Thể hiện một cách chân thật và sinh động lòng kính yêu của nhân dân ta đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh hoặc thể hiện hình ảnh của Người trong một tác phẩm âm nhạc là một việc làm rất khó.
Ở đây đòi hỏi người nghệ sĩ không những phải hiểu biết và rung cảm một cách sâu sắc trước sự nghiệp đấu tranh đầy gian khổ nhưng rất vẻ vang của dân tộc ta, Đảng ta, vì Bác là hiện thân và linh hồn của sự nghiệp đó, mà còn đòi hỏi nghệ sĩ phải hiểu biết và rung cảm sâu sắc với sự nghiệp của Hồ Chủ tịch, những tình cảm lớn lao và phong thái, đạo đức của Người nữa.
Ngay sau ngày tuyên bố độc lập (1945), Lưu Bách Thụ đã viết bài hát “Biết ơn Cụ Hồ” để ca ngợi công ơn của Bác trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bài hát mang sắc thái sử thi, gợi lên hình ảnh của những khu rừng già, ở đó có một vị "tướng quân" đang ngày đêm cùng các "nghĩa binh" luyện tập để chuẩn bị khởi nghĩa:
Trong rừng sâu lập thành chiến lũy.
Đêm ngày ra công cùng chiến sĩ…
Chất trầm hùng của bài hát bắt nguồn từ hào khí dân tộc những ngày quật khởi.
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” của Phong Nhã là một bài hát đáng yêu. Dưới con mắt của các cháu thiếu nhi, Bác Hồ hiện lên rất giản dị, cụ thể và thân thiết: dáng cao cao, người thanh thanh, mắt như sao, râu hơi dài… Ý nhạc và ý thơ thanh thoát và tự nhiên.
Âm nhạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã nảy nở những bông hoa mới trong dòng đề tài ca ngợi lãnh tụ. Từ những thành tựu của giai đoạn trước và từ cái nền rộng lớn của phong trào (tức là những bài ca "19 tháng 5" được sáng tác rất nhiều trong giai đoạn này) đã đặt trước các nghệ sĩ một nhiệm vụ mới: Phải tìm tòi những hình tượng tươi tắn, sinh động hơn nữa để nói lên được một phần nào chiều sâu trong tình cảm của nhân dân với Bác.
Trong Ba Đình nắng của Bùi Công Kỳ và Vũ Hoàng Địch đã có sự gắn bó giữa hình ảnh ngày hội của đất nước với hình ảnh lãnh tụ, giữa bức tranh lịch sử với bức tranh thời sự chiến đấu.
Các tác giả đã gợi lại một lời nói thân thiết của Người trong buổi đọc Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945). "Tôi nói đồng bào nghe rõ không?" và phổ vào đó một giai điệu theo phong cách hát nói ở tầm âm thấp, cho ta hình dung được hình ảnh vĩ đại nhưng vô cùng thân thiết, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong số những bài hát ngợi ca trang nghiêm nhưng cũng rất nồng nàn ta thấy có Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Lưu Hữu Phước và Nguyễn Đình Thi. Phong cách giản dị, súc tích của bài hát làm ta liên tưởng đến phong độ giản dị thân thiết và tâm hồn vĩ đại của một lãnh tụ.
Vài năm sau, bài hát Ca ngợi Hồ Chủ tịch của Đỗ Nhuận ra đời cũng mang một phong thái trang nghiêm, giản dị và thắm thiết như vậy.
Chúng ta còn gặp lại trong thời kỳ này những tiếng hát sôi nổi rộn rã của tuổi trẻ trong bài Cha về là chiến thắng của Vũ Thế Khanh, rồi tiếng hát dịu dàng, ấm cúng qua bài Nhớ ơn Hồ Chủ tịch của Tô Vũ.
Từ chiến trường Nam Bộ xa xôi vang lên một nguyện vọng tha thiết, hồn nhiên trong bài hát viết cho thiếu nhi Mong Bác vào Nam của Hoàng Việt. Và ở chiến trường Liên khu Năm ta thấy có Việt Nam mình có Cụ Hồ Chí Minh của Vân Đông - một bài hát đơn giản, dễ nhớ, gần với phong cách đồng dao, và Nhớ ơn Hồ Chủ tịch của Phan Huỳnh Điểu, viết theo thể hành khúc…
Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của Nguyễn Tài Tuệ làm ta xúc động trước hình ảnh của Bác khi Người trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Bắt đầu từ hình ảnh của "Khuổi Nậm rì rào" và những tầng núi cao mây phủ của cảnh vật thiên nhiên nên thơ nên nhạc của Pác Bó, với một giai điệu uyển chuyển, nhẹ nhàng gần với dân ca Tày, Nùng Việt Bắc, tác giả đã dần dần làm nổi lên hình ảnh hiền từ đẹp đẽ của Bác trước khung cảnh hùng vĩ ấy.
Hoàng Đạm và Hà Té dựa trên ý thơ của Trần Văn Loa đã bổ sung vào bức tranh lụa "Pác Bó" hình ảnh "Suối Lê nin" - một con suối do Bác đặt tên. Coi như một chi tiết trong bức tranh toàn cảnh, chúng tôi thấy ở "Suối Lê nin" nổi lên tính miêu tả, tính tiêu đề qua tiếng "róc rách" của dòng suối mà các tác giả đã đưa vào đoạn âm thanh ở phần sau.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ở Nam Bộ đã có câu ca dao tuyệt đẹp "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Nước Nam đẹp nhất có tên Cụ Hồ”. Câu ca dao trên thật gần gũi với bài hát của Trần Kiết Tường: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người. Dựa trên ý thơ ấy mà giai điệu bài hát bắt đầu với phần đêm như những con sóng đang vờn theo gió một cách ngân vang, trìu mến cho tiếng hò Đồng Tháp cất lên.
Âm thanh của nhạc đệm và giai điệu của tiếng hò đã vẽ lên đầy đủ khung cảnh và tình cảm của con người ở đây, nhưng tác giả vẫn nhắc lại bằng một giai điệu có lời tiếp theo: "trên cánh đồng miền Nam".
Để tăng cường cảm xúc đem đến cho ta một nội dung trọn vẹn, lòng sắt son chung thủy của đồng bào miền Nam ruột thịt đối với cách mạng, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.
Điểm tích tụ của một dòng đề tài là đã diễn ra sau ngày Bác mất: một điều thực rất cảm động là ngay sau những ngày đó, rất nhiều sáng tác đã ra đời. Trong những năm trước đây chúng ta đã có nhiều bài dân ca của miền xuôi, miền núi được sáng tác ra để ca ngợi Bác như Mặt trời mọc (dân ca Dáy), Nghe cụ Hồ khuyên (dân ca Nùng), Nhờ có Cụ Hồ (dân ca Ba na), Nhờ công cụ Hồ (dân ca H'mông), Bản ta hoa nở (dân ca Tày) và nhiều bài hát khác nữa. Nhưng chỉ đến khi bài hát Trông cây lại nhớ đến Người (dân ca Nghệ Tĩnh do Đỗ Nhuận chỉnh lý và soạn lời) ra đời thì dòng âm nhạc dân gian mới có một vị trí xứng đáng trong dòng đề tài này.
Người là niềm tin tất thắng của Chu Minh là một trong những sáng tác được quần chúng ghi nhớ khi Bác qua đời, tiếp đó là Tây Nguyên nhớ bác Hồ của Lê Lôi Việt Bắc nhớ Bác Hồ của Phạm Tuyên. Trong thể loại hành khúc và hợp xướng, chúng ta thấy có Bác đời đời vẫn sống (Văn Chung). Ánh sao sáng mãi bầu trời (La Thăng), Lời thề son sắt (Nguyễn Đình Tấn).
Trong thể loại này, chúng ta thấy nổi bật lên tác phẩm của Huy Thục Bác đang cùng chúng cháu hành quân. Ngậm ngùi và đau xót trước cái mất mát chung của đất nước và dân tộc, mỗi chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang và mỗi người dân quyết biến đau thương thành hành động, bước tiếp con đường cách mạng mà Bác đã vạch ra. Chính vì vậy mà Bác vẫn có mặt trong cuộc hành quân trùng điệp của quân và dân bằng nét nhạc trầm hùng và sâu lắng.
Những năm về sau, khi đất nước đã thống nhất, các sáng tác mới viết về Bác, ca ngợi Bác tiếp tục ra đời. Nhiều tác phẩm đã nói lên hình tượng Bác Hồ vẫn sống bên ta, cùng chúng ta đi vào những chiến tuyến mới - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa: Bên tượng đài Bác Hồ (Lư Nhất Vũ và Lê Giang), Viếng Lăng Bác (Hoàng Hệp và Viễn Phương), Bên Lăng Bác Hồ (Dân Huyền), Từ rừng xanh cháu về thăm Lăng Bác (Phan Long)…
Trong những ngày vui đại thắng năm 1975, chúng ta tìm thấy hình ảnh của Bác sống trong niềm vui lớn của dân tộc trong các tác phẩm Như có Bác trong ngày đại thắng của Phạm Tuyên, Tiếng hát thành phố mang tên Người của Cao Việt Bách và Đăng Trung, Sài Gòn thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng củaThanh Phúc…
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người còn là nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế. Chính vì vậy mà hình ảnh của Người rất gần gụi và thân thiết đối với nhân dân và loài người tiến bộ.
Tình cảm đó cũng được thể hiện một phần trong nhiều tác phẩm âm nhạc của nhiều nhạc sĩ trên thế giới viết về Người. Ở đây, chúng ta tìm thấy những giai điệu xúc động trong Bài ca về đồng chí Hồ Chí Minh của nhà soạn nhạc Xô Viết lão thành Vla - đi - mia Phê - rê, rồi những nét nhạc tôn nghiêm nhưng rất đầm ấm trong Khúc điếu ca kính dâng Bác Hồ của nhạc sĩ Cu Ba Các - lốt Pu - ê - bla, niềm lạc quan tin tưởng vào sự tất thắng của nhân dân Việt Nam do Người soi sáng như Bài ca Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Anh E - oan Mác - côn…
Với những thành tựu đã đạt được chúng ta hy vọng rằng hình ảnh vĩ đại, cao đẹp của Bác Hồ sẽ được các nhạc sĩ miêu tả sâu sắc và sinh động hơn nữa. Và không chỉ trong ca khúc, hợp xướng, mà có trong những thể loại lớn khác của nền âm nhạc Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc đang không ngừng đổi mới và phát triển./.
Theo VOV.VN (Nhạc sĩ Dân Huyền)