Theo một nghiên cứu sơ bộ từ Israel được công bố gần đây, đối với dân số nói chung, câu trả lời có thể là không. Mũi tiêm thứ 4 của cùng một loại vaccine (trong trường hợp này là Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) cung cấp rất ít khả năng bảo vệ chống lại COVID-19 so với 3 mũi.
Tiến sĩ Gili Regev-Yochay, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Sheba ở Tel HaShomer (Israel), tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Không phải liều thứ 3, không phải liều thứ 4 hay thậm chí liều thứ 5 sẽ ngăn chặn nhiễm bệnh lâu dài. Nhưng điều đó không có nghĩa là một liều bổ sung là vô nghĩa trong mọi trường hợp. Đối với những người lớn tuổi hoặc những người có nguy cơ cao, có thể cần thêm một liều thứ 4 để giúp duy trì khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng”.
Liều thứ 4 có tác dụng gì đối với hệ miễn dịch?
Trong nghiên cứu mới, nhóm nghiên cứu đã tiêm mũi thứ 4 vaccine Pfizer hoặc Moderna cho khoảng 300 nhân viên y tế. Sau đó, họ theo dõi liệu những người này có ít khả năng bị nhiễm bệnh hơn khi làm việc tại Trung tâm Y tế Sheba hay không, so với khoảng 400 nhân viên y tế chỉ được tiêm 3 mũi. Họ cũng đo nồng độ kháng thể trong máu của nhân viên y tế trước và sau khi tiêm liều thứ 4.
Mặc dù mũi tiêm thứ 4 làm tăng nồng độ kháng thể vượt mức được quan sát thấy ngay sau mũi tiêm thứ 3, song sự gia tăng kháng thể này không chuyển thành khả năng bảo vệ mạnh mẽ chống lại lây nhiễm.
Theo báo cáo, liều bổ sung chỉ làm giảm khoảng 10% - 30% nguy cơ nhiễm bệnh. Trong thời gian nghiên cứu 30 ngày, khoảng 20% số người được tiêm thêm mũi thứ 4 đã bị nhiễm biến thể Omicron, so với khoảng 25% số người chỉ được tiêm 3 mũi. Liều thứ 4 dường như không kích hoạt các tế bào T, vốn rất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm bệnh trong tương lai.
Các tác giả nghiên cứu kết luận, liều thứ 4 phục hồi một số khả năng bảo vệ đã mất sau lần tiêm thứ 3 nhưng không tăng cường miễn dịch hơn nhiều. Họ không biết chính xác lý do tại sao liều thứ 4 không kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh mẽ. Tuy nhiên, một số người cho rằng vaccine hiện tại có thể không phải là công cụ tốt nhất để chống lại một biến thể có khả năng lây nhiễm cao như Omicron.
Các loại vaccine hiện hành được thiết kế để chống lại các biến thể lưu hành vào năm 2020, rất khác với Omicron.
Liều thứ 4 có giúp tăng khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng do COVID-19 không?
Tiến sĩ Regev-Yochay cho biết, cho đến nay, vaccine đang “làm rất tốt trong việc ngăn ngừa các trường hợp nhập viện và tử vong”.
Một nghiên cứu được công bố trên Báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong (Morbidity and Mortality Weekly Report) của CDC Mỹ trong tháng này cho thấy, 3 mũi vaccine cung cấp khoảng 90% khả năng bảo vệ khỏi nhập viện do nhiễm biến thể Omicron 2 tháng sau liều cuối cùng. Nhưng mức độ bảo vệ đó giảm xuống khoảng 80% sau 4 tháng.
Mức giảm đáng kể này khiến nhiều nhà khoa học lo ngại. Tuy nhiên, bà Sara Tartof, nhà dịch tễ học tại Kaiser Permanente ở Pasadena, California (Mỹ) cho rằng liều thứ 4 có thể sẽ mang lại khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng cao hơn chống lại lây nhiễm nhưng bằng chứng hiện tại cho thấy khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng do Omicron có thể giảm theo thời gian.
Theo bà Tartof, đối với những người khỏe mạnh dưới 65 tuổi, mức độ bảo vệ đang suy yếu này có thể không gây ra vấn đề gì lớn vì họ có nguy cơ nhập viện tương đối thấp. Với những người có nguy cơ nhập viện cao hơn, sự suy yếu này có thể gây ra tác động lớn hơn. Vì vậy, liều thứ 4 có thể sẽ giúp mở rộng khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng cho những người trên 65 tuổi, những người có các yếu tố sức khỏe làm tăng nguy cơ trở nặng hoặc những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.
Bà Akiko Iwasaki, nhà miễn dịch học tại Đại học Yale cho biết: “Những người này có thể sẽ là nhóm đối tượng đầu tiên cần một liều vaccine tăng cường nữa. Phản ứng miễn dịch của họ không mạnh mẽ như một người trẻ khỏe mạnh”.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa xác định khi nào những người này sẽ cần đến liều bổ sung đó. Nó phụ thuộc vào tốc độ suy giảm khả năng miễn dịch./.