Tiếng Việt | English

14/07/2021 - 14:10

Bà nội trợ méo mặt vì thực phẩm tăng giá

Giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống: rau cải, trứng gia cầm,... đều tăng giá từ gấp rưỡi đến gấp đôi so với ngày thường.

Hiện tại, hệ thống Co.op mart trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực dự trữ rau, củ, quả phục vụ người dân

Thực phẩm tươi sống tăng giá, hút hàng

Long An đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với một số khu vực trên địa bàn tỉnh để phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Một trong những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan là tạm dừng hoạt động khai thác, kinh doanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, kể từ ngày 12/7/2021. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, điều kiện chuyên chở hàng hóa khó khăn, giá cả các mặt hàng thực phẩm trên tăng vọt lên gấp rưỡi, gấp đôi.  

Kệ hàng cửa hàng Vinmart+ luôn trong tình trạng nhanh hết rau, củ, quả tươi

Nhân viên cửa hàng Vinmart+ trên địa bàn phường 2, TP.Tân An cho biết, những ngày này, khách hàng đi chợ sớm hơn ngày thường. Các loại thịt được công ty phân bổ về cách ngày nhưng ngay khi nhập hàng về, khách nhanh chóng chọn lựa, mua nhanh trong vòng 1 giờ là sạch trơn.

Theo nhân viên cửa hàng này, khách hàng không đông hơn ngày thường nhưng số lượng đơn hàng của mỗi người thì tăng mạnh, khiến thực phẩm hết hàng sớm. Khách hàng luôn hỏi trong ngày, thịt có về nữa không để mua, dự trữ. Tương tự thịt, các loại rau, củ, quả khi vừa về đến cửa hàng, nhân viên chưa kịp sắp xếp lên kệ, khách hàng nhanh chóng chọn lựa và hết sạch cũng trong vòng 1 giờ.

Bà Mỹ Duyên (phường 2, TP.Tân An) cho biết bà là khách hàng thường xuyên của Vinmart+ bởi các loại thịt, nhất là thịt heo, thịt bò chất lượng khá tốt do có thương hiệu, hạn dùng lâu. Kể cả rau cũng tươi ngon và bảo quản lâu. Tuy nhiên, bà Mỹ Duyên lấy làm tiếc bởi nhu cầu người dân cao hơn mức cung hiện tại của cửa hàng.

Theo bà Nguyễn Bé Tư (phường 4, TP.Tân An), những ngày đầu Long An thực hiện giãn cách xã hội, thực phẩm, nhất là các loại rau, củ, quả nhanh chóng tăng giá và duy trì cho đến thời điểm này. Bình thường, 1kg dưa leo, củ cải đỏ chỉ ở mức 15.000 đồng thì nay tăng lên 30.000 đến 35.000 đồng. Tương tự, các loại rau, quả khác cũng tăng cao: bí đỏ, cải thảo, bắp cải, cà chua,... giá từ 35.000 đến 50.000 đồng/kg, tăng hơn gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.

Giá các loại thịt gà, thịt vịt cũng tăng từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg, có nơi tăng lên 40.000 đồng/kg. Không chỉ rau xanh tăng giá, những ngày qua, trứng gia cầm cũng tăng giá gần gấp đôi so ngày thường, từ 30.000 đến 50.000/10 trứng. Dịch bệnh, người dân lâm vào cảnh khó khăn, thực phẩm tăng giá khiến cho chi phí bữa ăn gia đình tăng.

Nguồn rau, củ, quả tại Long An không thiếu

Theo một chủ vựa rau tại huyện Thủ Thừa, nguồn rau, củ, quả không thiếu, nhất là các mặt hàng được trồng trọt tại Long An và khu vực miền Tây. Tuy nhiên, những ngày này, để đưa hàng ra thị trường tốn rất nhiều chi phí như test xét nghiệm Covid-19, giá xăng tăng, giá nhân công tăng và khan hiếm (do nhân công sợ lây nhiễm bệnh, nghỉ tránh dịch, phải tăng tiền công họ mới làm). Bên cạnh đó, nếu như ngày thường, hàng hóa ra thị trường chỉ sau 1 ngày thu hoạch, thì nay, thời gian kéo dài hơn do khó khăn trong di chuyển, hàng hóa dễ hư tổn sau thu hoạch.

