thành phố.
Hội nghị Trung ương lần thứ 6, tháng 11/1939 chuyển hướng chiến lược, thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Võ Văn Tần đã có những đóng góp quan trọng trong việc chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Võ Văn Tần, Mặt trận được tổ chức từ làng tới tỉnh và tiến tới thống nhất toàn xứ. Các tổ chức Nông hội, Công hội, Thanh niên phản đế, các đội tự vệ du kích phát triển nhanh, số lượng đảng viên Nam kỳ không ngừng tăng lên.
Ngày 21/4/1940, đồng chí Võ Văn Tần bị bắt giữa lúc đồng chí đang khẩn trương triển khai, thực hiện nghị quyết hội nghị. Đây là một tổn thất lớn cho Đảng và phong trào cách mạng. Pháp dùng mọi đòn tra tấn dã man nhưng Võ Văn Tần vẫn kiên cường với khẩu khí bất khuất: “Người cộng sản không sợ chết, chúng bây đừng bao giờ giở những trò vô ích”.
Võ Văn Tần dặn dò các đồng chí cách mạng: “Dầu bị tra tấn dã man đến đâu, tụi bây nhất định đừng khai, để tao nhận hết”. Không làm gì được, thực dân Pháp kết án tử hình ông. Ngày 28/8/1941, Võ Văn Tần bị giặc xử bắn ở ngã tư Giếng nước, Hóc Môn, Gia Định (Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, TP.HCM). Trên tường xà lim giam giữ Võ Văn Tần còn di bút “Thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng” như lời tuyên ngôn, một thông điệp khẳng định lý tưởng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc.
Từ thanh niên yêu nước có lý tưởng và giàu năng lực, đồng chí Võ Văn Tần đã trở thành người cộng sản ưu tú, kiên trung và là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng. Trên mọi cương vị công tác từ bí thư chi bộ làng, Bí thư Quận ủy, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Xứ ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Võ Văn Tần đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, có những cống hiến to lớn về tư duy và những định hướng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí Võ Văn Tần là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, về lý tưởng sống để thế hệ trẻ học tập và noi theo./.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải