Tiếng Việt | English

03/12/2022 - 23:10

'An cư, lạc nghiệp' nơi biên giới

Những căn nhà khang trang được Quân khu 7 hỗ trợ từ Đề án Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới (DQBG) đã làm thay đổi vùng biên giới của tỉnh Long An, mang đến cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Chăm lo cho người dân

Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt DQBG là chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn, vất vả với người dân vùng biên giới; đồng thời, mang tính chiến lược quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới của Đảng và Nhà nước.

35 căn nhà liền kề Chốt dân quân biên giới xã Mỹ Bình đang được thi công

Chạy dọc tuyến đường tuần tra biên giới đến Chốt DQBG xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, chúng tôi cảm nhận không khí vùng biên ấm áp hơn hẳn khi nhìn thấy bên đường là những căn nhà kiên cố san sát nhau dần mọc lên. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Mỹ Bình - Nguyễn Văn Sớm chia sẻ, đợt này, xã Mỹ Bình được hỗ trợ xây dựng 35 căn nhà liền kề chốt DQBG, tất cả đều đã khởi công. Bộ Tư lệnh TP.HCM hỗ trợ 80 triệu đồng/căn.

Đối tượng thụ hưởng là người dân có sức khỏe, ý thức, trách nhiệm cao; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương; có đất tư nhân hợp pháp, tình nguyện sinh sống, định cư lâu dài trong điểm dân cư biên giới; đặc biệt ưu tiên cán bộ, chiến sĩ dân quân thường trực, quân nhân dự bị chưa có nhà ở và có đất sản xuất 0,5ha trở lên ở khu vực biên giới theo Đề án quy định và được chính quyền địa phương lựa chọn, bình xét. Dự kiến cuối tháng 12/2022, 35 căn nhà điểm dân cư liền kề chốt DQBG hoàn thành và bàn giao cho người dân.

2 căn nhà liền kề chốt dân quân biên giới của mẹ con bà Nguyễn Thị Nhanh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 

Là 1 trong 80 hộ gia đình được hỗ trợ xây nhà tại điểm dân cư liền kề chốt DQBG của huyện Đức Huệ, bà Nguyễn Thị Nhanh (SN 1972, ngụ ấp 5, xã Mỹ Bình) chia sẻ: “Bộ Tư lệnh TP.HCM, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các cấp lãnh đạo đã hỗ trợ vợ chồng tôi và con tôi 2 căn nhà liền kề. Mỗi căn nhà có diện tích 90m2. Sau 1,5 tháng xây dựng, 2 căn nhà đã hoàn thành, giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống. Đây là niềm vui lớn, song trách nhiệm cũng hết sức nặng nề để xứng đáng với sự quan tâm của lãnh đạo các cấp”.

Trước đây, vợ chồng bà Nhanh xây căn nhà tạm để trông coi cánh đồng lúa của gia đình. Tuy khó khăn nhưng gia đình bà vẫn bám trụ giữ đất. Hiện tại, gia đình bà Nhanh trồng khoảng 2ha tràm và nuôi trâu, bò sinh sản, đời sống kinh tế ổn định.

Ghé thăm gia đình anh Trần Duy Thức (SN 1991, con của bà Nhanh) trong lúc anh chuẩn bị dọn vào nhà mới tại Điểm dân cư liền kề chốt DQBG xã Mỹ Bình. Ánh mắt rạng rỡ, anh Thức nói: “Mặc dù còn trẻ nhưng tôi không thích phố thị, dù gì ở quê vẫn dễ sống hơn. Hiện tại, địa phương khảo sát xây dựng đường điện, nhà giữ trẻ, nâng cấp giếng nước để bảo đảm sinh hoạt, giúp người dân an tâm lao động, sản xuất”.

“Chúng tôi sẽ nhanh chóng bắt tay vào lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển KT-XH của địa phương. Đặc biệt, tôi sẽ chủ động tham gia cùng chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang trên địa bàn nắm chắc tình hình, kịp thời thông báo khi có tình huống xảy ra để bảo vệ biên giới, địa phương luôn hòa bình và phát triển” - anh Thức chia sẻ thêm.

An cư để lạc nghiệp

Dọc tuyến đường tuần tra biên giới, ghé thăm gia đình ông Phan Văn Hùng (SN 1969, ngụ ấp 3, xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa), là một trong những hộ được hỗ trợ nhà ở tại Điểm dân cư liền kề chốt DQBG xã Tân Hiệp, chúng tôi nhận thấy gia đình ông có cuộc sống khấm khá. Cổng rào, nhà cửa được xây dựng kiên cố với đầy đủ nội thất, tiện nghi.

Chính quyền địa phương đến thăm hỏi cuộc sống ông Phan Văn Hùng (thứ 2, trái qua) trên điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới

Quê gốc ở TP.Tân An, 30 năm trước, ông Hùng lên xã Tân Hiệp khai hoang. Thấy điều kiện sinh sống phù hợp, ông bám trụ địa phương để trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế. Ngày trước, chỉ có ông Hùng và vợ sinh sống ở đây nhưng bây giờ các con của ông cũng lên cùng. Khi mới lên lập nghiệp, ông dựng căn nhà tạm, không có đường đi, điện, nước sinh hoạt, đặc biệt vào mùa mưa, mỗi lần giông lốc là căn nhà phải dựng lại. Nhờ sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, đến nay, đời sống của gia đình ông ngày càng ổn định.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hùng không giấu được niềm vui: “Gia đình tôi và những hộ dân trong điểm dân cư liền kề chốt DQBG được Bộ Tư lệnh TP.HCM hỗ trợ mỗi hộ 80 triệu đồng để xây nhà kiên cố. Có nhà ở ổn định, vợ chồng tôi tập trung trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế. Hiện gia đình tôi trồng 1ha lúa, nuôi thêm trâu và đàn vịt, gà”.

Ông Hùng nói: “Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn sống ở đây. Hiện tại, ở đây cũng khá tiện nghi, điện, nước tương đối đầy đủ. Mọi người đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, tình làng, nghĩa xóm luôn thắt chặt, tối lửa tắt đèn có nhau”.

Chốt trưởng Chốt dân quân thường trực xã Tân Hiệp - Dương Quốc Việt cho biết, gia đình ông Hùng là một trong những hộ dân gương mẫu, tích cực lao động, sản xuất ở địa phương. Có người lạ mặt qua lại biên giới hay những vấn đề liên quan đến tình hình an ninh, trật tự, ông đều thông tin để chính quyền giải quyết nên địa bàn rất ổn định.

Có thể thấy, gia đình ông Phan Văn Hùng và bà Nguyễn Thị Nhanh là "cột mốc sống" nơi biên cương. Họ có cùng một ước vọng "an cư, lạc nghiệp", quyết tâm bám đất, góp sức giữ gìn biên giới. Đối với họ, biên giới giờ đây đã là quê hương. Đề án Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt DQBG đã thể hiện tính đúng đắn trong “xây dựng thế trận lòng dân”, để người dân tự quản đường biên, cột mốc, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị./. 

Hà Lan

Chia sẻ bài viết