Ảnh minh họa. (Nguồn: Kaspersky)
Sau 2 năm đại dịch, cũng như các khu vực khác trên thế giới, Đông Nam Á đang chuẩn bị sẵn sàng cho một năm phục hồi 2022. Các chuyên gia tại Nhóm Nghiên cứu và Phân tích Toàn cầu (GreAT) đã chia sẻ 4 xu hướng chính về an ninh mạng trong năm nay.
Tấn công có chủ đích bằng ransomware giảm
Khoảng thời gian đại dịch chứng kiến sự gia tăng tấn công có chủ đích bằng ransomware trên toàn thế giới nhắm đến những mục tiêu giá trị cũng như những doanh nghiệp đang bên bờ vực thẳm.
Một số công ty trong khu vực Đông Nam Á là nạn nhân của ransomware. Tuy nhiên, nhờ hợp tác quốc tế và tăng cường nhân lực truy vết các nhóm ransowmare, các chuyên gia Kaspersky tin rằng số lượng của các cuộc tấn công này sẽ giảm trong năm 2022.
Đối với khu vực Đông Nam Á, loại hình tấn công này có thể sẽ giảm mạnh hoặc sẽ không xảy ra tại một số nước trong năm 2022.
Tuy nhiên, các dịch vụ lưu trữ sẵn có được cung cấp rộng rãi tại các quốc gia như Singapore và Malaysia, các dịch vụ trung tâm dữ liệu và cơ sở hạ tầng vẫn có thể bị ransomware tấn công.
Lừa đảo và tấn công phi kỹ thuật tinh vi
Một trong những đặc điểm nổi bật của công dân các nước phát triển là cảm giác an toàn cần được nâng cao. Chi tiêu nhiều hơn cho công nghệ, bao gồm cả an ninh mạng, cũng tạo ra cảm giác an toàn lâu dài trên mạng.
Do đó, phần lớn dân số ít phải đối mặt với các mối đe dọa truyền thống vì cơ sở hạ tầng luôn được bảo vệ và người dùng cũng ít bị lây nhiễm.
Đây là lý do vì sao kẻ tấn công tập trung vào tấn công phi công nghệ, khai thác "lỗ hổng" mang yếu tố con người bao gồm tất cả các loại hình lừa đảo qua tin nhắn, cuộc gọi tự động, ứng dụng nhắn tin phổ biến và mạng xã hội,...
Số lượng lừa đảo tăng qua các năm, theo Cảnh sát Singapore: Tăng 16% (năm 2021), tăng 108,8% (2020), tăng 27,1% (năm 2019), tăng 19,5% (năm 2018).
Một số quốc gia khác trong khu vực cũng ghi nhận tấn công lừa đảo. Tại Thái Lan, gần 40.000 người bị lừa khi tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng xuất hiện giao dịch không rõ ràng. Kẻ lừa đảo dùng trang web ngân hàng giả mạo để đánh cắp thông tin người dùng tại Malaysia vào năm 2021. Sàn thương mại điện tử tại Việt Nam cũng bị giả mạo để lừa tiền người dùng.
Đại diện Kaspersky cho biết xu hướng này sẽ càng gia tăng trong tương lai, bao gồm phát triển những thông tin liên quan đến người dùng như hình ảnh, video, giọng nói. Có thể sẽ có sự chuyển đổi từ lừa đảo có sự trợ giúp của máy tính sang lừa đảo từ tài sản số (tài khoản người dùng, smartphone, máy tính cá nhân) và người dùng sẽ sớm thấy loại hình lừa đảo này trong năm 2022.
Gia tăng rò rỉ dữ liệu
Với sự sụt giảm trong tấn công ransomware có chủ đích để lộ thông tin bị đánh cắp, chúng ta sẽ thấy sự gia tăng của việc buôn bán các dữ liệu này trên chợ đen.
Đại diện Kaspersky cho hay: "Trong những năm gần đây, chúng tôi đã quan sát thấy trong nhiều trường hợp rò rỉ dữ liệu, nạn nhân không thể xác định được kẻ tấn công cũng như không tìm ra cách chúng bị xâm nhập. Mặc dù xác định kẻ tấn công và nguyên nhân sự rò rỉ là một thách thức nhưng theo nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ các trường hợp như vậy đã tăng đáng kể trong 2 năm qua, hơn 75%."
Các chuyên gia của Kaspersky tin rằng đây không chỉ là dấu hiệu của những thách thức quan trọng mà những người bảo vệ mạng phải đối mặt mà còn là yếu tố thúc đẩy và là tín hiệu cho các tội phạm mạng thụ động khác lao vào lĩnh vực đánh cắp dữ liệu và buôn bán bất hợp pháp.
Do đó, chúng ta sẽ thấy nhiều cơ sở dữ liệu, thông tin liên lạc nội bộ và thông tin cá nhân bị đánh cắp từ các công ty khác nhau và được giao dịch trên thị trường chợ đen.
Tiền mã hóa và tấn công vào ngành NFT
Bằng cách quan sát những kẻ tấn công chuyên nghiệp với nguồn nhân lực lớn, chẳng hạn như nhóm Lazarus và nhóm phụ của nó - BlueNoroff, các nhà nghiên cứu của Kaspersky kết luận rằng chúng ta sẽ đối mặt với một làn sóng tấn công thậm chí còn quy mô hơn vào các doanh nghiệp tiền điện tử.
NFT (non-fungible token - tài sản không thể thay thế) cũng sẽ là mục tiêu của tội phạm mạng. Điều này là do các quốc gia ở Đông Nam Á đang dẫn đầu về tỷ lệ sở hữu NFT, trong đó Philippines đứng đầu danh sách với 32%, cho biết họ sở hữu các tài sản số này.
Trong 20 quốc gia được khảo sát, Thái Lan xếp vị trí thứ 2 (26,2%), tiếp theo là Malaysia (23,9%), Việt Nam ở vị trí thứ 5 (17,4%) và Singapore xếp thứ 14 (6,8%).
Ngoài ra, các chuyên gia từ Kaspersky dự đoán rằng các loại hình tấn công trên không chỉ ảnh hưởng đến thị trường tiền mã hóa toàn cầu mà còn đến giá cổ phiếu của các công ty riêng lẻ vì kẻ tấn công kiếm tiền thông qua giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán./.
Minh Sơn (Vietnam+)