Tiếng Việt | English

29/10/2015 - 15:05

Đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Sau 5 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở Long An đã lan tỏa sâu rộng, được sự đồng thuận cao từ nhân dân và gặt hái nhiều kết quả quan trọng, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn.


Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

NTM lan tỏa trong cuộc sống

Khi thực hiện chương trình XDNTM, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành có nhiều tiêu chí thực hiện rất khó. Trong đó có giao thông, bởi toàn xã chỉ có khoảng hơn 2km đường nông thôn được đổ bêtông. Ngoài ra, an ninh, trật tự cũng phức tạp khi trên cung đường 827A, có hơn 20 quán cà phê trá hình.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú - Lý Thanh Quang, năm 2014, xã đã về đích NTM. Để đạt xã NTM, mỗi cán bộ, người dân trong xã phải nỗ lực rất nhiều. Từ khi thực hiện chương trình XDNTM đến nay, xã được tiếp sức nguồn kinh phí 112 tỉ đồng, trong đó, người dân hiến hơn 58.500m2 đất để làm đường với trị giá gần 7 tỉ đồng. 

Còn xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa - xã thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, khi bắt tay thực hiện XDNTM, xã mới có 5 tiêu chí đạt, nhưng trong năm 2014, xã đã về đích NTM. Chủ tịch UBND xã - Lê Văn Lợi phấn khởi: “Với đặc thù của địa phương, việc thực hiện được các tiêu chí NTM rất gian nan. Nhưng được người dân ủng hộ, cán bộ, đảng viên đoàn kết, gương mẫu trong thực hiện nên mọi khó khăn đều vượt qua”.

Trong số 19 tiêu chí đã đạt, ngoài nổi bậc ở tiêu chí giao thông thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống người dân cũng rất ấn tượng. Ngoài cây lúa, khoai mỡ, tràm, những năm gần đây, xã phát triển hơn 250ha khóm (tập trung chủ yếu ở ấp 5) cho hiệu quả cao khi mang về lợi nhuận 50-60 triệu đồng/ha/năm. Theo quy hoạch, xã sẽ phát triển 600ha khóm. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà đời sống người dân ngày càng nâng cao. Cụ thể năm 2010, xã có 7,9% hộ nghèo (86 hộ), nhưng hiện chỉ còn 2,7% (30 hộ).


Đường giao thôngnông thôn ở Châu Thành được mở rộng, xây mới khang trang, tạo thuận lợi cho người dân trong đi lại, sản xuất     Ảnh: Hồng Anh

Sức dân

5 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được gần 16.000 tỉ đồng để thực hiện chương trình XDNTM (Nhà nước, doanh nghiệp, người dân). Trong đó, người dân đóng góp tiền, hiến đất tự nguyện trị giá 6.126 tỉ đồng và doanh nghiệp trên 251 tỉ đồng. 

Theo đánh giá, có nhiều phong trào, địa phương rất tiêu biểu trong thực hiện chương trình XDNTM. Điển hình như phong trào bêtông hóa đường giao thông nông thôn ở huyện Châu Thành, người dân đã đóng góp trên 82 tỉ đồng. Hay ở huyện Tân Trụ thực hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đường giao thông nông thôn, người dân đã đóng góp trên 100 tỉ đồng.

Đồng thời, cũng có nhiều cá nhân, doanh nghiệp điển hình trong thực hiện chương trình XDNTM. Ông Phạm Văn Đực (75 tuổi), ở ấp Vĩnh Bình, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, là người hiến 400m2 đất để làm đường Lê Văn Cảng. Ông chia sẻ: “Không thể cái gì cũng trông chờ hoàn toàn vào Nhà nước. Việc gì người dân thực hiện được thì nên làm. Với suy nghĩ này, tôi không ngần ngại hiến đất làm đường. Ngoài lợi ích chung của địa phương thì gia đình tôi cũng là người trực tiếp hưởng thụ từ tuyến đường này”.

Tháo gỡ khó khăn, hoàn thành chương trình XDNTM

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, đến tháng 8-2015, trong số 166 xã thực hiện chương trình XDNTM của tỉnh thì đã có 33 xã đạt chuẩn NTM. Dự kiến đến cuối 2015, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn. Số tiêu chí NTM đạt bình quân 14 tiêu chí, tăng 8 tiêu chí so với khi bắt tay vào thực hiện chương trình. Đặc biệt, có những tiêu chí như: Quy hoạch, thủy lợi, điện, bưu điện, thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, văn hóa, hệ thống chính trị vững mạnh, an ninh, trật tự thực hiện đạt kết quả khá cao. Trong đó, nhiều huyện đã và sắp hoàn thành các tiêu chí này.


Chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân

Tuy nhiên, vẫn còn những tiêu chí đạt thấp. Cụ thể, mới có 79 xã đạt tiêu chí môi trường, giao thông được đánh giá thay đổi rõ nét, nhưng hiện chỉ có 55 xã đạt; tiêu chí trường học mới có 80 xã đạt; tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa cũng chỉ có 61 xã đạt;... Cùng với đó, trong quá trình thực hiện chương trình XDNTM còn khó khăn là đòi hỏi nguồn vốn lớn.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, thực hiện chương trình này, mỗi địa phương tùy vào đặc thù mà có sự linh động hoặc có các phương pháp khác nhau. Nhưng nhìn chung, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chương trình XDNTM vẫn là tăng cường tuyên truyền, vận động, phát huy sức dân và vai trò chủ thể của người dân để cùng đóng góp thực hiện các công trình. Cán bộ phải thường xuyên đi cơ sở nắm tình hình, kiến nghị của dân,... Đồng thời, để thực hiện chương trình, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phát huy dân chủ, sức mạnh và vai trò chủ thể của người dân./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết