Tiếng Việt | English

28/05/2022 - 18:30

Adidas và những nỗ lực biến rác thải thành đồ thể thao

Theo quỹ Ellen MacArthur, 60% vật liệu mà ngành công nghiệp thời trang sử dụng được làm từ nhựa, một sản phẩm phụ của dầu mỏ - một nguồn tài nguyên không thể tái tạo.

“Nhựa là một thiết kế thất bại – chỉ là vật chất trong vũ trụ không nên có trên hành tinh này.”

- Kirill Gutsch, Người sáng lập Parley

Nhựa có giá thành rẻ, bền chắc và có thể chuyển hoá thành hàng nghìn hình dạng khác nhau. Chính những đặc tính này làm cho nhựa trở nên cực kỳ hấp dẫn đối với các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng. Đây cũng là những đặc điểm khiến nhựa trở thành một trong những chất gây ô nhiễm phổ biến nhất trên hành tinh.

Rất nhiều nhựa sau khi vứt bỏ sẽ trôi ra các đại dương với tác động lan rộng đến mọi ngóc ngách trên toàn cầu. Nhựa xâm nhập vào chuỗi thức ăn, gây hại cho sinh vật biển, phá huỷ môi trường và thậm chí ảnh hưởng đến khí hậu. Thực sự không có nơi nào trên Trái Đất hoặc trong các đại dương không bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm nhựa.

Nhựa có thể làm được rất nhiều thứ, trừ việc nó không thể bị tiêu hủy hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là hầu hết các mảnh nhựa được tạo ra vẫn tồn tại trên trái đất, chỉ là ở những dạng khác nhau. Trong đó thì gần 9 triệu tấn nhựa trôi ra đại dương mỗi năm. Gần 700 loài bao gồm cá voi, cá và chim biển được tìm thấy cùng với nhựa bên trong. Nhựa gây hại nặng nề cho sinh vật biển với tốc độ đáng sợ. Các hạt vi nhựa đang xâm nhập vào chuỗi thức ăn và gây ra những thiệt hại không thể lường trước được cho cơ thể của mọi sinh vật sống trên Trái Đất. Mặc dù biết tất cả những điều này, chúng ta vẫn không thể dừng lại và vẫn sản xuất nhựa với số lượng ngày càng tăng. Mỗi phút, chúng ta đổ lượng nhựa tương đương một chiếc xe tải xuống đại dương. Với tốc độ này, đến năm 2050 đại dương sẽ có nhiều nhựa hơn cá.

Những nỗ lực của Adidas trong việc chấm dứt rác thải nhựa

Năm 2015, Adidas đã hợp tác với Parley For the Oceans - một tổ chức thành lập để đoàn kết mọi người, các tổ chức, thương hiệu…nhằm tìm ra những mối nguy hại đe dọa lớn đến đại dương ngày nay như ô nhiễm nhựa.

Từ mối quan hệ hợp tác này, Adidas đã đạt được những bước tiến mà thương hiệu này chưa bao giờ nghĩ là có thể, như việc tạo ra hơn 30 triệu đôi giày với Parley Ocean Plastic.

Các vụn nhựa sau khi được thu thập, xử lý các giai đoạn đầu, nó sẽ được đun nóng, sàng lọc, làm sạch và sấy khô trước khi được ép, làm nguội và cắt nhỏ thành các viên nhựa. Những viên này sẽ được nấu chảy thành sợi có thể dệt thành sợi Ocean Plastic®, một loại sợi polyester hiệu suất cao có mọi đặc tính mà bạn có được từ nhựa nguyên sinh. Loại sợi này dùng để tạo ra nhiều loại giày, áo thun, quần bó và các sản phẩm khác. Mỗi sản phẩm trong bộ sưu tập được làm từ ít nhất 75% rác thải nhựa đã được ngăn trôi ra đại dương.

Năm 2020 cũng đánh dấu sự ra mắt của Primeblue và Primegreen. Primeblue là một loại sợi hiệu suất cao chứa 50% nhựa Parley Ocean. Sợi hiện đã được đưa vào một số sản phẩm chủ lực mang tính biểu tượng nhất của Adidas, bao gồm cả mẫu giày adidas Ultraboost 21, Ultraboost 22, và đã được các thành viên của một số đội bóng lớn mặc. Primegreen, đã xuất hiện ở các dòng sản phẩm khác của adidas, đây là một loạt các loại vải sợi hiệu suất cao có chứa tối thiểu 40% hàm lượng tái chế.

Những sản phẩm tiêu biểu của Adidas trong việc chấm dứt rác thải nhựa.

Ngày nay, thật dễ dàng để bắt gặp một sản phẩm bảo vệ môi trường đến từ Adidas, có thể là quần áo, giày dép, balo túi xách…hay cho đến một thứ rất nhỏ như là dây buộc tem mạc của sản phẩm cũng được làm bằng vật liệu tự nhiên thay thế cho dây nhựa truyền thống.

Quần áo Adidas làm bằng vật liệu tái chế

Hiện nay, Adidas đã và đang sản xuất hàng tiệu bộ quần áo thể thao sử dụng vật liệu tái chế từ nhựa và từ năm 2024 trở đi, công ty cam kết chỉ sử dụng polyester tái chế.

Giày dép adidas làm bằng vật liệu tái chế

Trong những năm 2021 và đầu năm 2022, những đôi giày adidas đã và đang được sản xuất với công nghệ vải dệt Primegreen và Primeblue nhiều hơn bao giờ hết. Những dòng chữ này được in trên hầu hết lót của những đôi giày hiện nay.

Ngoài những đôi giày adidas ultraboost kết hợp với parley, hãng còn nghiên cứu và phát triển một đôi giày mang tên Adidas Ultraboost  FUTURECRAFT LOOP. Ra mắt với khẩu hiệu UltraBoost “Made To Be Remade”, đôi giày này không có đường nối lộ ra ngoài, không có thuốc nhuộm và không có keo dán, với mọi thứ từ đan đến keo đều được tạo ra từ các vật liệu đã sử dụng trước đó, và đặc biệt hơn là đôi giày này sẽ được tái chế lại sau khi đã sử dụng.

Đây chỉ là bước khởi đầu trong nỗ lực của adidas nhằm loại bỏ nhựa khỏi hoạt động kinh doanh của mình. adidas đã cam kết thay thế polyester nguyên sinh trong các sản phẩm bằng 100% polyester tái chế vào năm 2024. Mục đích dài hạn là loại bỏ hoàn toàn nhựa như một loại vật liệu, để giúp cứu lấy đại dương, hành tinh và mỗi người trong chúng ta./.

BLA

Chia sẻ bài viết