Tiếng Việt | English

09/02/2023 - 13:30

Bàn về nông nghiệp ven đô và kinh tế sinh vật cảnh

TP.Tân An, tỉnh Long An với đề án Phát triển nông nghiệp ven đô (NNVĐ) giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1401, ngày 29/4/2014, triển khai, thực hiện từ năm 2015. Trên “bức tranh” tổng thể này có phần cho phát triển kinh tế sinh vật cảnh (SVC). Thế nhưng...

Chưa triển khai, thực hiện?

Trước Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, anh bạn nhà báo ở TP.HCM xuống gặp người viết rủ đi xem “bức tranh” NNVĐ của TP.Tân An. Điểm đến đầu tiên là phường Khánh Hậu. Chúng tôi được Chủ tịch Hội Nông dân (HND) phường đưa đi gần giáp vòng vùng rìa phường mà chỉ thấy các công trường xây dựng đường giao thông và các công trình kiến trúc đô thị, ngoài ra là đồng lúa và một ít ruộng trồng rau, màu như hồi nào...

Một nhà vườn ở ngoại vi TP.Tân An

Sang một số xã/phường ven đô TP.Tân An, tuy chưa thành “bức tranh” NNVĐ nhưng cũng có một số sân/ vườn SVC và đường hoa do các đoàn thể thực hiện. Một số nơi trồng cả vườn mai vàng ước đến trăm cây nhưng trồng tự phát, chưa theo quy hoạch nào của đề án NNVĐ. Hỏi về NNVĐ, cán bộ HND xã/ phường còn tỏ vẻ ngạc nhiên.

Đề án NNVĐ gồm nhiều loại hình nông nghiệp, trong đó, phần đất dành cho SVC từ 35.000m2 năm 2015, đến năm 2020 là 160.423m2 và năm 2030 là 300.000m2, trong đó, diện tích nuôi cá cảnh đến năm 2030 là 61.250m2.

Hiệu quả kinh tế sinh vật cảnh nhìn từ mảnh đất ít ỏi của tỉ phú cá cảnh

Với diện tích đất chỉ vài ngàn mét vuông để ươm nuôi và nhân giống các loại cá cảnh, mỗi năm, kỹ sư Hồ Nhuận Đăng Sơn (phường 3, TP.Tân An) thu lợi nhuận trên 2 tỉ đồng và tạo việc làm cho một số lao động địa phương.

Tiến sĩ khoa học Trần Duy Quý (Viện Nghiên cứu Kinh tế nông nghiệp Việt Nam) cho biết, trên cùng một diện tích đất, nếu trồng hoa và cây cảnh sẽ thu lợi nhuận bình quân gấp hơn 3,5 lần so với trồng các loại cây khác. Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho biết, hiện nay, trong nước đã có nhiều mô hình trồng hoa và cây cảnh đạt lợi nhuận từ 800 triệu đến 2,5 tỉ đồng/ha/năm. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường đã “bỏ phố về làng” khởi nghiệp trồng hoa và cây cảnh mà trở thành tỉ phú.

Sinh vật cảnh cho du lịch

TP.HCM và một số tỉnh, thành Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã lấy SVC làm sản phẩm du lịch sinh thái, trở thành mũi nhọn của nền kinh tế địa phương. Như Làng hoa Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) luôn là điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, nhất là vào dịp khai hội làng hoa nổi tiếng này, khách đến tham quan đông nườm nượp, làm cho các dịch vụ kinh doanh ăn uống, giữ xe, bán hàng lưu niệm,... mọc lên như nấm gặp mưa.

Tại TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, một nhà vườn SVC đã biến khu vườn hoa kiểng của mình diện tích 3ha thành một điểm du lịch sinh thái rất “ăn khách”. Du khách đến đây sẽ mãn nhãn với các mảng vườn lan quý và các chủng loại hoa, cây cảnh độc, lạ khác. Trong vườn còn có các ao cá cảnh, ao nuôi cá đồng để khách câu giải trí và các loài hoa thủy canh, những lồng chim cảnh, cu gáy, gà cảnh,... Trong vườn còn có nhà trưng bày các loại nông cụ thời khẩn hoang đất phương Nam và các dụng cụ đánh bắt thủy sản trên đồng ruộng, dưới sông sâu. Có một hầm rượu khá to, bằng gỗ đặt ngầm dưới mặt đất mà khách tham quan bước xuống không khỏi giật mình trước những vò rượu thủy tinh trong suốt hiện rõ những con rắn dữ ngóc đầu lên như chực mổ vào người. Ấn tượng nữa là các dụng cụ chứa rượu cổ, cung đình và dân dã,... Nói chung là nơi đáng để khách du lịch trải nghiệm.

Trong khi, tại xã Hướng Thọ Phú - ven đô TP.Tân An, người viết được mách bảo có một điểm du lịch sinh thái mới mở. Tìm đến, thấy cổng chào hiện rõ hàng chữ “Khu du lịch sinh thái”. Một đường bê tông dài hun hút chạy giữa 2 dãy lều lá khép kín. Mỗi lều chỉ chừa một lối ra vào, trong lều là bàn ghế, có xuồng để đi lại giữa các lều nằm trên mặt nước. Không thấy cảnh quan sinh thái miệt vườn nào. Khách đến ăn nhậu là chính?

Vừa mới rồi, người viết có gặp mấy nông dân ở kinh Bắc Chan (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường). Họ trầm trồ về một trang trại đa dạng sinh học - do một vị tướng về hưu đầu tư xây dựng trên đất bưng biền. Ở đó tập trung nhiều loại hình nghệ thuật SVC, ấn tượng nhất là những cây kiểng và cây phong cảnh cổ thụ lâu năm, nhất là các ao nuôi các giống cá độc, lạ của sông Mêkông,... Hứa hẹn sẽ là một điểm du lịch sinh thái độc đáo ở vùng Đồng Tháp Mười.

Nghề chơi vẫn phải học

Từ nhiều năm nay, một số người yêu thích SVC ở TP.Tân An đã tự bỏ tiền ra đi học các khóa trồng hoa lan và cây cảnh của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Để phát triển “nghề chơi mà hái ra tiền” này, với đội ngũ nghệ nhân dày dạn và giỏi nghề, Hội SVC tỉnh Long An đang chuẩn bị mở lớp đào tạo nghệ thuật SVC cho từng bộ môn mình có. Thiết nghĩ, trong phát triển NNVĐ TP.Tân An cần phải có sự hiện diện của ngành SVC, để cùng đóng góp. Chứ trong “bức tranh” tổng thể NNVĐ của TP.HCM, tại ngoại vi quận 8, giữa mùa hè nóng bức, người viết chứng kiến cảnh phụ huynh dắt tay con em mình đi từng nhóm tham quan, hóng mát, thưởng thức các loại SVC được bố trí hài hòa từ chim, cá cảnh, gà cảnh, chó cảnh,... đến hang động nhân tạo, tiểu cảnh, non bộ, bonsai lớn, trung, nhỏ, cực nhỏ,... Đặc biệt, bể cá Koi trang trí đá cảnh nhiều màu, chốc chốc dậy lên tiếng hò reo của lũ trẻ con vốc thức ăn ném xuống bể cho từng bầy cá ùa tới tranh ăn, nhào lộn dưới mặt nước vô cùng ngoạn mục.

Hồ cảnh của Câu lạc bộ Bonsai, Hội Sinh vật cảnh tỉnh Long An

Với lợi thế đô thị trên sông nước có thể kết nối với TP.HCM và màu xanh của các địa phương lân cận, NNVĐ của TP.Tân An còn nhiều hứa hẹn tạo dựng một nền nông nghiệp xanh và tuần hoàn theo hướng công nghệ cao. Tin rằng, đề án NNVĐ TP.Tân An không để lỡ nhịp nữa, mà hình thành như kỳ vọng đặt ra trong đề án đã được UBND tỉnh ban hành hơn 8 năm rồi, rất cần được hiện thực hóa cho kịp nhịp điệu phát triển thành phố lên loại cao hơn./.

Quang Hảo

Chia sẻ bài viết