Tiếng Việt | English

14/01/2020 - 19:25

Áp dụng mức xử phạt hành chính cao nhất khi lái xe không chấp hành đo nồng độ cồn

Lái xe từ chối không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị áp dụng mức phạt cao nhất lên đến 40 triệu đồng và kèm theo hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe 2 năm.

Người vi phạm sẽ phải chịu mức phạt cao nhất nếu không chấp hành đo nồng độ cồn

Người vi phạm sẽ phải chịu mức phạt cao nhất nếu không chấp hành đo nồng độ cồn

Không chấp hành yêu cầu đo nồng độ cồn sẽ bị xử lý mức phạt cao nhất 

Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tăng cao rất nhiều mức xử phạt hành chính kèm theo hình phạt bổ sung tước bằng lái xe lên tới 2 năm đã có tác dụng lớn đến ý thức chấp hành giao thông của người dân, nhất là tình trạng sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. 

Sau gần 2 tuần triển khai thực hiện xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100, trên nhiều diễn đàn, hội, nhóm lái xe thảo luận nhiều chiêu trò nhằm giảm nhẹ mức phạt, thậm chí là đối phó, không chịu ký vào biên bản vi phạm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Trong đó, nhiều lái xe mách nhau khi đã sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện ôtô bị lực lượng cảnh sát giao thông dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn thì xuống xe bỏ đi, không chấp hành rồi sau đó tới làm việc, đóng tiền phạt. Ý kiến này được rất nhiều lái xe trên các hội, nhóm tán thành vì cho rằng, hành vi này chỉ bị phạt về việc không tuân theo hiệu lệnh của cảnh sát giao thông và mức phạt tương đối nhẹ - từ 2-3 triệu đồng, cộng chung với chi phí trông giữ xe, thuê xe cẩu thì quá nhẹ so với mức xử phạt quy định tại nghị định mới. Và người vi phạm cũng không bị tước bằng lái xe lên đến 2 năm.

Tuy nhiên, việc áp dụng chiêu trò này không có tác dụng như nhiều lái xe nghĩ. Theo Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Long An - Lê Trung Trực, người đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện sẽ bị xử lý. Trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, sẽ bị xử lý ở mức phạt cao nhất theo quy định tại Nghị định 100.

Cũng theo ông Lê Trung Trực, nghị định mới đã có quy định rõ là trong trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn. Tại khoản 10, Điều 5 Nghị định 100 quy định rất rõ: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a) Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; b) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; c) Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; d) Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ”. Theo đó, chỉ cần không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ, dù nồng độ cồn trong máu có thể thấp vẫn sẽ bị áp dụng mức xử lý vi phạm cao nhất, ngoài ra, kèm theo hình thức xử lý vi phạm hành chính thì người vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. Đồng thời với hành vi này nhưng đối với người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy thì bị xử lý với mức phạt từ 6-8 triệu đồng và kèm theo hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.

“Như vậy, với chiêu trò đối phó không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn sẽ "lợi bất cập hại" khi người vi phạm vừa bị xử lý mức phạt hành chính cao nhất, vừa tốn chi phí giữ xe, cẩu xe” - Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh - Lê Trung Trực cho biết.

Nghị định 100 không vượt luật

Bên cạnh đó, nhiều lái xe hiện nay cũng cho rằng việc áp dụng quy định tại Nghị định 100 vượt luật. Cụ thể, tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về nhóm các hành vi bị nghiêm cấm đối với người điều khiển phương tiện xe cơ giới, trong đó có hành vi điều khiển xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở. Trong khi đó, Nghị định 100 lại quy định người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều bị xử lý dẫn đến việc người vi phạm nên tuân thủ theo luật hay nghị định.

Về vấn đề này, theo Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh - Lê Trung Trực, Nghị định 100 hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ trên cơ sở Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã điều chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, tại Điều 35, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia về sửa đổi, bổ sung quy định của một số luật khác đã nêu rõ: “Sửa đổi, bổ sung khoản 8, Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 như sau: Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. 

“Như vậy, việc áp dụng mức xử phạt mới theo quy định tại Nghị định 100 không vượt luật và phù hợp với các quy định hiện hành” - ông Lê Trung Trực cho biết.

Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Long An - Đặng Hoàng Tuấn cho rằng, sau gần 2 tuần Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 có hiệu lực có thể thấy đã tác động rất lớn đến người dân. Bước đầu, người dân dần thay đổi thói quen điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia. “Cũng cần khẳng định rằng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia không cấm người dân sử dụng rượu, bia nhưng cấm việc sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bởi hiện nay, trong số các vụ tai nạn giao thông, tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra thời gian qua, có rất nhiều vụ người gây tai nạn giao thông có sử dụng rượu, bia. Mức phạt hiện nay sẽ góp phần răn đe, hạn chế và tiến tới việc thay đổi nhận thức của người dân khi đã sử dụng rượu, bia mà vẫn tham gia giao thông. Ngoài ra, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng sẽ góp phần hạn chế tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước” - đại biểu Đặng Hoàng Tuấn cho biết./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết