Tiếng Việt | English

21/06/2021 - 13:50

“Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”

Báo chí là tiếng nói của Ðảng, chính quyền và nhân dân. Báo chí làm cầu nối giữa Ðảng với dân, là phương tiện truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân. Báo chí không chỉ phản ánh dư luận, tham gia phản biện xã hội mà còn góp phần cùng Đảng, Nhà nước định hướng dư luận. Một nhà báo giỏi phải có “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, phải có bản lĩnh chính trị, dám đấu tranh chống lại cái sai, bảo vệ cái đúng và vững vàng trước những cám dỗ.

Trong tình hình mới, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền, mỗi nhà báo cần không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ tiếp cận các loại hình báo chí hiện đại, đa phương tiện; có kiến thức sâu, rộng trên các lĩnh vực và không ngừng rèn luyện đạo đức, luôn nêu cao trách nhiệm. Muốn làm được như vậy, nhà báo cần bám sát cuộc sống để có những tư liệu chính xác phản ánh đời sống và những tâm tư, nguyện vọng của người dân. Với những tư liệu thu thập được, với chuyên môn của mình, nhà báo thể hiện thành bài viết nhằm cung cấp cho độc giả những thông tin chính xác, kịp thời. Với “bút sắc”, nhà báo góp phần đấu tranh chống tiêu cực qua bài viết, đấu tranh với cái xấu, bảo vệ cái tốt và lẽ phải.

Để giữ được “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, trước hết, nhà báo phải thông tin trung thực, khách quan. Chính những bài báo khách quan, kịp thời, chính xác sẽ tạo được niềm tin của công chúng. Từ đây, báo chí mới có thể định hướng dư luận xã hội. Nếu tờ báo nào đưa tin sai sự thật, “câu khách” sẽ sớm bị đào thải ra khỏi nền báo chí chính thống. Để tạo được lòng tin đối với bạn đọc, nhà báo phải công tâm, khách quan khi viết tin, bài; dám dấn thân và dám đấu tranh để bảo vệ lẽ phải. Và “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” là những điều kiện tiên quyết trong hoạt động báo chí, là trách nhiệm mà mỗi nhà báo vì một nền báo chí trong sạch./.

Nguyên Vũ

Chia sẻ bài viết