Tiếng Việt | English

29/10/2022 - 10:30

Xã vùng biên 'chuyển mình' từ chương trình xây dựng nông thôn mới

Có dịp trở lại các xã biên giới, nhiều người không khỏi bất ngờ bởi những địa phương khó khăn mọi bề nay đã “thay da, đổi thịt”. Vùng phên giậu của tỉnh Long An ngày càng khởi sắc, đời sống người dân không ngừng nâng lên.

Đường giao thông nông thôn xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường được bêtông hóa rộng rãi, sạch, đẹp

Sức bật ở dải đất biên cương

Giữa tháng 10/2022, chúng tôi đến xã biên giới Bình Tân của thị xã Kiến Tường. Cảm nhận đầu tiên khi đến đây là một vùng quê thanh bình, với những con đường nhựa, bêtông, trải đá 0x4 rộng rãi. Trường học, trạm y tế xã được xây dựng kiên cố, đạt chuẩn. Nhà cửa của người dân khang trang hơn, nhiều gia đình còn trồng hàng rào cây xanh trước nhà. Hiện nay dù là mùa lũ nhưng nhờ có hệ thống đê bao kết hợp đường giao thông nông thôn nên người dân vẫn đi lại bằng đường bộ, không phụ thuộc vào ghe, xuồng như nhiều năm về trước.

Nhớ lại những ngày gian khó, bà Trần Thị Bé Hai (ấp Cái Đôi Tây, xã Bình Tân) không khỏi vui mừng: “Đường nông thôn trước đây chủ yếu là sỏi đỏ, cầu giao thông cũng chưa kiên cố, phần lớn nhỏ, hẹp chỉ vừa cho xe máy lưu thông. Cơ sở vật chất trường lớp, nhà văn hóa ấp,... thiếu thốn, một số xuống cấp do xây dựng đã lâu. Điện, nước sinh hoạt cũng chưa bảo đảm. Thế nhưng, từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), rất nhiều công trình được đầu tư. Diện mạo nông thôn đổi thay qua từng ngày, người dân càng thêm phấn khởi, tích cực tham gia thực hiện cùng địa phương”.

Theo Chủ tịch UBND xã Bình Tân - Nguyễn Thanh Bình, trên địa bàn xã có khoảng 90% hộ dân sinh sống bằng nghề nông nghiệp. Để nâng cao đời sống người dân, xã tập trung tổ chức lại sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, dạy nghề cho lao động nông thôn; đồng thời, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây, con có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Lao động nhàn rỗi được giới thiệu vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp. Những chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo cũng được thực hiện hiệu quả. Toàn xã hiện chỉ còn 9 hộ nghèo.

Xã Bình Tân, thị xã Kiến Tường trao nhà Đại đoàn kết cho gia đình gặp khó khăn về nhà ở

Xã Bình Tân hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019. Hướng tới XDNTM nâng cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã tiếp tục chung sức, đồng lòng củng cố, nâng chất những tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt và đạt thấp, nhất là về môi trường, thu nhập, nhà ở dân cư,... “Bên cạnh đó, xã tranh thủ các nguồn lực được hỗ trợ, vận động mạnh thường quân và phát huy nội lực trong nhân dân để tiếp tục xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH của địa phương” - ông Nguyễn Thanh Bình cho biết.

Vượt khó xây dựng nông thôn mới

Bình Hòa Tây là 1 trong 2 xã biên giới của huyện Mộc Hóa. Cũng như những xã vùng biên khác, khi bắt tay vào XDNTM, Bình Hòa Tây có xuất phát điểm thấp nên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Chính vì vậy, để có được những đổi thay như hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã đã phải nỗ lực rất nhiều. Với sự vào cuộc, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân, đầu năm 2020, xã Bình Hòa Tây được UBND huyện công nhận đạt chuẩn xã văn hóa NTM.

Nông dân xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Những năm qua, rất nhiều công trình được đầu tư, xây dựng trên địa bàn xã, nhất là cầu, đường giao thông không ngừng được mở rộng, nhựa hóa, bêtông hóa, vừa tạo diện mạo mới cho địa phương, vừa tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa, vật tư nông nghiệp. Chị Thạch Thị Bé Hon (ấp Bình Tây 2, xã Bình Hòa Tây) chia sẻ: “Nhờ XDNTM, trường, trạm, đường sá đều được đầu tư, xây dựng khang trang. Đời sống người dân được chăm lo về nhiều mặt cả về vật chất lẫn tinh thần nên ai cũng đồng tình, ủng hộ”.

Không riêng gì giao thông, hiện nay, xã Bình Hòa Tây đã đạt 17/19 tiêu chí XDNTM, chỉ còn 2 tiêu chí chưa đạt là tổ chức sản xuất và cơ sở vật chất văn hóa. Điều đáng mừng là người dân trong xã hưởng ứng và tham gia rất tích cực. Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", người dân không chỉ hiến đất, đóng góp tiền mà còn tham gia ngày công để thực hiện các công trình. Từ sự đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, các chỉ tiêu XDNTM được thực hiện theo đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.

Xác định mục tiêu cốt lõi của chương trình XDNTM là nâng cao đời sống cho người dân nông thôn, những năm qua, xã Bình Hòa Tây luôn chú trọng phát triển KT-XH, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Theo Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã - Hoàng Thị Thùy Như, cùng với tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, xã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống. Toàn xã hiện chỉ còn 1,28% hộ nghèo (15 hộ nghèo) và 2,9% hộ cận nghèo. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt khoảng 50 triệu đồng/năm.

Cán bộ và nhân dân xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa tham gia làm đường giao thông nông thôn

Có thể thấy, chương trình XDNTM đã tác động mạnh mẽ đến những vùng quê, trong đó có các xã biên giới của tỉnh, làm cho diện mạo các địa phương đổi thay vượt bậc, đời sống người dân ổn định, phát triển. Đây là tiền đề quan trọng để các địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra./.

Long An có đường biên giới dài hơn 134km, giáp 2 tỉnh Svay Rieng và Prey Veng, Vương quốc Campuchia. Toàn tỉnh có 20 xã biên giới thuộc 5 huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường. Qua 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM, nhờ sự quan tâm hỗ trợ từ cấp trên, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, các địa phương biên giới không ngừng đổi thay về diện mạo cũng như đời sống người dân.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết