Không có yếu tố nước ngoài
Theo báo cáo, ngày 22/9, nam bệnh nhân (BN) (25 tuổi, thường trú xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc, Đồng Nai, làm việc tại TP.HCM) đến Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM khám với các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ. BV đã lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM, kết quả BN dương tính với vi rút đậu mùa khỉ. Trong 3 tuần trước khi khởi phát triệu chứng, BN chỉ ở VN. BN hiện được cách ly điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, sức khỏe ổn định, không sốt, mụn nước rải rác, không có sang thương mới. Đây được xem là ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên nội địa được phát hiện tại TP.HCM. Trước đó, 2 ca bệnh được phát hiện tháng 10 năm ngoái đều có yếu tố nhập cảnh từ nước ngoài.
Các nốt ban trên cơ thể bệnh nhân đậu mùa khỉ
Qua điều tra dịch tễ, ngành y tế TP.HCM lập danh sách gồm 8 người tiếp xúc gần với BN (4 người tại TP.HCM, 1 người ở Bình Dương, 3 người ở Đồng Nai). Trong 8 người này có 1 người là bạn gái của BN (22 tuổi, cư trú tại Bình Dương). Cô gái này không đi nước ngoài và cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày 24/9, đang được cách ly điều trị tại Trung tâm y tế H.Tân Uyên (Bình Dương), tình trạng sức khỏe ổn định. Những người tiếp xúc gần còn lại hiện ổn định, không có triệu chứng bất thường.
Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo BV Bệnh nhiệt đới thực hiện tốt cách ly, điều trị và chăm sóc BN theo đúng quy định của Bộ Y tế; chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM tiếp tục phối hợp Trung tâm kiểm soát bệnh tật Bình Dương, Đồng Nai điều tra dịch tễ, nhất là tiền sử đi lại và tiếp xúc của BN để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng; theo dõi và hướng dẫn những người tiếp xúc gần với BN tự theo dõi sức khỏe tại nhà 21 ngày; hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ nhà trọ và các vật dụng cá nhân của BN.
Như vậy, tính đến nay, VN đã ghi nhận 4 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ. 2 ca trước đây có nguồn gốc nhiễm bệnh từ nước ngoài về, riêng 2 ca bệnh lần này có địa chỉ thường trú tại Đồng Nai và Bình Dương. Điều tra dịch tễ học chưa tìm thấy yếu tố liên hệ với nước ngoài, nhiều khả năng đây là các ca bệnh "nội địa".
Hiểu biết về đường lây
Theo Sở Y tế TP.HCM, bệnh đậu mùa khỉ lây qua các chất tiết có mang vi rút từ các sang thương phát ban, mụn nước, mụn mủ. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc gần: mặt với mặt, da với da, miệng với miệng, miệng với da, và gồm cả quan hệ tình dục. Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong.
Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.
Phòng nhiễm bệnh đậu mùa khỉ bằng cách hạn chế tiếp xúc gần với người nghi nhiễm hoặc đã mắc bệnh, hoặc với động vật có thể bị nhiễm bệnh. Thường xuyên làm sạch và khử khuẩn môi trường có thể bị nhiễm vi rút từ người mắc bệnh. Lưu ý thực hành tình dục an toàn./.
Ngày 26/9, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có văn bản gửi Viện Pasteur TP.HCM; các sở y tế: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương về việc tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Để kịp thời giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế TP.HCM, Sở Y tế Đồng Nai, Sở Y tế Bình Dương tăng cường công tác giám sát, phòng chống bệnh trên địa bàn theo hướng dẫn tạm thời giám sát, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ do Bộ Y tế ban hành. Chủ động phối hợp, khẩn trương điều tra kỹ tất cả các trường hợp tiếp xúc với trường hợp dương tính để xác định nguồn lây nhiễm nhằm quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch (nếu có), không để dịch lan rộng ra cộng đồng. Tổ chức điều trị ca bệnh, tránh tử vong, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị…
Cục Y tế dự phòng đề nghị Viện Pasteur TP.HCM hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương (lưu ý TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương) về chuyên môn, kỹ thuật giám sát, lấy mẫu, chẩn đoán và khoanh vùng xử lý ổ dịch.
Liên Châu
|
Khuyến cáo của WHO
Theo Bộ Y tế, đậu mùa khỉ (monkeypox, hay còn gọi là mpox) không phải là bệnh mới, từng được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu, do đó được đặt tên là bệnh đậu mùa khỉ.
Thời gian ủ bệnh thường từ 6 - 13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5 - 21 ngày. Triệu chứng bệnh thường thấy là: sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban (có thể nhìn giống như mụn nước) xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2 - 3 tuần.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có thể mắc đậu mùa khỉ khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, bao gồm tiếp xúc da với da và quan hệ tình dục; sống cùng nơi ở, sinh hoạt với người bệnh; tiếp xúc trực tiếp với đồ dùng của người bệnh (quần áo, chăn, gối…).
Các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phải được điều tra và nếu được chẩn đoán xác định phải cách ly cho đến khi các tổn thương trên da của người bệnh khô, bong vảy và lành hẳn.
Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh tiếp xúc gần với người khác, bao gồm cả quan hệ tình dục.
Đến nay, kết quả một số nghiên cứu cho thấy vắc xin đậu mùa trước đây có hiệu quả nhất định trong việc phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Hiện một số ít quốc gia đã phê duyệt sử dụng vắc xin đậu mùa/đậu mùa khỉ thế hệ mới để sử dụng phòng chống bệnh đậu mùa khỉ.
Liên Châu
|
Theo thanhnien.vn