Tiếng Việt | English

24/06/2015 - 11:12

“Làm người nghĩa là ở trong tình trạng tổn thương”

Sau Mưa là cuốn sách gồm 12 truyện ngắn, mang một nhất quán ngầm về những con người như vậy.

 

“Làm người nghĩa là ở trong tình trạng tổn thương” (Brené Brown)

Sau Mưa gồm 12 truyện ngắn, mang một nhất quán ngầm về những con người như vậy. Dù nhân vật được kể đến là phụ nữ, con trẻ hay một ông lão, xem chừng họ đều đơn độc, và dễ rơi vào thương tổn.

Đó là Belle, bà vợ kế của ông thợ đàn, luôn ám ảnh rằng mình đến-sau, rằng hình bóng người vợ đầu đã “không chừa cho bà một khoảng trống để thở”; là Gerard và Rebecca, hai đứa bé “sinh ra trong hai cuộc hôn nhân hư hoại”, rất hồn nhiên diễn lại những cãi cọ nghẹt thở như người lớn; ông Livingston - được gia đình Herlihy ngỏ lời nhờ trông hộ nhà nhưng lại bị khống chế bởi hai tên trộm - cứ miên man với cảm giác “bất lực ngồi nguyên trên ghế” vv.

Dẫu vậy, không vì ở trong thế yếu mà các nhân vật phải nương viện sự đoái thương. Ví như ông bà Odo, khi đứa con trai độc nhất viện cớ không về thăm nhà, vẫn bình thản buồn đau “bởi nỗi đau cũng là một phần của cuộc đời”. Ví như Harriet, một nhân vật chẳng thể giữ được tình cảm của người nàng yêu, nhưng lại giữ được chính mình sáng suốt để tri nhận vị thiên thần hiện lên sau mưa... Có thể nói nhân vật của William Trevor không chịu đựng mà chấp nhận, do đó nỗi đau đã biến thành lẽ thường, do đó mỗi câu chuyện trở nên thực tới mức gây ra cảm giác soi gương.

Đọc Sau Mưa, ngoài cái bâng khuâng mà câu chữ miên man gảy vào lòng, có lẽ người đọc sẽ còn trải qua nỗi hồ nghi mà lối viết bỏ ngỏ gieo cho trí óc. Rốt cuộc Gilbert có liên can gì tới cô Carol Dickson “bị hành hung bằng dùi cui cho tới chết”; rốt cuộc Milton - cậu thiếu niên trót mang đức tin khác với cộng đồng và thân quyến - đã bị ai kết liễu? Rất nhiều câu hỏi nảy ra song dường như đều dẫn đến tri ngộ chung: kiếp người là một dạng sống hết đỗi mong manh!

Mong manh nhưng không khoác vẻ đáng thương, cần phải nói thêm như vậy khi đọc Sau Mưa. Nhân vật của Trevor mang cái cả quyết và (thậm chí) tự tại đằng sau biểu hiện lành hiền, yếu đuối. Hẳn rồi độc giả sẽ không quên Harriet - quý cô bị tình yêu bỏ lại - bình lặng ngồi giữa “không khí trong sạch” sau mưa, hay cậu bé Milton - dù bị răn đe, kiềm tỏa - vẫn hồn nhiên và kiên nhẫn đạp xe từ thị trấn này qua thị trấn khác để kể câu chuyện của riêng mình.

“Tổn thương là phương cách duy nhất xây nên sự kết-nối”. Quả nhiên William Trevor đã mượn nỗi đau và thương tổn để khiến những con người tụ gần với nhau, dám tin vào và chờ đợi một điều gì tốt đẹp sau mưa.

Tác giả William Trevor

Sinh năm 1928, là nhà văn, nhà biên kịch người Ai-len. Ông được đánh giá là một trong những cây bút truyện ngắn viết bằng tiếng Anh xuất sắc nhất hiện nay. Khởi nghiệp văn chương từ năm 1958, với hàng trăm truyện ngắn cùng hàng chục tiểu thuyết, kịch bản và tác phẩm phi hư cấu, William Trevor đã ba lần được trao giải Whitbread Book, bốn lần đoạt giải O. Henry cùng nhiều giải thưởng khác. Bằng những đóng góp to lớn cho văn học, năm 2002, William Trevor được Nữ Hoàng Anh trao tặng tước hiệu Hiệp sĩ (KBE)./.

PV/VOV.VN

Chia sẻ bài viết