Đặng Vy Tâm ước mơ sẽ trở thành phóng viên đa năng
Chạm ngõ truyền thông
Chất giọng hay, truyền cảm, tự tin là ấn tượng đầu tiên khi trò chuyện cùng em Đặng Vy Tâm (SN 2002) - SV năm 1, ngành Truyền thông đa phương tiện, Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II, TP.HCM.
Nhắc đến cơ duyên theo học ngành Truyền thông đa phương tiện, Vy Tâm bộc bạch: “Mặc dù được nhiều giáo viên ở Trường THPT Gò Đen, huyện Bến Lức định hướng theo học ngành Báo chí nhưng em không có ý định theo học. Năm lớp 12, tình cờ thấy những poster tư vấn tuyển sinh của Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II nên em đã thay đổi suy nghĩ và quyết định đăng ký nguyện vọng vào trường”.
Song, những thông tin được in trên poster tư vấn tuyển sinh của trường chỉ thay đổi một phần suy nghĩ của em về ngành học, bản thân Vy Tâm chưa thật sự yêu thích. Mãi đến khi cầm trên tay giấy trúng tuyển, được đến trường tìm hiểu sâu hơn về ngành học và xem các tác phẩm thực tập của các anh, chị khóa trước, Vy Tâm cảm thấy bản thân đã bị “chinh phục”.
Vy Tâm ước mơ trở thành PV đa năng có thể viết lách, biên tập và dẫn chương trình. Chia sẻ về những kế hoạch trong tương lai, Vy Tâm nói: “Em xác định học là một trong các nhiệm vụ quan trọng trong hành trình chinh phục ước mơ. Thời gian qua, em luôn hoàn thành tốt tất cả bài tập giáo viên giao, thường xuyên trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các anh, chị khóa trước”.
Bên cạnh việc học, Vy Tâm còn duy trì thói quen đọc sách. Theo lời kể của Tâm, khi nhỏ em đã thích đọc sách. Sau này, xác định theo đuổi đam mê báo chí truyền thông, em càng nhận ra tầm quan trọng của sách. Để trở thành một PV đa năng, đòi hỏi phải có kiến thức sâu, rộng trên nhiều lĩnh vực, do đó, việc thường xuyên đọc sách sẽ giúp vốn từ trở nên phong phú, khả năng diễn đạt ngôn ngữ rõ ràng, rành mạch.
Song song đó, Vy Tâm thường xuyên rèn luyện kỹ năng viết và tham gia “chạy show” dẫn chương trình tại TP.HCM. Vy Tâm bộc bạch: “Em thích cảm giác được cầm micro và đứng trên sân khấu dẫn chương trình. Thời gian qua, công việc này không chỉ giúp em thỏa đam mê, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp mà còn mang lại cho em thu nhập để trang trải một phần sinh hoạt”.
Để trở thành PV, Vy Tâm phần nào hiểu những thuận lợi, khó khăn và nguy hiểm mà người làm nghề phải đối mặt, nhất là đối với nữ giới. Vy Tâm chia sẻ: “Bên cạnh lợi thế về kỹ năng giao tiếp, giọng nói,… nữ PV sẽ gặp phải những khó khăn nhất định về thể lực khi đi xa, phải di chuyển liên tục hoặc tác nghiệp trong những môi trường không an toàn. Tuy nhiên, xác định “dấn thân” vô nghề thì bản thân sẽ nỗ lực vượt qua mọi trở ngại”.
Tâm Như (thứ 2, từ phải qua) trong giờ học thực hành tại phim trường
Mạnh dạn từ bỏ con đường đại học
Đang theo học Trường Đại học Văn Hiến ngành Ngôn ngữ Hàn, Thái Ngọc Tâm Như (SN 2000), ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, cảm thấy bản thân không phù hợp với ngành học nên đã rẽ hướng sang học ngành Báo chí Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II, TP.HCM.
Kể về quyết định táo bạo này, Tâm Như cho biết: “Em đậu Trường Đại học Văn Hiến và Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II nhưng chọn học đại học. Sau một thời gian, thấy bản thân không phù hợp với ngành Ngôn ngữ Hàn nên em quyết định thay đổi. Em rất yêu thích ngành học này, báo chí thật sự đã mang lại cho em nhiều trải nghiệm thú vị trong cuộc sống. Là SV năm cuối, em vừa hoàn thành kỳ thực tập cơ sở tại Đài Phát thanh và Truyền hình Long An”.
Tại trường, Tâm Như được trang bị đầy đủ kiến thức ở cả 4 loại hình báo chí nhưng em dành tình cảm đặc biệt cho phát thanh và truyền hình. Theo Tâm Như, ngôn ngữ phát thanh thường ngắn gọn, giàu hình ảnh và sức biểu cảm, thông qua giọng đọc truyền cảm của phát thanh viên giúp em hình dung về sự kiện, nhân vật một cách cụ thể. Còn truyền hình giúp khơi ngợi nhiều giác quan, mang lại cho em cảm giác chân thật, sống động nhất.
Chia sẻ cảm xúc khi lần đầu tiên “đứa con tinh thần” của mình được phát sóng, Tâm Như bộc bạch: “Lần đầu xem tác phẩm truyền hình Nâng mức cảnh báo chống dịch tại khu công nghiệp được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, em rất vui và hạnh phúc. Sau mỗi sản phẩm, em đều xem lại nhiều lần để nhìn nhận những ưu điểm, hạn chế. Em luôn cố gắng để sản phẩm sau phải tốt hơn sản phẩm trước”.
Trong quá trình tác nghiệp, Tâm Như gặp vô số tình huống "khó đỡ" khi phỏng vấn như nhân vật trả lời không đúng trọng tâm, thậm chí từ chối trả lời. Sau nhiều lần, Như tự rút cho mình kinh nghiệm “xương máu”, trong phỏng vấn, ngoài việc nghiên cứu kỹ chủ đề và đặt sẵn những câu hỏi cần thiết, bản thân người làm báo phải tạo cho nhân vật sự tin tưởng, thoải mái nhất. Thông thường, Tâm Như sẽ tâm sự, trò chuyện nhẹ nhàng, tạo không khí gần gũi, thoải mái cho mọi người, khi ấy, chất lượng buổi phỏng vấn sẽ được nâng lên.
Trò chuyện cùng Tâm và Như, chúng tôi cảm nhận rõ được tình yêu, sự nhiệt huyết của các em đối với nghề báo. Chúc các cô gái trẻ sẽ luôn giữ được ngọn lửa đam mê để đến với nghề báo, một công việc đòi hỏi sự sáng tạo và dấn thân./.
Hoài An