Tiếng Việt | English

23/11/2021 - 19:00

25 tỉnh, thành phố đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho đối tuọng trẻ em là hơn 2 triệu liều. Số mũi tiêm cho trẻ em tăng nhanh so với những ngày qua do việc mở rộng tiêm tại các địa phương.

Học sinh THPT Hà Nội bắt đầu được tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Học sinh THPT Hà Nội bắt đầu được tiêm vaccine phòng COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 23/11, cả nước đã có 25 tỉnh và thành phố tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Các địa phương gồm: Hà Nam, Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.

Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã tiêm cho đối tuọng trẻ em là hơn 2 triệu liều. Số mũi tiêm cho trẻ em tăng nhanh so với những ngày qua cả về số liều tiêm vaccine cũng như việc mở rộng tiêm tại các địa phương.

Theo kế hoạch, sáng nay (23/11), Hà Nội bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Quá trình tiêm sẽ thực hiện ở độ tuổi từ 15-17 trước.

Ngày 22/11, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn về việc tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 trên địa bàn thành phố đợt 31. Đáng chú ý, Sở Y tế sẽ sử dụng 304.140 liều vaccine Comirnaty (Pfizer) được phân bổ lần này để thực hiện tiêm mũi một cho trẻ em từ 15-17 tuổi đang học tập, sinh sống trên địa bàn theo lộ trình hạ dần độ tuổi. Số vaccine này có thể sử dụng để tiêm trả mũi 2 cho trẻ em từ 15-17 tuổi sau khi đã hết đối tượng tiêm mũi một trên địa bàn, đảm bảo khoảng cách giữa 2 mũi ít nhất là 3 tuần.

Theo thống kê, đến nay 58 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine cho trên 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 22 tỉnh đạt tỷ lệ trên 95% Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

Phó giáo sư Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Phó trưởng ban điều hành chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết từ nay đến cuối năm, ngành y tế phấn đấu tiêm ít nhất 1 mũi cho tất cả trẻ em 12-17 tuổi. Nếu được cung ứng đủ vaccine, trong tháng 12/2021 và những tháng đầu năm 2022, sẽ sớm bao phủ 2 mũi vaccine cho cả người lớn và trẻ em.

Vaccine được sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi là vaccine Comirnaty của Pfizer, tương tự người từ 18 tuổi trở lên. Liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày).

Phó giáo sư Dương Thị Hồng đề nghị các điểm tiêm tuân thủ theo đúng các hướng dẫn về chuyên môn của Bộ Y tế liên quan đến tiêm chủng; tổ chức tiêm chủng cho trẻ em theo hình thức chiến dịch, do đó ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để đảm bảo tiêm chủng an toàn đồng thời đặc biệt chú ý giãn cách phòng chống dịch. Tất cả các bàn tiếp đón, khám sàng lọc, tư vấn, bàn tiêm, theo dõi sau tiêm… phải bố trí khoa học.

Phó giáo sư Dương Thị Hồng cũng khuyến cáo trong ít nhất 3 ngày đầu sau tiêm cho trẻ, cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo cần yêu cầu trẻ tránh vận động mạnh, hoạt động thể thao cường độ cao bởi điều này sẽ gây tăng áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim sẽ trầm trọng hơn.

Thông tin thêm về phản ứng phụ sau tiêm vaccine COVID-19 ở trẻ nhỏ, Phó giáo sư Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết hiện không có báo cáo liên quan đến tử vong với tất cả trường hợp viêm cơ tim sau tiêm vaccine COVID-19. Bộ Y tế đã có kế hoạch và tập huấn cho các cơ sở y tế để chuẩn bị thật tốt cho tình huống có ca phản ứng viêm cơ tim, mặc dù tỉ lệ rất thấp.

"Các gia đình không nên lo lắng vì trong quá trình tiêm, trẻ cũng sẽ được theo dõi cẩn thận, xử lý kịp thời nếu có tình huống phát sinh," Phó giáo sư Điển cho hay.

Với các trường hợp có chỉ định tiêm chủng tại bệnh viện, Phó giáo sư Điển cho biết nhóm này gồm có các trẻ mang bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có phản ứng phản vệ độ 3 ở bất kỳ dị nguyên nào hoặc nghe tim phổi thấy bất thường. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khuyến cáo phải đặc biệt lưu ý đến nhóm trẻ có bệnh nền khi tiêm chủng.

Cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, tính đến 14h ngày 23/11, cả nước đã tiêm được hơn 111 triệu liều vaccine phòng COVID-19 ( trong ngày 22/11, trên cả nước đã tiêm được gần 2 triệu liều, tăng hơn nhiều so với ngày trước đó).

Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine phòng COVID-19 là hơn 90% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine là 58,5% dân số từ 18 tuổi trở lên./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết