Chân dung Nhà thơ yêu nước của dân tộc - Nguyễn Đình Chiểu (Ảnh chụp qua tư liệu)
Và, chỉ trong 3 năm (1859 - 1861) ngắn ngủi ấy, cụ đã để lại dấu ấn sáng ngời qua sự ra đời bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” và truyện thơ Lục Vân Tiên - hai áng văn chương bất hủ ra đời tại đây! Cũng tại chùa Tôn Thạnh này, cụ Đồ Chiểu vừa mở lớp dạy học, vừa làm thuốc chữa bệnh cho dân, lại vừa làm thơ yêu nước và chỉ đạo cuộc kháng chiến của nghĩa quân Trương Định chống thực dân Pháp.
Báo Thanh niên vừa có thông tin: GS.TS Nguyễn Chí Bền là người làm hồ sơ đề nghị UNESCO cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: Dự kiến tháng 11 tới, sẽ diễn ra phiên họp của Đại hội đồng UNESCO thông qua Nghị quyết kỷ niệm danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
Trước đó, UNESCO đã thông qua hồ sơ về Lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu, dự kiến tổ chức vào ngày 01/7/2022 tại Việt Nam và sẽ có Lễ tôn vinh thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu vào ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/02/2022).
GS.TS Nguyễn Chí Bền cho biết thêm: Đến thời điểm này đã có 4 nước là Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan đề cử xem xét việc cùng tham gia sự kiện trên (các nước này sẽ cử đại diện tham dự lễ và hội thảo khoa học Quốc tế về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu). Quy định chỉ cần có 2 Quốc gia đề cử là đủ, mà đã có 4 Quốc gia đề cử, cho thấy sự quan tâm của thế giới đối với nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu - nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam - là nhường nào!
Hẳn ai cũng biết, cụ Đồ Chiểu đang dự thi hội (sau thi hương) ở Huế, thì hay tin mẹ mất, đành bỏ thi, quay về Gia Định chịu tang mẹ. Trên đường về, Nguyễn Đình Chiểu bị bệnh, lại khóc thương mẹ quá nhiều mà đôi mắt bị mù lòa. Dù vậy, cả cuộc đời còn lại của cụ vẫn tỏa sáng như câu thơ “Thà đui mà giữ đạo nhà/Còn hơn có mắt ông cha không thờ”- ông cha là Tổ quốc.
Dù bị mù lòa, sống trong cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn, cụ vẫn giữ vẹn đạo nhà và lòng yêu nước vô biên thể hiện bằng những bài thơ rực lửa của lòng yêu nước - ngay từ lúc giặc Pháp nổ súng xâm chiếm nước ta. Đã bao phen thực dân Pháp đem chức tước, bạc tiền ra mua chuộc, cụ vẫn một mực chối từ. Cụ sống rất đạm bạc trong mái nhà tranh, tận tụy dạy chữ - dạy người, truyền “đạo nhà” và lòng tôn thờ “ông cha” cho từng lớp học trò các nơi theo học.
Ngoài ra, cụ còn học nghề thuốc và làm thuốc cứu người. Ở Ba Tri (Bến Tre) - quê hương thứ hai của cụ - còn truyền tụng đám tang cụ Đồ Chiểu “phủ trắng cả cánh đồng mênh mông một màu áo tang của hàng ngàn môn đệ tụ về chịu tang thầy và những người bệnh đã từng được thầy Đồ Chiểu cứu chữa cùng đông đảo thân hào nhân sĩ, đồng bào yêu kính, tiếc thương cụ”.
Trọn cuộc đời cụ “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Theo nhà Nam bộ học, nhà văn Sơn Nam, Lục Vân Tiên được hầu hết người dân Nam bộ phổ biến, truyền tụng ngay khi thực dân Pháp cho du nhập ồ ạt các sản phẩm văn hóa phương Tây nhằm làm cho người Việt lai căng, mất gốc để dễ bề cai trị, “nhưng thực tế đã trả lời”- nhà văn nói.
Nguồn tin trên đây còn cho biết, kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Đình Chiểu, tỉnh Bến Tre sẽ tổ chức các sự kiện: Hội thảo, trưng bày về danh nhân, trong đó có tác phẩm Lục Vân Tiên với 70 lần xuất bản, kể cả bản dịch ra các tiếng: Pháp, Nhật, Trung, Anh,... Tại UNESCO cũng sẽ làm như ở Bến Tre; các tư liệu về Nguyễn Đình Chiểu sẽ được UNESCO số hóa.