Chị Ngọc Bích, chủ tiệm tạp hóa trên địa bàn phường 4, TP.Tân An lý giải về việc thực phẩm tăng giá như sau: những ngày này, người dân rất hạn chế ra đường và thường mua thực phẩm 1 tuần chỉ 2 đến 3 lần. Ngay sau khi chợ truyền thống đóng cửa, khách hàng đến cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích nhiều hơn. Vì tham lợi nhiều, không ít người bán tự ý tăng giá bán ra, khiến cho giá cả thị trường "leo thang”, mỗi nơi bán một giá khiến cho bà nội trợ méo mặt. Tuy giá cao nhưng hàng hóa luôn hút bởi hàng quán nghỉ bán, nhu cầu ăn uống khi ở nhà là rất cao.

Duy trì cung cấp thực phẩm 

Những ngày này, chợ truyền thống đóng cửa nhưng sạp thịt heo Luốt Thường (đường Lê Văn Tao) do ông Huỳnh Thanh Liêm làm chủ vẫn được duy trì mở cửa cung cấp thực phẩm cho người dân. Theo ông Huỳnh Thanh Liêm, nếu như ngày thường sạp chỉ bán 1 buổi thì nay duy trì suốt ngày, vì vậy khách hàng đừng lo ngại hết hàng.

Thuận lợi của ông là chủ động trong giết mổ (có lò mổ), có liên kết với người dân nuôi heo tại một số xã trên địa bàn TP.Tân An cũng như nguồn heo từ Đồng Nai về thường xuyên. Vì chủ động nguồn hàng nên giá thịt bán ra ở mức từ 120.000 - 180.000 đồng/kg (tùy loại), giá bán tăng bình quân 10.000 đồng/kg để bù cho các chi phí nhân công, thuê mướn người phụ bán thêm.

Ông Liêm cũng cam kết cung ứng đủ nguồn hàng phục vụ người dân trong nhiều tháng cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Vì vậy, người dân cần bình tĩnh, không nên tích trữ và chen lấn khi mua. Khi mua cần giữ khoảng cách an toàn, không tập trung đông người để dễ lây lan dịch bệnh.

Cửa hàng thịt heo Luốt Thường phục vụ người dân với giá bình ổn cả ngày

Phó Giám đốc Sở Công Thương - Châu Thị Lệ cho biết, để giải quyết các khó khăn chung khi chợ truyền thống tạm đóng cửa, sở yêu cầu các doanh nghiệp bán lẻ như Co.op mart, Bách hóa Xanh, San Hà, Vinmart, Vinmart+ tăng lượng cung ứng các mặt hàng lượng thực, thực phẩm đa dạng, bảo đảm an toàn thực phẩm để phục vụ nhu cầu người dân. Bên cạnh đó, Sở Công Thương đang phối hợp các địa phương có nhu cầu tăng các điểm bán hàng lưu động nhằm để lương thực, thực phẩm được cung cấp liên tục, không gián đoạn.

Theo đó, tại huyện Đức Hòa đang có 4 điểm bán hàng lưu động do Công ty TNHH San Hà đảm trách phân bổ nguồn cung. Ngoài ra, sở cũng đang xúc tiến phối hợp một số huyện đưa các chuyến xe lưu động bán hàng với mô hình giao hàng 0 đồng. Các mặt hàng ưu tiên vẫn là lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu bữa ăn hàng ngày.

Tuy nhiên, trên thực tế, các đơn vị kinh doanh bán lẻ đang gặp nhiều khó khăn khi chuyên chở lương thực, thực phẩm thường bị ùn tắc tại các trạm kiểm soát. Hiện tại, doanh nghiệp mong muốn nhanh chóng được cấp logo, luồng xanh để đáp ứng kịp thời nhu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm ra thị trường./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết