Trường hợp trẻ bị xuất huyết tiêu hóa điển hình
Bé gái 3 tháng tuổi nhập viện với tình trạng bị sốt, tiêu lỏng phân đen 2 - 3 lần trong 2 ngày. Gia đình cho biết đã đưa bé tới bệnh viện tư khám và được chẩn đoán bị tiêu chảy nhiễm trùng, đã điều trị trong 8 ngày. Tuy nhiên, bé chỉ hết sốt, vẫn đi đại tiện phân đen, lỏng 3 - 4 lần/ngày. Thấy bé da xanh tái, nhợt nhạt, gia đình đã đưa bé đi khám lại tại một bệnh viện gần nhà.
Tại đây bé được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bé được chẩn đoán viêm ruột nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hóa, điều trị thêm 7 ngày với kháng sinh và truyền hồng cầu lắng, nhưng bé vẫn còn tình trạng đại tiện phân đen, nôn vài lần ra dịch xanh, nên đã được chuyển tuyến trên để điều trị.
Sau khi tiếp nhận, bé có dấu hiệu tình trạng sốc mạch nhanh 168 lần/phút, huyết áp khó đo, bụng mềm chướng, da xanh tái, nhợt nhạt... qua các chỉ số xét nghiệm bé được chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa, viêm ruột, nhiễm trùng huyết… nên đã được điều trị truyền dịch chống sốc, truyền máu, huyết tương tươi động lạnh, tiểu cầu, kết tủa lạnh, kháng sinh và hội chẩn toàn viện.
Dựa vào kết quả thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phù nề niêm mạc dạ dày - tá tràng - đoạn cuối hồi tràng, nhiễm giun.
Bé tiếp tục được điều trị hỗ trợ hô hấp, điều trị bằng kháng sinh, vitamin K1 và thuốc tẩy giun. Sau hơn 1 tuần điều trị kết quả cho thấy bé tỉnh táo, hồng hào, hết xuất huyết tiêu hóa.
Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa ở trẻ, trong đó với trường hợp xuất huyết tiêu hóa trên thì các nguyên nhân thường thấy là: Viêm, loét thực quản, vỡ giãn tĩnh mạch thực quản trong hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, hội chứng Mallory Weiss.
Trẻ viêm dạ dày tá tràng trong ngộ độc, stress, Schönlein Henoch, dị ứng thức ăn, thuốc, hội chứng huyết tán urê cao, loét dạ dày tá tràng, chảy máu đường mật, dị vật tiêu hoá… cũng có thể gây xuất huyết tiêu hóa trên.
Đối với xuất huyết tiêu hóa dưới ở trẻ thường gặp các nguyên nhân như: Xuất huyết tiêu hóa do nguyên nhân tại ruột non, do u máu ruột non, viêm ruột hoại tử, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa do các vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập vào niêm mạc ruột… có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa dưới ở trẻ.
Ngoài ra, trẻ mắc lồng ruột, viêm loét túi thừa Meckel, xuất huyết tiêu hóa do nguyên nhân đại tràng, trực tràng, viêm đại tràng chảy máu, bệnh Crohn, polyp đại, trực tràng… cũng có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa dưới ở trẻ.
Xuất huyết tiêu hóa ở trẻ là vấn đề thường gặp, do nhiều nguyên nhân. Ảnh minh hoạ.
Dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa ở trẻ
Khi trẻ bị xuất huyết tiêu hóa có những biểu hiện sau:
- Trẻ nôn ra máu
Tình trạng nôn ở trẻ rất thường gặp, có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, nếu trẻ nôn có kèm theo máu tươi hoặc máu đen lẫn trong chất nôn, rất có thể trẻ bị xuất huyết tiêu hóa.
- Trẻ đi ngoài phân có máu
Đại tiện phân có máu là biểu hiện rõ tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ. Tình trạng phân có máu màu nâu đen, đỏ sẫm, đỏ toàn bãi hoặc cũng có thể đi ngoài phân đen kèm theo nôn có máu là gợi ý nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên. Tuy nhiên, tình trạng này cha mẹ cũng nên lưu ý, có thể phân có máu là do ăn các thực phẩm có màu đỏ, màu đen như: Quả thanh long ruột đỏ, đậu đen hoặc sử dụng các thuốc sắt, bismuth…
- Trẻ chán ăn, bụng chướng, quấy khóc…
Do tình trạng xuất huyết tiêu hóa nên trẻ sẽ chán ăn, bỏ ăn, quấy khóc… Trẻ dễ bị thiếu máu tùy theo mức độ mất máu, khát nước, rối loạn tri giác khi mất một lượng máu lớn cấp tính.
Tình trạng sốc có thể xảy ra, trẻ có biểu hiện thay đổi nhịp tim, huyết áp…
Trên thực tế dấu hiệu sớm của xuất huyết tiêu hóa ở trẻ không rõ ràng. Các biểu hiện dễ bị cha mẹ chủ quan bởi giống những bệnh thông thường. Trẻ có thể có các biểu hiện như trẻ lười ăn, mệt mỏi, sụt cân, hôi miệng, khó nuốt, nấc cụt, đặc biệt là khi xuất hiện cơn đau tại các vùng như bụng, cổ, vùng xương ức... Vì vậy, trẻ ăn uống kém hoặc không chịu ăn cũng là một trong những dấu hiệu cha mẹ cần lưu tâm./.
Tóm lại, xuất huyết tiêu hóa ở trẻ là vấn đề thường gặp, do nhiều nguyên nhân. Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần theo dõi và đưa trẻ tái khám khi trẻ có một trong các dấu hiệu như: Hoa mắt chóng mặt, da xanh, mệt mỏi...
Đưa trẻ đi cấp cứu ngay khi trẻ có một trong các dấu hiệu: Li bì, khó đánh thức, trẻ kích thích, vật vã, thiếu máu nặng, da xanh nhiều, môi nhợt, nôn máu đỏ tươi hoặc máu cục, đi ngoài phân đen hoặc máu, mệt hơn sau mỗi lần nôn hoặc đi đại tiện.
|
Theo suckhoedoisong.vn