Ông bà ta thường nói “Bà con xa, không qua láng giềng gần”, đây chính là kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn cuộc sống từ bao đời nay. Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam ta luôn quý trọng tình làng, nghĩa xóm, sẵn sàng giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau khi hoạn nạn, khó khăn, “tối lửa, tắt đèn có nhau”.
Ngày nay, truyền thống tốt đẹp ấy vẫn đang được phát huy và nhân rộng thông qua những mô hình sáng tạo của các tổ chức chính trị - xã hội: Phong trào đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, mái ấm Công đoàn, nhà tình bạn; phong trào giúp nhau làm kinh tế gia đình; vận động xây dựng quỹ khuyến học, trao học bổng, tặng sách vở, quần áo, tiếp sức học sinh đến trường,...
Tuy nhiên, hiện nay, có một thực tế là ở những vùng đô thị, người dân như bị cuốn theo dòng xoáy của cuộc mưu sinh, ít có thời gian quan tâm đến những người xung quanh, chuyện nhà nào, nhà ấy biết, nhiều khi là người ở cùng một con đường, nhà chỉ cách nhau vài căn nhưng không ai biết ai,... Cho nên, tình cảm giữa những người dân cùng khu phố, tổ dân cư không được gắn bó như ở làng quê.
Để giữ gìn và phát huy tình làng, nghĩa xóm, trước hết, bản thân mỗi người, mỗi gia đình cần quan tâm, tạo mối quan hệ gắn bó, mật thiết với bà con lối xóm, sẵn sàng hưởng ứng, tham gia các hoạt động chung của tổ dân phố. Các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương cần sáng tạo trong việc tổ chức phong trào, các câu lạc bộ,... nhằm tạo điều kiện cho người dân ở cùng khu phố, tổ dân cư gặp gỡ, giao lưu và gắn kết với nhau hơn, qua đó vun đắp tình làng, nghĩa xóm./.
Tường Vi