Toàn cảnh đền thờ, lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu và vợ - cụ bà Lê Thị Điền, ở Ba Tri, Bến Tre
GS.TS Nguyễn Chí Bền thông tin: Hồ sơ đề nghị cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu gửi UNESCO, trong đó có mô tả những ảnh hưởng từ phẩm chất của cụ Đồ Chiểu tới khu vực và trên toàn thế giới.
Thứ nhất, cụ là tấm gương cho người tàn tật không khuất phục trước số phận không may mắn. Dù mắt mù lòa, cụ vẫn tự học qua người thân các tri thức nho giáo, tri thức nghề thuốc đông y để hành nghề, là thể hiện tư tưởng “học tập suốt đời” của UNESCO.
Thứ hai, cụ là nhà thơ với những lo lắng cho con người trong thời loạn - một thái độ nhân văn cần nêu cao khi thế giới vẫn có khả năng xuất hiện các cuộc chiến tranh Quốc gia và khu vực. Nguyễn Đình Chiểu viết chân thực về nỗi đau khổ mà họ phải chịu đựng.
Thứ ba, Nguyễn Đình Chiểu là nhà văn hóa với triết lý được chép thành sách. Triết lý này có phần vỏ là nho giáo, lõi là triết lý sống của người Nam bộ nói riêng, người Việt Nam nói chung: không màng danh lợi, giữ khí tiết, luôn sống vì mọi người. Cụ Đồ Chiểu đại diện cho việc tiếp nhận và đổi mới tư tưởng nho giáo của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á. Năm 1864, nhà nghiên cứu Pháp - G.Aubaret đánh giá truyện thơ Lục Vân Tiên “chứa đựng những tình cảm, khát vọng chẳng mấy khi tìm thấy trong tinh thần Trung Quốc,… Cuốn sách có ưu điểm lớn là diễn tả được trung thực những tình cảm của cả một dân tộc”.
Thứ tư, cũng trong khu vực Đông Nam Á, Nguyễn Đình Chiểu là một danh y, một thầy thuốc mẫu mực chăm lo cho người bệnh, đọc cho người nhà chép y lý truyền cho người xung quanh. Y lý của Nguyễn Đình Chiểu lấy số phận con người làm nội dung, đạo đức của người thầy thuốc là không màng danh lợi.
Hồ sơ của GS.TS Nguyễn Chí Bền còn cho thấy, Lục Vân Tiên là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới - chỉ sau Truyện Kiều của Nguyễn Du và Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh.
Việt Nam đã có 4 danh nhân văn hóa thế giới, gồm: Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An; nay thêm Nguyễn Đình Chiểu nữa là 5. Vâng, nước Việt Nam ta có 5 danh nhân được UNESCO vinh danh Danh nhân văn hóa của thế giới! Tự hào biết bao dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến!
Nguyễn Đình Chiểu tuy không sinh ra trên đất Long An, nhưng dấu ấn của cụ thì mãi tỏa sáng mà điểm nhấn là chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc) với bia lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu dựng tại đây. Ta biết, khi giặc Pháp đánh chiếm thành Gia Định (17/20/1858), đến ngày 25/02/1861, chúng phá vỡ phòng tuyến Đại đồn Kỳ Hòa, chiến trận bắt đầu lan tới Long An và các tỉnh miền Tây Nam bộ,... Nguyễn Thông đang ở kinh đô Huế liền xin tòng quân về Nam đánh Pháp. Nguyễn Đình Chiểu sau khi mãn tang mẹ, đã không chịu sống chung với giặc, mà đưa gia đình về quê vợ, ẩn cư tại ngôi chùa cổ Tôn Thạnh trên ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc. Tại đây, cụ sáng tác Lục Vân Tiên như là một tự truyện với nhân vật chính - Lục Vân Tiên - như chính cuộc đời cụ. Rồi xảy đến trận tập kích quân Pháp tại đồn Tây Dương (16/12/1861), người bạn đồng khoa của cụ là Đỗ Trình Thoại và 27 nghĩa quân hy sinh tại trận, không xa nơi cụ đang ở là bao, khiến lòng cụ vô cùng đau xót, tiếc thương, cảm kích trước hào khí chống xâm lăng của bạn mình và 27 nghĩa quân ấy mà cụ viết nên áng văn chương cực kỳ bi tráng: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, trong đó có những câu da diết: “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son để lại ánh trăng rằm/Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”... Chính Lục Vân Tiên và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, qua các bản dịch ra tiếng nước ngoài và phổ biến trên thế giới, đã làm cho ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu sáng càng thêm ngời sáng trên bầu trời văn học thế giới; cùng với phẩm chất văn hóa cao cả trong con người cụ Đồ Chiểu mà UNESCO tôn vinh Cụ - nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu - là Danh nhân văn hóa của thế giới./.
|
Quang Hảo