Việc phòng bệnh và phát hiện sớm bất thường để được điều trị là vô cùng quan trọng.
1. Ai dễ bị bệnh hô hấp mùa mưa?
Các bệnh hô hấp thường xảy ra do sự tấn công của các tác nhân bên ngoài xâm nhập vào cơ thể theo không khí được lấy, lọc và trao đổi theo đường hô hấp trên và dưới.
Trời mưa lạnh chính là điều kiện vô cùng thuận lợi để vi sinh vật gây bệnh sinh trưởng và phát triển gây ra bệnh đường hô hấp. Nguyên nhân chính là việc ăn uống mùa mưa dễ thiếu và không được đầy đủ nên sức đề kháng bị suy giảm, dễ mắc bệnh đường hô hấp. Trong khi đó virus gây bệnh hô hấp phát triển và lan truyền nhanh.
Thời tiết mưa lạnh làm không khí kém lưu thông là yếu tố thuận lợi để vi sinh vật gây bệnh hô hấp phát triển trong không khí, từ đó làm tăng tỷ lệ mắc bệnh đường hô hấp.
Ngoài ra, thời gian mặt trời chiếu sáng để tiêu diệt vi sinh vật gây hại cho đường hô hấp giảm đi vào mùa mưa lạnh. Chính vì lẽ đó ai cũng có thể mắc phải căn bệnh này nhưng đối tượng dễ mắc bệnh hơn cả là trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh; người cao tuổi hay có bệnh mạn tính, sức đề kháng kém và phụ nữ mang thai.
2. Các bệnh đường hô hấp dễ mắc mùa mưa
- Cảm lạnh
Cảm lạnh thông thường là bệnh viêm đường hô hấp trên do virus rhino gây nên và rất dễ lây. Rhino bám vào bụi nước trong không khí và con người rất dễ hít phải.
Những triệu chứng đầu tiên của cảm lạnh là: Ngứa họng, sổ mũi và hắt hơi, sau đó là đau họng, ho, đau đầu, sốt nhẹ, mệt mỏi, đau nhức cơ và chán ăn.
Thông thường, cảm lạnh sẽ tự nhiên biến mất, tuy nhiên, không phải vì thế mà bạn chủ quan nhất là khi thấy nước mũi chuyển từ dạng lỏng sang đặc và có màu vàng hoặc xanh vì đây là biểu hiện của bội nhiễm cần điều trị.
Đeo khẩu trang giúp phòng ngừa các loại virus, vi khuẩn tấn công đường hô hấp gây viêm họng.
- Bệnh viêm họng
Tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn tại lớp niêm mạc và các tổ chức dưới niêm mạc họng gọi là viêm họng. Bệnh hình thành do sự tấn công của các loại virus và vi khuẩn. Trong đó, tỷ lệ người mắc bệnh do virus cao hơn so với vi khuẩn. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là trẻ em do hệ thống miễn dịch vẫn chưa hoàn thiện.
Một số triệu chứng người mắc viêm họng thường gặp phải là sốt cao, thường dao động từ 38 độ – 39 độ C; Cổ họng khô rát, đau khi ăn uống, thậm chí là nuốt nước bọt; Giọng khàn, nặng hơn có thể mất tiếng; Ho khan, ho có đờm kéo dài.
Viêm họng nếu không can thiệp điều trị có thể dẫn đến nhiều bệnh lý hô hấp nguy hiểm khác như áp xe thành họng, viêm mũi…
- Bệnh cúm
Bệnh cúm mùa mưa cũng dễ gặp tuy nhiên cần phân biệt cảm lạnh thông thường và cúm. Triệu chứng cúm rầm rộ hơn, sốt cao hơn, đau nhức mình, mệt mỏi nhiều hơn. Ở các đối tượng như trẻ em, người già và phụ nữ có thai….bệnh dễ trở nặng hơn và diễn tiến nhanh chóng đến suy hô hấp, đe dọa tính mạng. Khi có các triệu chứng này thì nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
- Bệnh viêm phế quản, viêm phổi
Do mưa thời tiết ẩm thấp khiến các bệnh viêm phế quản, viêm phổi gia tăng tỷ lệ người mắc. Biểu hiện thường cũng khá rầm rộ. Người bệnh có thể sốt cao, đau họng, ho đàm có màu, tức ngực, khó thở… Đối với các bệnh lý này, người bệnh nên đến cơ sở y tế sớm để được bác sĩ chẩn đoán đúng, điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
3. Cách phòng bệnh hô hấp hiệu quả
Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Một số cách giúp phòng bệnh hô hấp như sau:
- Giữ ấm cơ thể: Đối tượng cần chú ý nhất là ở trẻ em và người già, nếu phải ra ngoài cần tránh bị ướt, khi ướt mưa thì khi về nhà nên tắm ấm ngay. Dùng các thức uống ấm như trà, súp, cháo giúp tăng nhiệt độ trong cơ thể.
- Vệ sinh cá nhân, mũi họng, thường xuyên rửa tay: Vệ sinh cá nhân quan trọng để phòng bệnh, trong đó chú trọng đến vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối pha loãng. Để phòng bệnh liên quan đến đường hô hấp mỗi sáng hoặc tối nên súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng .
- Luôn rửa tay trước ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi hắt hơi hay khi tiếp xúc với nhiều người hay người đang bị cảm… Nên che miệng khi ho và hắt hơi để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
- Hạn chế tiêu thụ chất cồn và thuốc lá: Chất cồn làm cơ thể bị mất nước và là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch bị suy yếu. Thuốc lá vô cùng nguy hiểm đối với cơ quan hô hấp, 80% các trường hợp ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá, khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư…
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Đủ nước sẽ giúp duy trì thân nhiệt ổn định, loại bỏ các độc tố trong cơ thể. Nhu cầu trung bình hàng ngày cơ thể cần khoảng 2 lít nước, cần nhiều hơn khi làm việc trong môi trường nhiệt độ cao, khi chơi thể thao, hay khi có tiêu chảy, ói…
- Bổ sung vitamin C: Có thể bổ sung vitamin C qua hình thức thuốc hay các thực phẩm giàu vitamin C trong chế độ ăn hàng ngày. Vitamin C giúp củng cố sức mạnh cho hệ thống miễn dịch của cơ thể.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ giúp tái tạo sức khỏe sau một ngày dài làm việc. Người trưởng thành cần giấc ngủ 6 – 8 giờ trong ngày, người cao tuổi thì ít hơn và trẻ nhỏ thì dài hơn. Ngoài ra, đối với trẻ nhỏ, bố mẹ nên theo dõi lịch tiêm phòng, tiêm vaccin phòng cúm giúp tăng cường sức đề kháng, phòng các bệnh cúm hiệu quả cho trẻ./.
Theo Sức khỏe và Đời sống