Tiếng Việt | English

06/11/2019 - 19:20

Nỗ lực giữ vững và nâng cao chỉ số PCI

Hàng năm, các sở, ngành tỉnh Long An đều xây dựng kế hoạch và giải pháp cụ thể nhằm giữ vững và nâng cao các chỉ số thành phần, góp phần nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) đầu tư kinh doanh.

Giữ vững và nâng cao chỉ số PCI tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh

Giữ vững và nâng cao chỉ số PCI tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh

Cải thiện môi trường kinh doanh

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Anh Việt, sở được UBND tỉnh giao làm cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. Sở thường xuyên tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị trong việc triển khai những nhiệm vụ, giải pháp được UBND tỉnh giao; quán triệt đội ngũ công chức, viên chức, nhất là công chức, viên chức trực tiếp làm việc với người dân, DN về tinh thần hỗ trợ DN; tránh tình trạng nhũng nhiễu, cục bộ, gây tốn kém và tạo ra những chi phí không chính thức cho người dân và DN.

Ngoài ra, sở thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đầu tư, đăng ký DN; không ngừng nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, hạn chế đến mức thấp nhất việc người dân, DN phải đi lại nhiều lần. Qua đó, tạo động lực tăng nhanh về số lượng DN thành lập mới, giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động, tăng cường thu hút DN đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.

Sở chú trọng việc rà soát, kiểm tra các dự án; xử lý nghiêm, đúng quy định các dự án có dấu hiệu vi phạm, các dự án không thực hiện, thực hiện chậm tiến độ hoặc thực hiện sai chủ trương đầu tư nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết tham gia đầu tư. Sở phối hợp các ngành liên quan tham mưu phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh, nhất là phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông đường bộ. Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, môi trường đầu tư của tỉnh trong và ngoài nước.

Kết quả, năm 2016, chỉ số PCI của Long An đứng vị trí thứ 15 trong bảng xếp hạng. Năm 2017, chỉ số PCI của tỉnh vươn lên vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng. Năm 2018, chỉ số PCI của tỉnh đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng, thuộc nhóm Tốt với 68,09 điểm. Điều này tiếp tục khẳng định niềm tin, sự hài lòng và ghi nhận của cộng đồng DN, nhà đầu tư đối với những nỗ lực, sáng kiến đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PCI nói chung và chỉ số tiếp cận đất đai nói riêng, trong đó chú trọng rà soát đơn giản hóa TTHC và việc phối hợp liên thông trong giải quyết TTHC. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn, TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tài nguyên và Môi trường khá lớn. Do đó, chúng tôi luôn chú trọng việc kiểm soát TTHC và xác định đây là khâu quan trọng góp phần tạo thuận lợi cho người dân và DN khi thực hiện các thủ tục.

Năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát đề xuất UBND tỉnh cắt giảm thời gian giải quyết từ 5-10 ngày đối với 5 TTHC. Đồng thời, đề xuất cắt giảm thành phần hồ sơ (HS): Tờ khai lệ phí trước bạ, tờ khai tiền sử dụng đất, tờ khai tiền thuê đất đối với 4 TTHC. Theo đó, năm 2018, sở tiếp nhận 3.646 HS (số HS giải quyết đúng hạn là 3.070 HS). 9 tháng năm 2019, sở tiếp nhận trên 2.500 HS (số HS giải quyết đúng hạn trên 2.200 HS).

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sở tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiệm vụ nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, đặc biệt là chỉ số tiếp cận đất đai. Cụ thể, sở chủ trì hướng dẫn UBND cấp huyện tháo gỡ khó khăn và kịp thời kiến nghị Trung ương giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền về công tác giải phóng mặt bằng; hướng dẫn UBND cấp huyện quy hoạch bố trí quỹ đất, đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm để nhà đầu tư thực hiện các dự án nếu thực hiện đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp.

Ngoài ra, sở tập trung đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn tất công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để người sử dụng đất được thực hiện đầy đủ các quyền theo quy định pháp luật đất đai. Sở triển khai sử dụng hiệu quả phần mềm Quản lý đất đai (ViLIS) trong công tác cập nhật thông tin địa chính và cấp phát giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra các chi nhánh thực hiện tốt Bộ TTHC được công bố, bảo đảm Bộ TTHC phải được niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp huyện, UBND cấp xã theo quy chế “một cửa”, “một cửa liên thông”. Việc thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho cán bộ, công chức ngành tài nguyên và môi trường cũng được chú trọng thực hiện, không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người dân, DN. 

Chú trọng giáo dục nghề nghiệp

Nhằm từng bước nâng cao chỉ số PCI, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ và phát triển DN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các ngành liên quan thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao của DN.

Chánh Văn phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh cho biết: “Sở chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đưa ra giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đào tạo lao động và kết nối cung cấp cho doanh nghiệp theo địa chỉ. Hiện toàn tỉnh có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có 3 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp, 6 trung tâm GDNN và 8 cơ sở khác. 10 tháng năm 2019, các cơ sở GDNN tuyển sinh đào tạo 22.113/22.321 lao động, đạt 99,07% kế hoạch; giải quyết việc làm 31.568/30.000 lao động, đạt 105,22% kế hoạch. Sở khuyến khích các DN tổ chức đào tạo lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao. Đồng thời, thường xuyên thông báo công khai về số lượng, chất lượng, ngành nghề, loại hình được đào tạo của các cơ sở GDNN trên phương tiện thông tin đại chúng để DN nắm bắt thông tin và tuyển dụng lao động.

Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao của doanh nghiệp

Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao của doanh nghiệp

Việc tổ chức các hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, phiên giao dịch việc làm lưu động cũng được thực hiện tốt nhằm đưa thông tin tuyển dụng đến với người lao động, nhất là lao động tại các xã vùng sâu, biên giới. Cụ thể, 10 tháng năm 2019, tư vấn giới thiệu việc làm 105.386 lượt người; trong đó tư vấn nghề 20.573 lượt người, tư vấn việc làm 2.081 lượt người, tư vấn hướng nghiệp 2.810 lượt người, tư vấn việc làm cho đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp 79.922 lượt người. Sở thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với 74 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của sở và 3 TTHC mức độ 4. Tuy nhiên, hiện nay DN nộp hồ sơ qua mạng điện tử còn rất ít. 

Thời gian tới, sở tiếp tục triển khai công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác GDNN nhằm thu hút nhiều lao động đăng ký học nghề, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Tập trung đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên; rà soát, cập nhật, bổ sung chương trình để tăng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo. Các cơ sở GDNN đẩy mạnh việc tổ chức đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của DN. Phấn đấu đến cuối năm 2019, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 69%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 51%, trong đó lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 30%. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính trên lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh./.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết