Tiếng Việt | English

02/04/2025 - 10:45

Ngăn chặn tội phạm trong học đường

Thời gian gần đây, tình trạng tội phạm trong học sinh (HS), sinh viên (SV) ngày càng gia tăng, gây lo ngại cho xã hội và ngành Giáo dục. Những vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, sử dụng chất cấm, trộm cắp, lừa đảo qua mạng và vi phạm pháp luật về giao thông xảy ra nhiều, nhất là khi công nghệ và mạng xã hội phát triển đã tạo môi trường thuận lợi cho những hành vi phạm pháp.

Hiện trạng đáng báo động

Theo thống kê, năm 2024, trên địa bàn tỉnh Long An, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi xảy ra 67 vụ/154 đối tượng, so với năm 2023 giảm 24 vụ.

Các hành vi vi phạm chủ yếu của người chưa thành niên là trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, sử dụng trái phép chất ma túy,... Tội phạm liên quan bạo lực học đường đã và đang tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Các vụ xô xát, đánh nhau giữa HS ngày càng phổ biến, xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân hoặc bị kích động trên mạng xã hội.

Một số vụ án do HS gây ra để lại hậu quả nặng nề. Ngày 30/3/2024, tại ấp Lộc Bình, xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, do mâu thuẫn khi uống rượu, hai nhóm thanh niên xảy ra xô xát. 9 đối tượng đã dùng thanh sắt, tay và chân đánh em B. (SN 2011, ngụ tỉnh Tây Ninh) bị thương tích nặng, tử vong khi cấp cứu.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố và ra lệnh tạm giam 9 bị can về hành vi giết người. Hay khoảng tháng 01/2024, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tuyên án đối với 9 bị cáo, tổng hình phạt 46 năm tù trong vụ án đánh chết HS lớp 11 của một trường tại TP.Tân An.

Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tuyên truyền phòng, chống ma túy

Một số HSSV bị lôi kéo sử dụng hoặc vận chuyển, mua bán chất cấm. Do thiếu ý thức, hám lợi hoặc bị ảnh hưởng bởi môi trường xấu, một số HSSV tham gia các hành vi trộm cắp tài sản, lừa đảo qua mạng.

Tình trạng điều khiển phương tiện không đúng quy định, đua xe trái phép cũng là vấn đề đáng lo ngại trong lứa tuổi HS.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có sự thiếu quan tâm của gia đình, thích thể hiện bản thân, tác động tiêu cực từ mạng xã hội và công tác quản lý, giáo dục chưa thực sự hiệu quả. HSSV dễ bị lôi kéo vào con đường sai trái khi thiếu sự hướng dẫn đúng đắn và thiếu kiến thức pháp luật.

Phòng ngừa tội phạm liên quan đến học sinh, sinh viên

Năm 2024, Công an tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nhằm phòng, chống bạo lực học đường và tệ nạn xã hội trong HSSV. Công an tỉnh tuyên truyền về phòng, chống tội phạm tại Trường THCS Mỹ Thạnh Đông (huyện Đức Huệ) cho 200 HS, tặng 20 phần quà và 1.000 quyển tập trị giá 20 triệu đồng; tuyên truyền về tác hại của ma túy tại Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tân An) với 1.000 HS tham dự, tặng 500 quyển tập trị giá 5 triệu đồng.

Công an tỉnh phối hợp Tỉnh Đoàn tuyên truyền phòng, chống ma túy qua mạng xã hội, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trường Khuyết tật tỉnh với số tiền 27 triệu đồng.

Lực lượng công an các cấp tổ chức hơn 5.800 cuộc tuyên truyền với 227.960 lượt người nghe; tuyên truyền phòng, chống ma túy trong học đường với 130 cuộc, có 85.000 HS tham dự; phát 31.240 lượt loa an ninh, trật tự, 34 bản tin trên website Công an tỉnh, 8.753 bản tin phát thanh; phát hành 4.000 tờ cảnh báo an ninh, trật tự và 9.521 bản tin trên nhóm Zalo tuyên truyền pháp luật.

Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật về giao thông trong trường học

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của HSSV. Cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, lắng nghe con, giáo dục đạo đức và trang bị kiến thức pháp luật từ sớm.

Ngoài ra, kiểm soát nội dung mà con tiếp cận trên mạng xã hội cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực.

Nhà trường cần đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật qua chương trình giảng dạy chính khóa và các hoạt động ngoại khóa.

Việc tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về phòng, chống tội phạm sẽ giúp HSSV nhận thức rõ hơn hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, xây dựng kênh thông tin giữa nhà trường và phụ huynh cũng giúp kịp thời phát hiện, xử lý các dấu hiệu vi phạm.

Lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ nhà trường để tăng cường kiểm soát an ninh tại các khu vực trường học, ký túc xá.

Các biện pháp tuần tra, giám sát thường xuyên sẽ giúp hạn chế tình trạng tội phạm xâm nhập vào môi trường học đường; đồng thời, cần có biện pháp xử lý nghiêm đối với những cá nhân dụ dỗ, lôi kéo HSSV vào con đường phạm pháp.

Công an tỉnh chỉ đạo công an các cấp phối hợp các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều mô hình nhằm phòng ngừa, hỗ trợ trẻ em vi phạm pháp luật, có nguy cơ vi phạm pháp luật và giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Các mô hình tiêu biểu như Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng; Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trước cổng trường học; Phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội và phòng, chống ma túy trong thiếu niên; Xây dựng phong trào Toàn dân phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; Tái hòa nhập cho trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật;...

Các mô hình này phát huy vai trò của gia đình, chính quyền và đoàn thể trong việc quản lý, giáo dục trẻ em, giúp trẻ em bị xâm hại hoặc có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp tục học tập, vui chơi lành mạnh.

Ngoài ra, mô hình hoạt động hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như Con nuôi Công an xã đã phát huy hiệu quả. Công an cấp xã nhận nuôi, đỡ đầu 84 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi cha mẹ với tổng số tiền hỗ trợ 46,5 triệu đồng.

Phòng, chống tội phạm trong HSSV không chỉ là trách nhiệm của nhà trường hay cơ quan chức năng mà cần sự phối hợp của cả gia đình và toàn xã hội.

Việc giáo dục ý thức pháp luật, siết chặt quản lý và tăng cường các biện pháp bảo vệ sẽ giúp xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, góp phần hình thành một thế hệ trẻ có trách nhiệm và đạo đức./.

T.Phượng

Chia sẻ bài viết