Tiếng Việt | English

31/03/2025 - 13:15

Bình Hòa Nam - Vùng đất hồi sinh từ đau thương

Nằm yên bình bên dòng kinh Lò Đường hiền hòa, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An hôm nay khoác lên mình một diện mạo mới đầy sức sống. Ít ai biết rằng, mảnh đất trù phú này từng gánh chịu nỗi đau thương tột cùng trong cuộc thảm sát kinh Lò Đường ngày 28/01/1947.

Theo người dân địa phương, ban đầu, kinh Lò Đường có tên gọi là kinh Lộ Mới. Khi người dân tập trung sống dọc 2 bên bờ kinh và phát triển các lò sản xuất đường thì kinh mới có tên là kinh Lò Đường.

Vào buổi sáng định mệnh đầu năm 1947, thực dân Pháp huy động lực lượng tàn bạo, càn quét và tàn sát dã man 64 người dân vô tội, phần lớn là người già, trẻ em và phụ nữ mang thai. Máu đã đổ xuống dòng kênh, nhuộm đỏ cả một vùng trời.

Nỗi đau ấy khắc sâu vào lòng người dân Bình Hòa Nam, trở thành một phần của lịch sử, nhắc nhở về tội ác của kẻ thù và tinh thần quật cường của dân tộc. Vượt qua những mất mát, đau thương, người dân Bình Hòa Nam đã mạnh mẽ đứng lên, chung tay xây dựng lại quê hương. Với sự đồng lòng của chính quyền địa phương và người dân, Bình Hòa Nam đã vươn mình trở thành một xã nông thôn mới, hướng tới mục tiêu nông thôn mới nâng cao.

Về Bình Hòa Nam ngày nay, những tuyến đường mới phẳng lì dọc theo những ruộng chanh, rau má cho thấy vùng quê lầy lội, nghèo khó ngày nào giờ chỉ còn trong ký ức.

Bia tưởng niệm cuộc thảm sát kinh Lò Đường trở thành địa điểm giáo dục truyền thống tại địa phương

Được định hướng từ chính quyền địa phương, nông dân bắt đầu chú trọng sản xuất hàng hóa tập trung với các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng khu vực. Việc chuyển đổi từ sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như chanh, rau má, đu đủ,... được thực hiện khá đồng loạt.

Ông Nguyễn Văn Thẩm - nông dân ấp 3, xã Bình Hòa Nam, cho biết, nhờ chuyển đổi cây trồng từ lúa sang chanh, kinh tế gia đình ông khấm khá hơn, có điều kiện chăm lo tốt cho các con đến lúc trưởng thành.

Ông Thẩm kể: “Lúc trước, gia đình tôi trồng lúa nhưng khi nhận thấy cây chanh hiệu quả kinh tế cao hơn thì chuyển sang trồng chanh. Với mức giá khoảng 10.000 đồng/kg thì có thể có lợi nhuận gấp đôi so với lúa, việc chăm sóc cũng có phần nhàn hơn so với lúa”.

Nhờ chuyển đổi từ lúa sang chanh, kinh tế gia đình ông Nguyễn Văn Thẩm (ấp 3, xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) được nâng cao

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Nam - Nguyễn Xuân Du, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh góp phần giúp kinh tế và đời sống nhân dân từng bước ổn định, nâng cao thu nhập.

Cuối năm 2024, toàn xã còn 1,41% hộ nghèo, 2,31% hộ cận nghèo. Theo UBND xã Bình Hòa Nam, chỉ tính riêng trong năm 2024, người dân trong xã đóng góp tiền mặt, đất và tài sản gắn liền với đất trị giá khoảng 2 tỉ đồng để thực hiện các công trình trên địa bàn. Kết cấu hạ tầng nhờ vậy từng bước phát triển, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn.

100% tuyến đường chính được mở rộng, nhựa hóa, 11/13 tuyến đường ấp, liên ấp được nhựa hóa và bêtông hóa, trong đó, có 7 tuyến có điện chiếu sáng, trồng cây xanh, được trang bị thùng đựng rác hoặc bố trí điểm tập kết rác hợp lý. Ngoài ra, 100% đường ngõ xóm được cứng hóa, bảo đảm sạch, đi lại thuận tiện.

Kinh Lò Đường trở thành địa danh không thể nào quên tại Bình Hòa Nam (Trong ảnh: Cầu Lò Đường được xây dựng mới, bảo đảm lưu thông và vận chuyển hàng hóa)

Hiện xã có 8 công trình cấp nước tập trung, hộ dân sử dụng nước sạch đạt 83,4%. Trụ sở Trạm Y tế xã được đầu tư xây dựng vào năm 2015 với diện tích 1.500m2 bảo đảm phục vụ công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, tổ chức phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng, uống vitamin.

Quá khứ đau thương đã lùi xa, chính quyền và người dân Bình Hòa Nam hôm nay đã và đang chung tay vẽ nên một bức tranh tươi đẹp về quê hương mình.

Bia tưởng niệm cuộc thảm sát năm xưa giờ đây trở thành địa điểm để mỗi người dân tưởng nhớ tới những mất mát, hy sinh ngày trước, qua đó giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết