Tiếng Việt | English

26/12/2022 - 10:20

4 thách thức định hình cục diện thế giới năm 2023

Xung đột ở Ukraine, căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu sẽ là những vấn đề có tác động lớn nhất đến thế giới năm 2023.

Ngày 24/2/2022 sẽ được ghi nhớ là một sự kiệt bước ngoặt của địa chính trị thế kỷ 21 khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Một vài tuần trước đó, Nga và Trung Quốc đã ký tuyên bố chung khẳng định mối quan hệ song phương "vô điều kiện" giữa hai bên.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine có những tác động đáng kể đến thế giới, khiến thị trường năng lượng và lương thực trở nên bất ổn, đồng thời làm giá cả tăng vọt sau đại dịch. Trong khi đó, sự thay đổi trong thái độ với Trung Quốc cũng dẫn đến sự tổ chức lại chuỗi cung ứng trên toàn cầu, với việc các nước phương Tây ngày càng giảm sự phụ thuộc vào nhà sản xuất châu Á khổng lồ này. Hai sự kiện trên đã đánh dấu một giai đoạn mới của căng thẳng gia tăng trên toàn cầu.


4 thách thức định hình cục diện thế giới năm 2023. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, những cuộc khủng hoảng khác cũng đang diễn ra trên thế giới, trong đó có các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhưng ít được chú ý tới tại các quốc gia như Yemen, Ethiopia,  Palestine, Venezuela và Myanmar. Dù vậy, xung đột ở Ukraine, căng thẳng giữa phương Tây và Trung Quốc, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu là những vấn đề hiện có tác động lớn nhất đến toàn cầu.

Xung đột Nga - Ukraine

Thế giới đang nín thở theo dõi từng diễn biến cuộc xung đột ở Ukraine. Nhiều bên, đặc biệt là ở Nam Bán cầu đã kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch qua ngoại giao. Xuất khẩu lúa mì của Ukraine sụt giảm cùng với việc giá nhiên liệu tăng vọt đã khiến một số quốc gia dễ tổn thương chịu nhiều thiệt hại.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, đàm phán dường như vẫn là điều xa vời. Giữa bối cảnh hai bên đều chưa thể đánh bại hoàn toàn đối phương sau 10 tháng giao tranh, cả Nga và Ukraine đều chưa sẵn sàng đưa ra nhượng bộ.

Ukraine hiện đang đối mặt với các cuộc tấn công tên lửa và UAV dồn dập của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong khi đó, giữa bối cảnh phương Tây vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí và hỗ trợ nhân đạo cho Kiev, Tổng thống Volodymyr Zelensky và chính quyền Ukraine sẽ là bên quyết định khi nào và đàm phán như thế nào với điện Kremlin.

Về phía Nga, Moscow khẳng định sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự cho tới khi đạt được tất cả mục tiêu. Nga đã huy động 300.000 lính dự bị động viên và tăng cường sản xuất vũ khí trong nước. Mặc dù nền kinh tế nước này không tránh khỏi tác động từ các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây nhưng khả năng chống chịu của kinh tế Nga được đánh giá là tốt hơn so với dự đoán. GDP của Nga dự kiến chỉ giảm khoảng 4%, trong khi các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục mua hàng triệu USD dầu mỏ và khí tự nhiên của Moscow mỗi ngày.

Các điều kiện thời tiết khắc nghiệt có thể phần nào làm chậm nhịp độ giao tranh nhưng một lệnh ngừng bắn chính thức dường như sẽ khó có thể đạt được trong tương lai gần. Giới quan sát dự đoán, giao tranh sẽ tiếp diễn ít nhất là trong nửa đầu năm 2023.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây

Cuộc xung đột ở Ukraine đã thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây cũng có tác động đáng kể đến tương lai thế giới.

Cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tổ chức bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 11 vừa qua cho thấy hai nhà lãnh đạo đều mong muốn chấm dứt tình trạng quan hệ hai bên tiếp tục lao dốc. Cuộc gặp này đã tái khởi động cuộc đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh sau chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Năm 2023 sẽ cho chúng ta thấy liệu Mỹ và Trung Quốc có khả năng ngăn cạnh tranh thành đối đầu hay không. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cho thấy căng thẳng tạm lắng xuống nhưng cũng không thiếu những nhân tố bất ổn phía trước có thể tác động đến mối quan hệ này.

Chính quyền Tổng thống Biden vẫn duy trì các loại thuế với Trung Quốc được áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Trump, đồng thời tăng cường hạn chế Bắc Kinh tiếp cận công nghệ và dữ liệu của Washington. Nhiều công ty tư nhân của Mỹ (trong đó có Apple) đang thay đổi chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, cũng như giảm đầu tư vào nước này khoảng 20% so với năm ngoái, khảo sát của Văn phòng Thương mại Mỹ tiết lộ.

Về phần mình, Trung Quốc cũng tìm cách xây dựng "pháo đài kinh tế" để không phụ thuộc vào đầu tư của phương Tây.

Bên cạnh đó, EU cũng nỗ lực độc lập hơn với nền kinh tế số 1 châu Á về nguyên liệu thô và vi mạch. Ngoại trừ Canada, hầu hết các nước phương Tây đều rút lại quan hệ với các công ty viễn thông của Trung Quốc, trong đó có Huawei.

Không chỉ kinh tế, vấn đề Đài Loan cũng là nguồn cơn dẫn đến những căng thẳng trong quan hệ giữa phương Tây và Trung Quốc.

Một nhân tố quan trọng nữa cũng cần chú ý là sự phát triển của các liên minh trong khu vực, trong đó có AUKUS (gồm Australia, Anh, Mỹ) hay Quad (gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ). Trung Quốc được dự đoán tiếp tục tăng cường năng lực quân sự với tốc độ nhanh chóng nhưng Mỹ sẽ hỗ trợ các nước đối tác trong khu vực thúc đẩy khả năng quốc phòng.

Suy thoái kinh tế

Năm 2023, nền kinh tế của một số quốc gia sẽ không tránh khỏi suy thoái. Việc gia tăng số ca mắc Covid-19 ở Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến trung tâm sản xuất toàn cầu này và làm chậm sự phát triển kinh tế. Nếu các công ty thay đổi chuỗi cung ứng, điều này sẽ cần thời gian, dẫn đến không hoàn thành đơn hàng, thiếu nguồn cung, làm tăng giá cả và mất việc làm.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đó là làm cách nào để phản ứng trước việc một số ngân hàng tăng tỷ lệ lãi suất để người tiêu dùng ngừng vay tiền và chi tiêu nhưng việc vay tiền với tỷ lệ lãi suất cao hơn sẽ dẫn đến đầu tư và mua sắm giảm, từ đó khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Trong khi một số nước thu nhập thấp gặp khó khăn trước việc giá năng lượng và thực phẩm tăng cao thì chính phủ một số nước thu nhập cao đang thúc đẩy cùng lúc các gói kích thích kinh tế nhằm giúp người dân và các công ty đối mặt với cơn bão kinh tế này.

Sẽ không có giải pháp dễ dàng nào để làm giảm sự hỗn loạn kinh tế - xã hội đang ảnh hưởng đến từng quốc gia hiện nay. Tiền lương không theo kịp với sự tăng giá của nhà ở và các hàng hóa cơ bản. Năm 2023, việc kiểm soát lạm phát trong khi duy trì số lượng việc làm ở mức cao sẽ là sự cân bằng khó khăn với chính phủ các quốc gia. Với những đối tượng dễ tổn thương nhất trong xã hội, năm 2023 có thể là thời điểm mang đến một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về chất lượng sống.

Biến đổi khí hậu

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã dẫn đến sự gián đoạn lớn trên thị trường năng lượng. Hầu hết các quốc gia sẽ dồn sự chú ý về an ninh năng lượng của mình, tạm gác lại những nỗ lực bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí carbon. Với nhiều nước châu Âu phụ thuộc vào dầu mỏ và khí tự nhiên của Nga, phương Tây đã tìm tới những quốc gia dầu mỏ như Saudi Arabia và Venezuela để tăng sản xuất. Lo ngại Nga đóng van khí đốt, Đức thậm chí đã tái khởi động các nhà máy điện chạy bằng than đá.


Ảnh minh họa: Reuters

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu COP27 tổ chức tại Ai Cập vào tháng 11 vừa qua, cơ chế để các nước giàu bù đắp tài chính cho những mất mát và thiệt hại ở các nước đang phát triển đã không đạt được bất kỳ tiến triển thực tế nào. Trong khi giá khí đốt đã ổn định hơn trong những tháng cuối năm 2022 thì điều này không có nghĩa là năm 2023 các nước sẽ không đối mặt với rủi ro. Châu Âu vẫn phải trải qua một vài tháng mùa đông nữa khi mà khí đốt trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Trong khi đó, một số quốc gia trên châu lục này vẫn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Ngoài ra, châu Âu cũng sẽ phải vượt qua tình trạng thâm hụt về sản xuất điện do các vấn đề kỹ thuật nghiêm trọng tại các nhà máy điện hạt nhân của Pháp. Giá dầu thô sẽ khó có khả năng giảm thêm, trong khi các nhà sản xuất lớn như Saudi Arabia vẫn chưa có động thái sẽ tăng sản xuất.

Một kỷ nguyên địa chính trị mới, suy thoái kinh tế, lạm phát và biến đổi khí hậu sẽ là những vấn đề định hình cục diện thế giới năm 2023. Thời gian sẽ trả lời cho việc liệu một thế giới trở nên toàn cầu hóa hơn có thể giải quyết những thách thức trên hay không?./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích