(Ảnh: Internet)
Nữ chủ bút đầu tiên của nước ta
Nước ta thuở ấy bị nhà cầm quyền thực dân chia làm 3 miền: Miền Trung và miền Bắc là xứ bảo hộ của Pháp, Toàn quyền A.Sarraut dùng tờ báo Nam Phong của “bồi bút” Phạm Quỳnh để tuyên truyền có lợi cho Pháp. Còn miền Nam là xứ thuộc địa Pháp, để có tờ báo chính thống cho phụ nữ Việt, nhà giáo Mai Bạch Ngọc - con rể của bà Sương Nguyệt Anh xin Tổng lý báo là Trần Văn Chim và A.Blaquière, Chủ nhiệm báo Le Courrier Saigonnais vận động cho ra tờ tuần báo Nữ Giới Chung (Fémina Annamite), xuất bản vào ngày thứ sáu hàng tuần; tòa soạn tại số 15, Taberd Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Du, quận 1, TP.HCM). Ở số đầu tiên, chủ bút Sương Nguyệt Anh viết Lời kêu gọi “Chị em kẻ chợ người quê ráng giúp tôi lên đường xướng suất cho ra tờ báo trong cõi Trung Nam này (…). Chị em đặng học hỏi. Vì nếu không học hỏi thì biết đâu mà dạy con, biết đâu là phần trách nhiệm của mình”…
Tiêu chí Nữ Giới Chung là đấu tranh cho nữ quyền bình đẳng với nam giới khi xã hội còn nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ; phụ nữ gánh chịu nhiều bất công từ gia đình đến xã hội. Bà gieo ý thức: “… Ngày nay, ngọn sóng Âu tràn qua Nam hải, các khoa học mênh mông, công nghệ thế ấy, học thuật thế kia. Trông người mà ngẫm đến ta, tình cảnh buồn mà không buồn, lại buồn cảnh bông tàn trăng khuyết, lý tưởng sao mà lạ vậy? (…). Kìa ta mở cặp mắt ngó ra hoàng hải, người Âu Mỹ làm thầy giáo cũng đàn bà, mà thầy kiện cũng đàn bà, trong tay sẵn có một nghề, không phải nương nhờ người nam tử. Ấy, cái học người ta như thế, há như người mình không bệnh mà rên! (…). Chị em ơi!... Muốn có cái địa vị ngang hàng với nam tử thì (chẳng những) việc tề gia nội trợ phải thuộc lòng (mà) tình trong thế ngoài cũng phải nên ghé mắt; tuy (ta) chưa được như người Âu Mỹ, song cũng đừng phụ tiếng Lạc Hồng”… Số báo ra mắt bạn đọc vừa phát hành đã có đông đảo bạn đọc đón mua một cách nồng nhiệt. Các số báo kế tiếp, tràn ngập những văn thơ có nội dung khơi lòng yêu nước, vận động công chúng tham gia đóng góp cổ phần cho Công ty Liên Thành - một tổ chức của những nhà yêu nước đứng ra kinh doanh lấy tiền giúp phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu.
Đồng thời, Nữ Giới Chung còn vận động truyền bá Quốc ngữ và đăng thơ kêu gọi giới của mình: “Chị em ơi, hỡi chị em!/ Có lòng nghĩ đến nước Nam ta cùng…”, nhiều bài nêu những tấm gương anh hùng diệt xâm lăng, cứu nước, khơi dậy tinh thần dân tộc quật khởi… đã khiến Toàn quyền Pháp A.Sarraut phải ra tay đóng cửa Nữ Giới Chung sau 5 tháng hoạt động đầy ý nghĩa.
Duyên tình lận đận
Tờ báo nữ đầu tiên ở Việt Nam - tờ Nữ Giới Chung (Tiếng chuông nữ giới), ra đời ngày 01/02/1918, tại Sài Gòn (Ảnh: Internet)
Cuộc đời nữ thi sĩ Sương Nguyệt Anh có phần khá giống bà chúa thơ Nôm Việt Nam - Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Xuân Hương, là “hồng nhan bạc phận”. Cùng là con nhà danh giá, tài sắc, chữ nghĩa không kém ai, bà Hồ Xuân Hương đã lấy chồng muộn mà còn làm vợ lẽ cho người lớn hơn mình nhiều tuổi, việc gối chăn “muốn đấm ăn xôi, xôi lại hẩm; cầm bằng làm mướn, mướn không công” rồi “đứt gánh giữa đường” làm góa phụ... Cô Năm Khuê cũng vậy, khi đang độ tuổi xuân vẫn “xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến oanh” (Kiều - Nguyễn Du). Viên tri phủ sở tại xỏ lá, muốn lấy cô làm vợ lẽ mà cái chức quan phủ như ông Phủ Tôn Thọ Tường từng bị phụ thân cô - cụ Đồ Chiểu mắng: “Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xua bàn độc, thấy lại thêm buồn! - Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ”, nên cô Năm Khuê quyết nói “Không!” (lúc này cô đang sống với người anh cả sau khi cụ Đồ Chiểu mất). Viên quan phủ liền giở chiêu trò khủng bố, liên tục gửi trát đòi anh cả cô lên hầu, để gây áp lực... Anh đành đưa em gái lánh sang Mỹ Tho, ông Phủ vẫn truy theo... Để yên thân, cô phải lấy Cai tổng Tính (Nguyễn Công Tính) có tiếng hiền lành, được lòng dân, dù đã qua một đời vợ. Ăn ở với người chồng muộn con, tới lúc sinh được đứa con gái đầu lòng vừa lên 2 tuổi thì chồng qua đời. Cô Năm Khuê dù vẫn “gái một con trông mòn con mắt”, bao nhiêu con mắt mày râu đã mòn song góa phụ Năm Khuê quyết giữ đạo “tam tòng”, lấy chữ “Sương” đặt trước tên tự Nguyệt Anh - Sương Nguyệt Anh để thủ tiết thờ chồng cho tới mãn đời ở tuổi 59.
Và nữ sĩ Sương Nguyệt Anh
Bà có giọng thơ trang nhã, thâm trầm như thơ Bà Huyện Thanh Quan. Đang sống ở Mỹ Tho, nghe tin vua Thành Thái xa giá vào Sài Gòn dự ngự yến, bà đã làm bài thơ xin vua hãy quan tâm đến thần dân mang đai cơm, bầu nước tới đứng chật hai bên đường cung nghinh “Ngài ngự”. Bài thơ Thành Thái ngự yến Sài Gòn của Sương Nguyệt Anh đượm phong cách thơ Nguyễn Đình Chiểu: Ngàn thu nay gặp hội minh lang/ Thiên hạ ngày nay chí mở mang/ Tấc đất ngọn rau tràn dưới mắt/ Đai cơm bầu nước chật ven đàng/ Vui lòng Thánh đế nơi xe ngựa/ Xót dạ thần dân chốn lửa than/ Nước mắt cô cùng trời đất biết/ Biển dâu một cuộc nghĩ mà thương!”.
Tác giả Phương Nhân viết trên Tạp chí Bách khoa số 3, ngày 15/2/1957, có giới thiệu bài thơ Chinh phụ thi của Sương Nguyệt Anh làm trong lúc tức cảnh: Bà đứng trên lầu tòa soạn Báo Nữ Giới Chung nhìn xuống đường, thấy bọn người Pháp lùa thanh niên ta bị giặc Pháp bắt làm lính, đưa xuống tàu để chở đi đánh thuê. Bài thơ viết bằng chữ Hán, được em trai bà là Nguyễn Đình Chiêm dịch ra chữ Nôm như sau:
Cỏ rạp sân thềm liễu rũ hoa/ Chàng đi bao thuở lại quê nhà?/ Nửa rèm trăng xế lòng ngao ngán/ Chiếc gối quyên gào lệ nhỏ sa/ Ải bắc mây giăng che bóng nhạn/ Vườn xuân nắng tạt ủ mày nga/ Nhớ nhau mấy lúc chim bao thấy?/ Ngàn dặm lang quân biết chẳng là?. Cái hình ảnh chinh phu não lòng ấy ngầm lên án cuộc chiến chinh phi nghĩa của thực dân Pháp mà thời ấy dễ gì nói trắng ra được, đành bóng gió cho vơi nỗi lòng buồn tức thế thôi!
Cô Năm Khuê, tức nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, thuở nhỏ học chữ Hán với thân phụ - cụ Đồ Chiểu, đến am tường Nho học và chữ Nôm, rồi mới học và làm báo bằng chữ Quốc ngữ. |
Quang Hảo