Người bệnh ngộ độc methanol (trong hai người ngộ độc methanol hôm 06/4) - Ảnh: Thúy Anh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nói: phải có cơ quan nào chịu trách nhiệm về việc này, cần sớm có Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, các bộ phải cùng vào cuộc, không bộ này làm rồi bộ kia... ngắm nữa.
Cồn + nước + hóa chất = rượu
“Cồn công nghiệp pha nước làm rượu giả thực chất là chất độc nguy hiểm, không phải là rượu chứa methanol”- ý kiến của một chuyên gia dự hội thảo được Bộ Y tế tổ chức ngày 10-4 tại Hà Nội, về tác hại của lạm dụng rượu chứa methanol và cách xử trí.
Theo ông Nguyễn Phú Cường - vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Công thương, từ năm 2007 đến nay đã có hai nghị định về quản lý rượu, và hiện đang sửa nghị định 94 theo hướng quản lý rượu chặt hơn.
Tuy nhiên thống kê của ông Nguyễn Hùng Long, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết từ 2007-2017 có 98 người chết do ngộ độc rượu, nhiều nhất là ngộ độc rượu trắng có hàm lượng methanol cao (45 người), kế đến là rượu trắng (24 người), rượu ngâm cây rừng độc (19 người)...
Đặc biệt, chỉ riêng ba tháng đầu năm 2017 có ít nhất 18 người tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), methanol khi đem pha có vị hơi “ngọt” và dễ uống, không thể phân biệt được với rượu trắng thông thường.
Ông Nguyên dẫn chứng các hình ảnh là các thùng phuy lớn nối tiếp nhau ở một cơ sở sản xuất rượu, không lò rượu thủ công nào có thể có công suất hàng chục thùng phuy rượu mỗi ngày, nhưng pha cồn công nghiệp với nước thì hoàn toàn có thể.
Văn bản có đủ,
ai thi hành?
Theo một chuyên gia, từ lâu đã có quy định cấm bán rượu không nguồn gốc nhãn mác, nhưng khi khảo sát ở một tỉnh phía Bắc có 2.500 cơ sở sản xuất rượu thủ công thì chỉ có 6 cơ sở được cấp phép.
Ước tính toàn quốc có đến 85% điểm sản xuất rượu 3 không - không nhãn mác, không đăng ký, không kiểm tra chất lượng, được bán vô tư trên thị trường, bất kỳ quán ăn, quán nước vỉa hè nào cũng có rượu và ngộ độc vẫn xảy ra.
Sau một tháng tạm lắng vì Hà Nội “ra quân thu rượu không nhãn mác", ngày 06/4 lại có hai người Hà Nội ngộ độc rượu độc methanol vào viện. Cả hai đều rất nặng, đặc biệt là người bệnh 52 tuổi ở quận Ba Đình tổn thương não.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho rằng còn ngộ độc methanol tức là còn nguồn cung trên thị trường, do đó cần phải cắt nguồn cung.
Phim chụp cắt lớp nhiều điểm tổn thương ở não người bệnh 52 tuổi ngộ độc methanol - Ảnh: Thúy Anh
Nên pha màu xanh vào cồn công nghiệp
Ông Nguyễn Phú Cường đề xuất bổ sung chất chỉ thị màu xanh metylen vào cồn công nghiệp, cồn luôn có màu xanh rất dễ phân biệt với rượu trắng, tức khắc không thể đem pha giả làm rượu.
Ông Nguyễn Viết Tiến đồng tình với đề xuất này và cho biết trước năm 1985 vẫn sử dụng cách này để phân biệt rượu - cồn công nghiệp.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng không có gì quan trọng bằng mạng người, cần sớm có quy định cắt nguồn cung methanol, nếu không sẽ nguy hại đến cộng đồng nghiêm trọng hơn nữa.
Chính quyền địa phương có biết người ta pha cồn với nước lã làm rượu hay không? Trách nhiệm quản lý rượu như thế nào mà sau nhiều năm có quy định cấm bán rượu không nhãn mác nó vẫn tràn lan?...
Quá nhiều câu hỏi đặt ra cho một vấn đề không mới nhưng đang diễn biến theo chiều hướng xấu, nghiêm trọng, làm nhiều người chết, bị
di chứng.
Ngộ độc cả cồn y tế, dung môi pha vecni... Theo bác sĩ Nguyên, trong số 34 người ngộ độc methanol vào Bệnh viện Bạch Mai ba tháng đầu năm 2017, có ít nhất 2 người là ngộ độc cồn sát trùng dùng trong y tế, một số ít ngộ độc dung môi pha vecni, dung môi pha hóa chất bảo vệ thực vật, số còn lại là rượu trắng có chứa methanol. Cho đến nay đã có 2 vụ làm rượu giả pha từ cồn công nghiệp bị xử lý hình sự. Tuy nhiên các quy định được cho là đủ nhưng chưa rõ ràng để có thể tăng nặng mức phạt với người sản xuất/kinh doanh rượu pha từ cồn công nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng thời điểm, cơ quan quản lý thị trường các tỉnh tạm giữ hơn 40.000 lít rượu, TP Hà Nội tiêu hủy 55.000 lít rượu không rõ nguồn gốc. |
Lan Anh/tuoitre online