Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc
Tại Cần Giuộc, nghĩa quân đánh úp đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình, đốt nhà thờ, giết viên tri huyện người Pháp và một số lính Mã-tà, Ma-ní. Giặc Pháp phải huy động tàu chiến đến sông Cần Giuộc bắn đại bác dữ dội lên đồn mới đẩy lui được nghĩa quân. Trong trận này, 15 nghĩa quân hy sinh, trong đó, phần nhiều là người làng Mỹ Lộc (nay thuộc xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc).
Xúc động trước tấm lòng dũng cảm và sự hy sinh oanh liệt của những người nghĩa sĩ nông dân, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu viết nên áng văn bất hủ Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc. Với lời lẽ vô cùng bi tráng, thống thiết, kiệt tác văn chương này làm rung động mãnh liệt tâm hồn, tình cảm của nhân dân cả nước.
Tranh sơn dầu nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sáng tác bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc Ảnh: Thu Cúc
Bằng ngòi bút tài hoa với những hình tượng văn học độc đáo của Nguyễn Đình Chiểu, lần đầu tiên, người nông dân chân lấm tay bùn, rất mực bình thường, chỉ biết “cui cút làm ăn” bổng trở thành những anh hùng cứu nước. Đây chính là tượng đài lịch sử mà ông dựng lên để tôn vinh tinh thần yêu nước quên mình của những người “dân ấp, dân lân” cho sự sống còn của dân tộc và Tổ quốc.
Để ghi nhớ, tôn vinh là lưu truyền những giá trị, nghĩa lịch sử - văn hóa nêu trên, Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc được khởi công xây dựng ngày 17-12-2011 và khánh thành vào ngày 13-4-2015 với khuôn viên xây dựng 2.199,08m2. Công trình gồm các hạng mục chính: Móng - bệ tượng; nhóm tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc; Bia Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc; Điện chiếu sáng; hàng rào; cây xanh… và trang trí nội thất trưng bày.
Nhà trưng bày Nghĩa sĩ Cần Giuộc nằm bên dưới tượng đài, nội dung trưng bày được chia làm 4 phần giới thiệu về Đất và người Cần Giuộc; hoàn cảnh lịch sử Cần Giuộc thời điểm Pháp chiếm đánh Sài Gòn và các tỉnh miền Tây; về trận công đồn Tây Dương và một phần không thể thiếu là cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu và bài “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc”.
Nguyễn Đình Chiểu - một nhà nho tiết tháo, sống theo đạo nghĩa, tuy mang tật mù tối và gặp lúc biến loạn mà vẫn giữ được phẩm cách thanh cao. Ông không chỉ là người con có hiếu, người thầy mẫu mực, mà còn là một nhà thơ yêu nước với tinh thần “văn dĩ tải đạo”, để lại nhiều tác phẩm có giá trị như: Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Lục tỉnh sĩ dân trận vong,…. và “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” là một trong số ấy. Hậu thế muôn đời tôn kính ông, đất và người Long An tự hào là nơi lưu giữ những dấu ấn về ông - nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.
Dấu ấn chùa Tôn Thạnh
Chùa Tôn Thạnh tọa lạc tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc. Ban đầu chùa có tên là Lan Nhã, được thiền sư Viên Ngộ sáng lập năm 1808.
Trong 3 năm (1859-1861) nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu về đất Thanh Ba, lấy chùa Tôn Thạnh làm nơi dạy học, làm thơ và chữa bệnh. Trong trận tập kích đồn Tây Dương tại chợ Trường Bình đêm rằm tháng 11 năm 1861 (16-12-1861), 1 trong 3 cánh nghĩa quân xuất phát từ chùa Tôn Thạnh đốt nhà dạy đạo, chém rơi đầu quan hai Phú lang sa.
Chùa Tôn Thạnh
Cảm khái trước tấm lòng vị nghĩa của những người “dân ấp dân lân”, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sáng tác nên bài Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc nổi tiếng tại chùa Tôn Thạnh. Lịch sử lưu danh ngôi chùa này của đất Long An qua những câu văn bất hủ: “Chùa Tôn Thạnh năm canh ưng đóng lạnh, tấm lòng son để lại ánh trăng rằm. Đồn Lang Sa một khắc đặng trả hờn, tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”.
Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, chùa Tôn Thạnh không còn nguyên vẹn cảnh “rường cột tráng lệ, vàng son huy hoàng” như xưa. Tuy nhiên, ngôi chùa vẫn giữ được nét cổ xưa qua hệ thống cột kiểu tứ tượng ở Chánh điện, những tượng Phật có từ đầu thế kỷ XIX và các hoành phi câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng.
Trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh hiện còn 2 bia kỷ niệm được xây dựng vào năm 1973 và 1997 để lưu lại dấu tích của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Năm 2003, chùa Tôn Thạnh được trùng kiến và vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc cổ truyền. Ngôi chùa này được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 2890-VH/QĐ ngày 27-11-1997./.
Hồ Phan Mộng Tuyền