Nông sản chủ lực “xuất ngoại”
Nhắc đến các loại đặc sản nổi tiếng Long An không thể không nhắc đến thanh long. Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định, trái thanh long trồng ở Long An có nhiều ưu điểm hơn nơi khác bởi ít hạt, ngọt thanh, màu sắc đẹp. Chính vì vậy, thanh long Long An trở thành loại trái có sản lượng xuất khẩu (XK) hàng năm lớn và có thể cạnh tranh với các tỉnh bạn.
Hiện toàn tỉnh có hơn 12.167ha thanh long, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành (hơn 9.100ha, sản lượng gần 300.000 tấn/năm). Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, cây thanh long đang phát triển đúng hướng theo cách trồng chuyên canh. Chính vì vậy, những năm gần đây, nông dân mạnh dạn liên kết, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất sạch, nâng cao chất lượng phục vụ XK và hướng đến những thị trường mới, khó tính hơn. Qua đó, giảm dần phụ thuộc vào một thị trường nhất định, mở ra hướng đi mới cho trái thanh long, mang lại lợi nhuận ổn định cho người trồng thanh long. Hiện tại, thanh long được XK sang nhiều thị trường như Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông và một số nước EU.
Thanh long trồng tại Long An có khoảng 80% sản lượng dành cho xuất khẩu (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh - Nguyễn Quốc Trịnh cho biết, khoảng 80% sản lượng thanh long của tỉnh dành cho XK, phần còn lại tiêu thụ tại thị trường trong nước thông qua hệ thống Bách Hóa Xanh, BigC, Co.opmart, Co.opfood,... Thuận lợi lớn là huyện Châu Thành triển khai, thực hiện Đề án Xây dựng vùng sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) 2.000ha của tỉnh, từ đó, người dân tích cực triển khai diện tích thanh long ƯDCNC ngày càng nhiều. Huyện Châu Thành phối hợp Sở Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá sản phẩm tại một số nước.
Những năm gần đây, chanh không hạt là một trong những mặt hàng nông sản có thế mạnh XK của tỉnh, được trồng với diện tích khoảng 10.500ha. Chanh không hạt được trồng ở các huyện: Đức Huệ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và nhiều nhất là ở huyện Bến Lức với khoảng 6.600ha. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam, những năm qua, cây chanh mang lại giá trị, lợi nhuận cao cho nông dân, phần lớn sản lượng thu hoạch được đều phục vụ XK.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng khả năng cạnh tranh trong hoạt động XK, huyện Bến Lức triển khai Chương trình ƯDCNC trên cây chanh. Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện cho kết quả tốt, toàn huyện có 1.200ha chanh ứng dụng công nghệ sản xuất theo hướng GAP. Sản phẩm thu hoạch đủ điều kiện XK sang thị trường châu Âu. Huyện tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng 1.200ha chanh đã thực hiện ƯDCNC trong năm 2020, tập trung sản xuất và đến năm 2025 đạt thêm 1.500ha chanh sản xuất ƯDCNC để tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Các bước sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường sinh thái cũng được thực hiện một cách quyết liệt.
Gạo chế biến, sản xuất tại Long An xuất khẩu sang khoảng 40 nước trên thế giới (Ảnh tư liệu)
Gạo cũng là loại nông sản mang giá trị XK lớn của tỉnh. Tỉnh hiện có 26 doanh nghiệp (DN) tham gia XK gạo và mang lại giá trị XK lớn hàng năm. Năm 2020, DN trong tỉnh XK gạo đạt 640.000 tấn, giá trị đạt 323 triệu USD. Trong đó, gạo đã XK sang khoảng 40 nước, vùng lãnh thổ như Philippines, Malaysia, Hồng Kông, châu Phi, Trung Quốc, Indonesia, Singapore,...
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ, hiện nay, một số DN XK gạo ngày càng quan tâm nâng cấp, đầu tư hệ thống dây chuyền và quy trình sản xuất để đáp ứng thị trường châu Âu nhằm tận dụng các lợi thế trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực và Việt Nam là một đối tác thương mại gạo quan trọng (Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA năm 2021). Thị trường châu Âu được dự báo sẽ sôi động hơn trong thời gian tới và nhiều DN tại Long An tham gia XK đến thị trường này.
Doanh nghiệp dẫn dắt thị trường
Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Trần Văn Tươi cho rằng, thời gian qua, cây chanh phát triển, mở rộng chuỗi cung ứng cho hoạt động XK như hiện nay, sự dẫn dắt, chủ động của các DN đóng vai trò lớn trong xây dựng và hình thành chuỗi liên kết cung ứng tiêu thụ hiệu quả, bền vững. Sự liên kết này chủ yếu hình thành dựa trên người sản xuất (doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, nông dân quy mô lớn), doanh nghiệp chế biến, cung ứng thực phẩm và doanh nghiệp bán lẻ.
Những DN có vai trò dẫn dắt thành công trong hoạt động XK chanh của tỉnh hiện nay là Công ty TNHH The Fruit Republic (Cty TFR), Nông trang Hải Âu, Cty Cổ phần Thương mại và đầu tư Chanh Việt Long An,…
Chanh không hạt trồng tại Long An đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, Hàn Quốc, Nhật và một số nước khác (Ảnh tư liệu)
Sớm bén duyên với cây chanh không hạt tại huyện Bến Lức từ nhiều năm trước và nhận thấy loại trái này có nhiều tiềm năng cho hoạt động XK, Cty TFR xây dựng nhiều kế hoạch và thực hiện thành công thông qua việc gầy dựng mối quan hệ khắng khít với nông dân qua chuỗi liên kết hướng dẫn sản xuất, tiêu thụ đầu ra. Giám đốc Cty TFR - Nguyễn Thị Mỹ Hiệp cho biết, chanh trồng tại huyện Bến Lức hiện được Cty thu mua, sơ chế, đóng gói theo quy trình khép kín và đạt các tiêu chuẩn theo quy định của thị trường châu Âu. Chanh được Cty XK sang châu Âu, Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật,… Loại trái này được người nước ngoài ưa chuộng, dùng cho chế biến món ăn, làm nước giải khát,… Cty có nhu cầu thu mua, XK 400 tấn/tháng nhưng hiện nay chưa đáp ứng đủ và đang mở rộng liên kết sang các huyện lân cận Bến Lức như Đức Huệ, Thủ Thừa. Ngoài chanh không hạt, Cty đang liên kết với Hợp tác xã Long Hội tại huyện Châu Thành sản xuất và thu mua thanh long phục vụ XK.
Nếu như Cty TFR chuyên về XK chanh tươi thì Chanh Việt lại nỗ lực xây dựng trang trại chanh để chế biến sâu thành các sản phẩm như bột chanh, nước cốt chanh, chanh tẩm mật ong, tinh dầu chanh,… để tăng giá trị cho trái chanh không hạt. Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Cty Chanh Việt - Nguyễn Văn Hiển, sản phẩm chế biến từ Chanh Việt chinh phục được thị trường ở Nhật, Hàn Quốc và một số nước khác.
Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hiệp, để hoạt động liên kết sản xuất, thu mua, XK tốt như hiện nay, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nơi có nguồn nguyên liệu là hết sức quan trọng thông qua việc hướng dẫn, tổ chức xây dựng cơ sở sản xuất, hợp tác xã, nông dân quy mô lớn để sản xuất cung ứng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Cơ chế hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước tại tỉnh Long An rất tốt, giúp DN an tâm hoạt động, từ đó chủ động được nguyên liệu cho XK./.
Thu Hương