Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tiến hành khảo sát nhanh về thực trạng doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trên cơ sở đó, VBCSD cũng kiến nghị Chính phủ xây dựng chiến lược ứng phó trong trung và dài hạn gắn với Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; cũng như lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VBCSD kiêm Tổng Thư ký VCCI cho biết đại dịch diễn ra khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, thị trường xuất khẩu gặp khó, thiếu hụt nguyên liệu... dẫn tới sụt giảm doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp buộc phải đưa ra những phương án, chiến lược kinh doanh phù hợp; gắn những vấn đề ngắn hạn cấp bách với chiến lược trung và dài hạn. Bởi, sau đại dịch, chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ sớm được tái cơ cấu và định vị.
Qua khảo sát, 31% doanh nghiệp hội viên VBCSD cho biết đã và sẽ tập trung nhiều hơn cho thị trường trong nước, giảm sự phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài. Đặc biệt, 81% doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh liên kết ngành, đảm bảo không làm đứt gãy chuỗi cung ứng nếu trong tương lai có thể xảy ra những sự kiện tương tự như dịch COVID-19.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, chuyển đổi số... nhằm giảm sự phụ thuộc vào các thị trường, hình thức kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, việc cần làm trước tiên đó là tiết kiệm, cắt giảm chi phí, hoãn đầu tư những hạng mục chưa thiết yếu là những yêu cầu cấp bách đối với các doanh nghiệp hiện nay.
Liên quan tới chiến lược phát triển bền vững và lộ trình thực hiện từ nay tới năm 2030 của các doanh nghiệp Việt Nam, tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, cho hay, đây là chuyện sống còn và gắn với “máu, thịt” của các doanh nghiệp trong dài hạn. Đây cũng là “chiếc phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng chống chọi và phục hồi trong mọi tình huống; nhất là ở bối cảnh dịch bệnh COVID–19 như hiện nay.
Nhiều giải pháp cũng đã được các chuyên gia đề xuất và khuyến nghị giúp cộng đồng doanh nghiệp xây dựng kế hoạch hoạt động và duy trì các mục tiêu sản xuất kinh doanh từ nay tới cuối năm và các năm tiếp theo.
Theo đó, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, các doanh nghiệp cần xây dựng lại chiến lược hoạt động, kế hoạch tái cơ cấu, quản trị doanh nghiệp theo định hướng phát triển bền vững; đồng thời, chủ động tích hợp các yêu cầu phát triển bền vững trong chiến lược quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro. Đơn cử, việc lập báo cáo phát triển bền vững; xác định chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) và áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) trong quản trị doanh nghiệp…
Song song đó, trong quá trình thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp cần chủ động tăng cường năng lực, đa dạng hóa và củng cố sức bền cho chuỗi cung ứng để tránh sự tổn thương, thay vì chỉ ưu tiên việc gia tăng hiệu suất. Bên cạnh các nhà cung ứng theo hợp đồng dài hạn, doanh nghiệp cũng nên chủ động xây dựng hệ thống các nhà cung ứng ngắn hạn để tránh sự phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung ứng lớn.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải xây dựng những kịch bản quản trị rủi ro cho chuỗi cung ứng, lập kế hoạch sản xuất linh hoạt và tinh gọn; đồng thời, áp dụng công nghệ trong quản trị nguồn cung ứng…
Một yếu tố không kém phần quan trọng là các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ trong dài hạn để có thể xây dựng, điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh của mình sao cho phù hợp với định hướng chung của quốc gia.
Doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu xu thế phát triển chung của nền kinh tế thế giới để xây dựng những mô hình kinh doanh trong tương lai; từ đó “đi tắt đón đầu”, đáp ứng tốt các thay đổi của thị trường và xu hướng tiêu dùng mới. Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động quản trị, sản xuất kinh doanh...
Không chỉ khuyến nghị các doanh nghiệp, đại diện VBCSD cũng đề xuất, Chính phủ rất cần xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19.
Những chính sách được ban hành cần có tầm nhìn chiến lược dài hạn đi kèm với các hoạt động trung hạn để phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới; cũng như định hướng phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia. Ngay trong các chính sách của Chính phủ cũng cần tính đến yếu tố quản trị rủi ro thông qua việc xây dựng các kịch bản ứng phó với những điều kiện bất lợi có thể xảy ra trong tương lai như COVID-19 là 1 ví dụ điển hình.
Ông Vinh đề xuất Chính phủ cần xây dựng và triển khai Đề án Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; đồng thời, triển khai Chương trình quốc gia về Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thực hiện Mô hình Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Đại diện tiếng nói từ khu vực các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định, Chính phủ đã và đang tiếp tục đưa ra các chính sách rất thực tế như hỗ trợ tài chính, tín dụng cho cộng đồng doanh nghiệp cùng người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch.
Cụ thể, áp dụng miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất và chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội đối với nhiều doanh nghiệp…
Hiện các doanh nghiệp; đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ khốn khó, lao đao và rất cần những chính sách hỗ trợ vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài.
Bởi lẽ, theo Chủ tịch VINASME, công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 còn kéo dài nên việc chuẩn bị cho doanh nghiệp một tâm thế để sống chung với dịch bệnh và kinh doanh an toàn là vô cùng cần thiết. Do đó, nhất định cần đưa ra những giải pháp tổng thể, những định hướng chiến lược để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và tìm kiếm cơ hội mới hậu thời kỳ COVID-19./.
Theo TTXVN