Tiếng Việt | English

24/03/2016 - 03:45

“Kéo dài gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ dễ gây ra bất ổn về vĩ mô”

Gói hỗ trợ nhà ở phải được đặt trong tổng thể nền kinh tế, không thể vì một nhóm lợi ích mà phải có một gói hỗ trợ mới hoặc kéo dài gói hỗ trợ cũ.

Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/2013 là giải pháp quan trọng của Chính phủ trong giai đoạn thị trường bất động sản khó khăn cũng như tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp, thu nhập trung bình có điều kiện cải thiện về nhà ở. Đến nay, về cơ bản chính sách này đã phát huy tác dụng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến thị trường bất động sản, thị trường đã phục hồi và phát triển khởi sắc.

Theo quy định, thời gian giải ngân tái cấp vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cân đối chung về nguồn vốn, tập trung vốn tín dụng đầu tư cho các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và chính sách tiền tệ của NHNN. Thời hạn kết thúc giải ngân tái cấp vốn cho vay, thời hạn áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi cũng đã được NHNN quy định rất rõ.

Đánh giá về Chương trình này, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng, gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng là chương trình lớn của Chính phủ. Trong quá trình triển khai thực hiện, NHNN và các ngân hàng đã thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ.

“Các ngân hàng thương mại đã có văn bản hướng dẫn cụ thể và thông báo đến tận khách hàng, trong đó quy định rõ thời điểm áp dụng giải ngân, áp dụng mức luất cho khách hàng. Tức là chỉ áp dụng lãi suất ưu đãi cho các khoản vay được giải ngân trước ngày 1/6/2016, các khoản vay giải ngân sau đó sẽ áp dụng theo lãi suất thỏa thuận”, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên chỉ rõ.


Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho rằng vai trò của gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đền nay đã hoàn thành sứ mệnh. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay đối với những trường hợp đã ký hợp đồng và khoản vay đã được giải ngân một phần, nếu vay thương mại lãi suất sẽ cao và khả năng tiếp tục mua nhà sẽ rất khó khăn. Giải thích về điều này, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Chương trình hỗ trợ cho vay nhà ở 30.000 tỷ đồng được thiết kế khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức hơn 5%. Chính phủ chỉ đạo NHNN thông qua gói hỗ trợ kích cầu để kích vào thị trường bất động sản ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp để khơi thông “cục máu đông” trong nền kinh tế.
Thực tế theo Đại biểu Nguyễn Đức Kiên là hiện nay, gói 30.000 tỷ đồng đến hết thời hạn sẽ cam kết cho vay được khoảng 90%. “Cục máu đông” bất động sản đã được giải quyết nên vai trò của gói hỗ trợ đã hoàn thành. Nhà nước có Ngân hàng chính sách xã hội để giải quyết những vấn đề cho người dân có nhà ở. Nếu người dân không thay đổi, không cập nhật tình hình và giữ thói quen cũ thì Nhà nước cũng không thể lo mãi được.

“Chúng ta cũng cần phải đặt lại vấn đề tại sao nhiều trường hợp không quyết định vay từ sớm? Tại sao không tìm các dự án tốt, có tốc độ giải ngân nhanh để tìm các gói vay theo thời hạn 36 tháng như yêu cầu của gói 30.000 tỷ mà lại đợi đến thời điểm cuối cùng mới chạy. Tại sao người dân không làm được lại bắt Nhà nước phải lo việc này? Người mua nhà phải có trách nhiệm với gói vay của mình, Nhà nước không thể lo cho người dân như thời chủ nghĩa xã hội được. Đặc biệt những điều khoản đã ghi ngay trong hợp đồng”, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên khẳng định.

Trước mong muốn của cử tri và người dân về việc kéo dài thêm thời gian giải ngân gói 30.000 tỷ, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho rằng, Chính phủ và người dân đang xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, do đó sẽ không nên có việc người dân cứ đòi Nhà nước phải bao cấp.

“Mong muốn mang lại lợi ích cho cá nhân là tốt, nhưng không thể vì lợi ích của mình mà ảnh hưởng chung đến lợi ích của cả nước. Gói hỗ trợ phải được đặt trong tổng thể nền kinh tế vĩ mô, không thể vì một nhóm lợi ích trong thị trường bất động sản khiến Nhà nước phải tung ra một gói hỗ trợ mới hoặc kéo dài gói hỗ trợ cũ sẽ dễ gây ra bất ổn về vĩ mô”, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên khẳng định.

Vị đại biểu này cũng cho biết, đối với người lao động nghèo có thể thuê nhà ở xã hội. Trong Hiến pháp 2013 đã có quy định, Nhà nước đảm bảo quyền có chỗ ở cho người dân nhưng không phải đảm bảo quyền sở hữu nhà ở cho người dân. Do đó, khi người dân đã mua, đã ký hợp đồng, họ phải biết thời hạn đến khoản vay là bao nhiêu, phải có trách nhiệm với đồng tiền của họ, phải thảo luận hợp đồng bán nhà với người bán.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên nhận định: “Chủ đầu tư muốn bán được sản phẩm của mình phải chấp nhận chia sẻ khó khăn của thị trường với người mua, không phải đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước. Người bán phải chia sẻ lợi nhuận, lãi suất cho người mua không phải dồn tất cả chi phí cho Nhà nước. Tiền ở gói đó là tiền thuế của nhiều người khác đóng vào để cho vay. Cho nên điều gì cũng có giới hạn, không thể đòi hỏi tất cả người dân khác phải đóng góp vào để cho một nhóm người vay được”./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết