9 tháng vừa qua, rau quả là mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm nông, thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,67 tỉ USD, tăng 45,6% so với cùng kỳ.
70% rau quả xuất khẩu của Việt Nam hướng đến Trung Quốc
Đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này là do quá trình hội nhập khu vực ASEAN của Việt Nam và của ASEAN với các quốc gia khác.
Dự báo cả năm 2017, rau quả Việt xuất khẩu đạt trên 3 tỉ USD (ảnh minh họa: KT)
Đáng chú ý xuất khẩu rau quả có mức tăng trưởng ngang bằng với cà phê và vượt xa các ngành hàng chủ lực khác như: gạo, cao su, chè, hạt điều... Đến nay, hoa quả Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Hoa Kỳ (đã cho phép nhập khẩu thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải); Nhật Bản (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), Hàn Quốc (thanh long ruột trắng, ruột đỏ, xoài), New Zealand (xoài, thanh long ruột trắng và đỏ), Australia (vải, xoài),… Liên minh châu Âu (EU) cũng được đánh giá là một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Báo cáo kinh tế quý III/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố có phân tích: Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng cao nhất của Việt Nam, trong đó đáng chú ý là các mặt hàng nông, lâm và thủy sản.
Cụ thể, đối với rau quả, lượng xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng ở mức 60% (tính theo năm) trong 3 quý đầu năm; đồng thời, hơn 70% lượng xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong thời gian qua đều hướng đến thị trường Trung Quốc.
Gần đây, kim ngạch xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc có xu hướng tăng. Năm 2016 đạt 1,739 tỉ USD, chiếm trên 70,7% tổng số kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Đến 8 tháng đầu năm 2017 đạt trên 1,787 tỉ USD, chiếm 71,7% cao hơn tỉ trọng của năm 2016. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mức 2,6 tỉ USD trong cả năm 2017.
Cảnh báo khủng hoảng thừa
Theo các chuyên gia của VEPR đánh giá, thực tế này cho thấy mức độ phụ thuộc rất lớn của xuất khẩu vào thị trường này. Đây là thị trường rất lớn, bên cạnh đó lại rất gần về mặt địa lý đối với Việt Nam, vì vậy rất thuận lợi cho việc xuất khẩu của ta, đặc biệt là với đặc thù của các mặt hàng như nông sản.
VEPR cho rằng, việc thị trường Trung Quốc ngày càng phát triển và yêu cầu cao hơn bằng các biện pháp tăng rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông sản của Việt Nam đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu để đảm bảo những điều kiện kiểm soát của các nhà nhập khẩu. Thêm vào đó, việc Nhân dân tệ liên tục tăng giá cũng tạo điều kiện cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Cung với đó, gần đây, nhiều thị trường khó tính khác cũng bắt đầu chấp nhận rau quả Việt Nam nhiều hơn. Điều này cho thấy, chất lượng rau quả xuất khẩu của Việt Nam được cải thiện, công tác xúc tiến thương mại hiệu quả hơn.
Chẳng hạn, thanh long từ Việt Nam cũng mới được xuất bán sang thị trường Australia. Mới đây, phía Hoa Kỳ đồng ý cho phép Việt Nam được xuất khẩu quả vú sữa vào thị trường này. Đưa Việt Nam là nước đầu tiên được phép xuất khẩu vú sữa sang Hoa Kỳ. Đến nay, cùng với vải, nhãn, chôm chôm và thanh long, vú sữa là loại quả thứ năm của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Thực tế này đang tạo thêm động lực cho các nhà xuất khẩu đẩy mạnh sang các thị trường lớn và khó tính. Nhất là khi để vào được các thị trường khó tính, ta đã phải mất nhiều năm đàm phán, đơn cử như trái thanh long vào Australia cũng mất 9 năm; vú sữa vào Hoa Kỳ mất 10 năm...
Tuy nhiên, để rau quả Việt đứng vững chân và phát triển thị phần trong các thị trường không phải đơn giản. Các chuyên gia khuyến nghị yếu tố cốt lõi vẫn phải là gia tăng chất lượng sản phẩm và công tác xúc tiến thương mại cho rau quả Việt, đặc biệt là cập nhật kịp thời các thông tin nhu cầu và tiêu chuẩn về sản phẩm nhập khẩu của từng thị trường.
Chẳng hạn, ngay như với thị trường lớn nhất của rau quả Việt hiện nay là Trung Quốc thì, "nếu có thể nhận thức được tầm quan trọng to lớn của thị trường Trung Quốc và tập trung vào cải thiện chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu thị trường này đặt ra, Việt Nam sẽ có cơ hội rất lớn để cải thiện tình trạng nhập siêu và thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới."- VEPR khuyến nghị.
Tuy nhiên, VEPR cũng cảnh báo: "Nếu không đảm bảo được về chất lượng, chúng ta sẽ khó tránh khỏi các cuộc khủng hoảng dư thừa như đã diễn ra đối với các mặt hàng như thịt lợn, dưa hấu hay vải trong thời gian vừa qua."./.
Xuân Thân/VOV.VN