Vợ chồng ông Nguyễn Tăng Chất (người được giới thiệu là cháu gọi chị ruột của bà Lê Thị Điền là bà cố) đang sinh sống tại khu phố Thanh Ba, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc
Các tài liệu nhắc về cụ bà Lê Thị Điền khá ít ỏi so với sự ngợi ca của hậu thế dành cho phu quân của bà - nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
Theo bài viết Vài nét về cụ bà Nguyễn Đình Chiểu của tác giả Châu Anh Phụng, anh trai bà Lê Thị Điền là ông Lê Tăng Quýnh, vốn là cai tổng ở Thanh Ba (nay là khu phố Thanh Ba, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc), có mở lớp dạy Nho học cho trẻ con trong làng. Bà Lê Thị Điền lớn lên trong cuộc sống đủ đầy, được thụ hưởng nền giáo dục mà người xưa dành cho các tiểu thư khuê các: Cầm, kỳ, thi, họa.
Đến tuổi cập kê, dù có nhiều người mối mai, bà vẫn lắc đầu từ chối khéo mà nói với anh mình rằng: “Nếu sau này, dù có chồng đui mù mà xứng đáng cho em tôn sùng, thì đó là việc cũng nên".
Sau đó, vì mến mộ Nguyễn Đình Chiểu mà ông Lê Tăng Quýnh tìm đến làm quen. Càng kết giao tìm hiểu, ông lại càng nể phục đức độ, tài hoa của thầy đồ Nguyễn Đình Chiểu, lại cảm thương thầy đồ đơn chiếc trong cảnh mù lòa nên quyết định “bắc nhịp cầu duyên" cho Nguyễn Đình Chiểu và em gái (cũng có tài liệu cho rằng Lê Tăng Quýnh từng có thời gian là học trò của Nguyễn Đình Chiểu, do cảm kích tài năng, đức độ của thầy mà gả em gái cho thầy đồ).
Trước đề nghị của anh trai, bà Lê Thị Điền giả trai lên Tân Thuận Đông (nơi Nguyễn Đình Chiểu đang mở lớp dạy học) để xin làm học trò. Vì nể phục tài, đức của ông, bà thuận lòng xây dựng hôn nhân. Họ thành hôn năm 1854, khi Nguyễn Đình Chiểu 32 tuổi và bà Lê Thị Điền 19 tuổi.
Là tiểu thư khuê các lại đồng ý nên duyên cùng thầy đồ mù lòa, giàu lòng yêu nước, thương dân cho thấy đức hạnh và tấm lòng của cô thiếu nữ Lê Thị Điền lúc đó.Bà cùng chồng trải qua mọi khó khăn, luôn bên cạnh, chăm lo cho ông từng miếng ăn, giấc ngủ và làm hậu phương vững chắc của ông.
Sách Phụ nữ Long An - Lịch sử và Truyền thống có những đoạn chép chi tiết về những đóng góp của bà Lê Thị Điền vào sự nghiệp của chồng cũng như công cuộc chống thực dân Pháp của người dân Cần Giuộc, Long An: “Trong chiến công đánh đồn Tây Dương tại khu chợ Trường Bình, làng Đa Phước ở Cần Giuộc do Bùi Quang Diệu (Đốc binh Là) chỉ huy vào đêm 16/12/1861, có sự đóng góp rất đặc biệt của bà Lê Thị Điền, vợ nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu... Tương truyền trước ngày xảy ra trận đánh, Đốc binh Là trực tiếp đến nhà hỏi ý kiến của Đồ Chiểu. Trong khi Nguyễn Đình Chiểu và Đốc binh Là đang nghĩ cách, bà Lê Thị Điền nghe được, bèn hiến kế dùng trái mù u rải trên đường, sau đó cho nghĩa quân chia từng tốp nhỏ mai phục sẵn hai bên đường, chờ quân Pháp đi vào, đạp lên trái mù u té nhào thì nghĩa quân nhảy ra, dùng gậy tầm vông vạt nhọn mà lụi tới. Đúng như dự tính, quân Pháp từ chợ Trường Bình hùng hổ tiến vào định ăn tươi nuốt sống nghĩa quân thì những trái mù u mộc mạc, bé nhỏ đã đánh gãy kế hoạch tấn công của chúng. Để kỷ niệm chiến thắng này và tưởng nhớ công ơn của bà Lê Thị Điền, Đốc binh Là cho đổi tên đồn Tây Dương thành đồn Mù U cho đến nay”.
Bà Lê Thị Điền còn được xem là “đôi mắt” sáng mà tạo hóa bù lại cho nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Bà là người ghi chép lại những áng văn bất hủ mà chồng mình sáng tác, trong đó có Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.
Có nhiều ý kiến cho rằng, bà còn có những đóng góp thầm lặng trong các tác phẩm của chồng, để văn chương của chồng gần gũi với nhân dân hơn.
Tương truyền, bà đã đôn đốc chuyện đào ao cho dân làng Tôn Thạnh có nguồn nước ngọt để dùng và ao nước ấy được đặt tên là Lê Thị Điền. Ngày nay, ao nước ấy nằm trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh.
Trong bài viết Sự hy sinh thầm lặng của người vợ Lê Thị Điền cho sự nghiệp sáng tác văn chương của cụ Nguyễn Đình Chiểu của Tiến sĩ Dương Tô Quốc Thái và Thạc sĩ Hồ Thị Thanh Mai khẳng định “bà Lê Thị Điền là một người phụ nữ công - dung - ngôn - hạnh, một hậu phương vững chắc để cụ Nguyễn Đình Chiểu yên tâm trong sự nghiệp sáng tác văn chương làm rạng danh đất Nam Kỳ”. Trong đó, to lớn nhất là sinh cho ông 6 người con: “Việc sinh hạ và dưỡng dục 6 người con này khôn lớn nên người đã cho thấy được sự hy sinh thầm lặng rất đáng khâm phục của bà Lê Thị Điền dành cho chồng mình. Đó là chưa kể đến việc bà phải một mình chăm sóc các con, còn phải làm công việc nhà và chăm sóc cho cụ Nguyễn Đình Chiểu nữa…!”.
Trong quá trình tìm thêm thông tin về cụ bà Lê Thị Điền, chúng tôi về lại làng Thanh Ba ngày ấy và được Phòng Văn hóa Thông tin huyện Cần Giuộc hướng dẫn đến gặp gia đình ông Nguyễn Tăng Chất (khu phố Thanh Ba, thị trấn Cần Giuộc) - người cháu gọi chị ruột của bà Lê Thị Điền là bà cố. Ông Chất nói, từng được người thân kể lại rằng bà Lê Thị Điền ngày xưa có nhan sắc trong vùng.
Làng Thanh Ba, quê hương người vợ tào khang của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu giờ đây hoàn toàn đổi mới. Tiến trình đô thị hóa giúp hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Đời sống người dân được nâng lên rõ nét nhờ vào sự phát triển công nghiệp của địa phương.
Trưởng khu phố Thanh Ba - Nguyễn Chánh Hào cho biết, trước đây, Thanh Ba là ấp thuộc xã Mỹ Lộc nhưng từ năm 2020, một phần ấp Thanh Ba được sáp nhập vào thị trấn Cần Giuộc, trở thành khu phố Thanh Ba và ngày càng phát triển. Đường giao thông được mở rộng, trồng cây 2 bên đường, thắp sáng. Dịch vụ kinh doanh, buôn bán phát triển, phục vụ tốt đời sống người dân. Toàn khu phố hiện chỉ còn 8 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo và đang được địa phương tập trung hỗ trợ để vươn lên trong thời gian tới./.
Quế Lâm
Tài liệu tham khảo:
- Vài nét về cụ bà Nguyễn Đình Chiểu của tác giả Châu Anh Phụng.
- Sách Phụ nữ Long An - Lịch sử và Truyền thống.
- Hồ sơ di tích lịch sử - văn hóa chùa Tôn Thạnh.
- Sự hy sinh thầm lặng của người vợ Lê Thị Điền cho sự nghiệp sáng tác văn chương của cụ Nguyễn Đình Chiểu của Tiến sĩ Dương Tô Quốc Thái và Thạc sĩ Hồ Thị Thanh Mai.