Tiếng Việt | English

11/06/2015 - 11:01

​Nhập cư bất hợp pháp ở Đông Nam Á: Căn nguyên và giải pháp

Vài tuần qua, hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp trôi dạt trên những vùng biển vịnh Bengal, eo biển Malacca và vịnh Thái Lan đã tạo nên một cuộc khủng hoảng thật sự đối với khu vực Đông Nam Á.


Tàu cá chở đầy người Rohingya và Bangladesh ở gần bờ biển Aceh, Indonesia ngày 20-5 - Ảnh: Reuters

Hồi chuông báo động được rung lên khi tuần trước hơn 1.000 người, chủ yếu từ Myanmar và Bangladesh, dạt vào bờ biển ở Thái Lan, Malaysia và Indonesia, rồi tả lại những cảnh tượng hãi hùng họ đã trải qua trên biển, giết người, giẫm đạp nhau để giành thức ăn và bị bọn buôn người bỏ lại trong một hành trình khủng khiếp lênh đênh nhiều ngày giữa đại dương.

Cỗ quan tài nổi

Đó là cách Liên Hiệp Quốc gọi những chiếc tàu chở người nhập cư trái phép. Ngoài những người may mắn cập bờ, hàng ngàn người khác được cho là vẫn đang kẹt trên biển và đứng trước nguy cơ làm mồi cho cá trong cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất ở khu vực nhiều thập kỷ qua.

“Nếu biết hành trình khủng khiếp thế này, tôi thà ở lại chết tại Myanmar” - Manu Abudul Salam, 19 tuổi, một người Rohingya thiểu số từ bang Rakhine, nói với CNN. Tuần trước, Manu ở trên chiếc tàu đánh cá bằng gỗ với gần 800 người được kéo từ ngoài biển vào ngôi làng Langsa ở tỉnh miền đông Aceh, Indonesia.

Khi nhà chức trách Indonesia tiếp cận chiếc tàu, những kẻ cầm đầu đường dây buôn người trên tàu đã bỏ trốn. Manu cho biết cô thấy viên thuyền trưởng đã lên một chiếc canô cao tốc rồi rời tàu vài ngày sau khi nhận một cuộc điện thoại. Trước khi bỏ đi, viên thuyền trưởng đã phá hủy động cơ và chiếc tàu cứ thế lênh đênh giữa biển trời.

Khi thức ăn và nước dần cạn, tình trạng trên tàu trở nên tồi tệ. Người anh trai 20 tuổi của Manu đã thiệt mạng trong một cuộc ẩu đả đẫm máu giữa những người Bangladesh và người Rohingya trên tàu. “Họ nghĩ viên thuyền trưởng là người Rohingya nên tấn công chúng tôi bằng dao và gậy gộc. Anh tôi đã chết và bị ném xuống biển” - cô kể.

Saidul Islam, một người Bangladesh 19 tuổi, kể lại câu chuyện thương tâm không kém khi hàng chục người trên chiếc tàu của anh chết đói và bị thương trong những cuộc ẩu đả. Hành trình của Islam bắt đầu ba tháng trước, khi một người đàn ông tới làng hỏi có ai muốn lên tàu đi Malaysia tìm công ăn việc làm tốt hơn.

Nhưng khi đã ra biển, viên thuyền trưởng bắt đầu đòi mỗi người vài trăm USD và gọi điện về nhà của từng người để đảm bảo phải nhận được số tiền đó. “Sau vài ngày, chúng tôi không còn đứng nổi. Khi chúng tôi hỏi xin nước, họ dùng dây điện quất vào người chúng tôi” - Islam nói.

Người Rohing là ai?

Tình trạng lên tàu vượt biên vốn không xa lạ gì ở khu vực Đông Nam Á. Nhưng năm nay, cuộc khủng hoảng lớn hơn bao giờ hết vì nhiều nguyên nhân. Trước hết là làn sóng tị nạn của những người Rohingya - một sắc dân thiểu số theo Hồi giáo khoảng 1,3 triệu người ở miền bắc Myanmar - một quốc gia Phật giáo.

Hàng trăm người Rohingya đã thiệt mạng trong hai năm qua vì xung đột vũ trang giữa quân đội chính phủ và lực lượng nổi dậy, cũng như vì bạo lực nhắm vào người thiểu số.

Chính quyền Myanmar tới giờ vẫn xem người Rohingya sống trên lãnh thổ của họ là nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh. Bị đẩy vào tình trạng “không tổ quốc”, người Rohingya không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải ra đi.

Cơ quan chuyên trách về người tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) ước tính 120.000 người Rohingya đã theo nhiều cách khác nhau rời bỏ Myanmar trong ba năm qua, trong đó rất nhiều người đi theo đường biển, qua trung gian là bọn buôn người.

Trong nhiều năm, đường đi quen thuộc của bọn buôn người là tới miền nam Thái Lan, đưa người vượt biên vào các trại tập trung trong rừng sâu và biến họ thành con tin. Bọn buôn người đòi khoảng 2.000 USD từ các gia đình có người thân bị chúng giữ rồi đưa họ tới Malaysia, quốc gia Hồi giáo - nơi hàng chục ngàn người Rohingya đang xin tị nạn.

Nhưng điều đó bắt đầu thay đổi trong tháng 5, khi chính quyền Thái Lan phát hiện một hố chôn người tập thể gồm thi thể 33 di dân ở một trại tập trung gần biên giới Thái Lan - Malaysia. Nhà chức trách Thái Lan sau đó đã mở một cuộc truy quét các đường dây buôn người vốn trước đó hoạt động gần như công khai.

Thật trớ trêu, chính vì sức ép của phương Tây mà Thái Lan và Malaysia đã phải mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống buôn người, vì thế những người nhập cư bất hợp pháp giờ đây không thể tới được đất liền. Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã tiến hành những cuộc tấn công quy mô lớn vào các đường dây buôn người, bắt giữ nhiều cảnh sát và quan chức chính phủ vì bảo kê hoặc tiếp tay cho các hoạt động nhập cư bất hợp pháp và ít nhất hai ông trùm tổ chức đưa người vượt biên.

Cuộc truy quét đã dẫn tới việc nhiều thuyền trưởng các tàu cá và những kẻ buôn người bỏ trốn, bỏ mặc hàng ngàn người di cư trên biển. Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) ước tính ít nhất 6.000 người Myanmar và Bangladesh vẫn còn đang kẹt trên biển, và ngày 24-5 Malaysia phát hiện thêm một hố chôn tập thể người nhập cư trái phép với khoảng 100 thi thể.

Những giải pháp rời rạc

Ít nhất 1.500 người nhập cư đã được Indonesia tiếp nhận và sinh mạng họ không còn bị đe dọa, dù giờ họ phải sống trong những lều trại tạm bợ chỉ đáp ứng được nhu cầu tồn tại tối thiểu ở tỉnh Aceh. Tại Malaysia, hơn 1.100 người chen chúc trong một trại tập trung ở hòn đảo du lịch Langkawi sau khi được tiếp nhận ngày 10-5. Số phận của họ trong tương lai vẫn còn là câu hỏi lớn.

Cuộc gặp ba bên ở cấp bộ trưởng ngoại giao giữa Malaysia, Thái Lan và Indonesia ngày 20-5 đã đi tới một tuyên bố chung, trong đó các nước sẽ không thực thi chính sách từ chối dứt khoát.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman nói với Hãng tin Úc ABC: “Việc xua đuổi tàu nhập cư trái phép sẽ không xảy ra. Chúng tôi cũng đồng ý sẽ hỗ trợ họ nơi ở tạm thời, miễn là các nỗ lực giúp đỡ họ được tiến hành trong vòng một năm với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế”.

Tuy nhiên, các nước này cũng nói vấn đề cần phải được giải quyết triệt để ở gốc rễ, tức là Myanmar. Trong những bình luận chính thức đầu tiên về cuộc khủng hoảng người nhập cư, Myanmar đã nói họ sẽ không nhận trở lại những người Rohingya, vốn không hề được công nhận có quốc tịch Myanmar.

“Chúng tôi không thể nói rằng những người nhập cư đó là từ Myanmar trừ khi chúng tôi có thể xác nhận rõ họ là ai” - Ye Htut, người phát ngôn của chính phủ, nói với AFP.

Nhưng sau hàng loạt nỗ lực ngoại giao, tuần rồi Chính phủ Myanmar đã nói họ sẽ cử đại biểu tới hội nghị dự kiến diễn ra cuối tuần này ở Bangkok. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony J. Blinken cũng đã nêu ra vấn đề người nhập cư với Tổng thống Thein Sein trong cuộc gặp ở Naypyidaw, theo lời ông U Zaw Htay - phó chánh văn phòng tổng thống.

Dẫu vậy, ông Htay vẫn nói Myanmar chỉ đồng ý tới cuộc gặp sau khi được đảm bảo rằng các bên sẽ không dùng những từ “Rohingya” hay “nhập cư bất hợp pháp”, thay vào đó sẽ là “nhập cư bất thường”.

Trong khi đó, Malaysia và Indonesia tuyên bố họ sẽ tạm thời cung cấp chỗ ở và nhu yếu phẩm tối thiểu cho khoảng 7.000-8.000 người nhập cư.

Vấn đề lịch sử

“Đông Nam Á đã là tuyến đường quen thuộc của các hoạt động nhập cư bất hợp pháp trong nhiều thập kỷ. Tình trạng hộ chiếu giả lan tràn ở Thái Lan cùng với việc kiểm soát biên giới yếu kém và tham nhũng ở các nước này thường khiến Đông Nam Á trở thành mảnh đất màu mỡ của hoạt động nhập cư bất hợp pháp, ăn cắp và làm giả giấy tờ” - David Knight, trưởng bộ phận quản lý nhập cư và biên giới của IOM, nói.

Alice Farmer, một chuyên gia về nhập cư của Tổ chức Human Rights Watch, ước tính hàng trăm ngàn người vượt biên trái phép ở Đông Nam Á mỗi năm. “Đó là hành vi rất phổ biến trong khu vực. Số người đi lại qua biên giới bất hợp pháp, thậm chí họ không hay biết, là rất cao” - bà nói.

Ngay cả các con số chính thức cũng cho thấy lượng người nhập cư đã tăng mạnh ra sao ở Đông Nam Á: từ năm 2000-2013, số người nhập cư vào Thái Lan tăng từ 1,2 triệu lên 3,7 triệu, trong khi với Malaysia là 1,6-2,5 triệu người.

“Một số là những người nhập cư thật, một số chỉ muốn tìm kiếm viện trợ nhân đạo và rất nhiều người trẻ muốn tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn” - Demetrios Papademetriou, giám đốc Viện Chính sách nhập cư tại Washington, Mỹ, phác họa chân dung người nhập cư.

Malaysia không chỉ là vùng đất hứa của người Rohingya mà cả người nhập cư từ nhiều quốc gia Hồi giáo. Một thống kê chưa đầy đủ ước tính 60.000-100.000 người Iran đang ở Malaysia, hầu hết rời quốc gia vùng Tây Á này trong các cuộc bạo động và biểu tình giai đoạn 2009-2010.

Theo bà Farmer, việc kiểm soát hộ chiếu lỏng lẻo cũng khiến “rất nhiều người Syria sử dụng hộ chiếu giả hoặc ăn cắp rời nước này để tới châu Âu qua đường Thái Lan”.

Không ít người nhập cư muốn tới các quốc gia giàu hơn đã mắc kẹt ở Đông Nam Á, không thể đi tiếp vì hết tiền. Indonesia ban đầu là điểm trung chuyển của di dân từ Afghanistan và người Rohingya để tới Úc, nhưng từ khi Canberra siết chặt các quy định nhập cư, Indonesia đã trở thành điểm đến cuối cùng của họ.

“Vấn đề là họ không thể có được thị thực để lên máy bay nên đành phải đi lòng vòng qua các mạng lưới buôn người” - bà Farmer nói.

Khi luật pháp nhập cư và chính quyền các nước mạnh tay hơn, cơ hội của người nhập cư bất hợp pháp trở nên rất mong manh. Hành trình của họ phức tạp và nguy hiểm hơn. Đường hàng không là điều gần như bất khả vì nhiều rào cản về an ninh và chi phí. Các hãng hàng không ở Mỹ và châu Âu cũng sẽ bị phạt nặng nếu để người nhập cư trái phép lọt lên máy bay.

Họ còn được tiếp cận miễn phí kho dữ liệu 40 triệu tài liệu nhân thân dùng để đi lại trong hồ sơ của cảnh sát quốc tế Interpol.

Rốt cuộc, khi các nước giàu bỏ ra rất nhiều nguồn lực, tiền bạc, thời gian, công nghệ để siết chặt những tuyến nhập cư trái phép trong lúc tình trạng thanh trừng sắc tộc, chiến sự và đói nghèo vẫn dai dẳng, số phận những người có ý định vượt biển để tìm một chân trời tốt đẹp hơn sẽ chỉ là cuộc lênh đênh vô định trên những cỗ quan tài nổi./.

Hải Minh/ Tuổi Trẻ Online

Chia sẻ bài viết