Năm hết, tết đến, tình hình giao thương, vận chuyển hàng hóa, đi lại nhộn nhịp, vì vậy, an toàn giao thông (ATGT) là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người. Làm sao bảo đảm ATGT, giảm đến mức thấp nhất tai nạn giao thông (TNGT) chính là sự quan tâm của các cấp, các ngành và của tất cả mọi người.
Nhìn lại năm 2022, chúng ta không khỏi lo lắng trước tình hình TNGT, dù tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông” vẫn được đặt ra hàng đầu. Năm nay, toàn tỉnh xảy ra 132 vụ TNGT, tăng trên 3,1% so cùng kỳ năm 2021; 80 người chết, tăng 12,67%; bị thương 70 người, giảm 10,25% so cùng kỳ năm 2021. Tổng thiệt hại tài sản gần 1 tỉ đồng.
Trong các vụ TNGT, đường bộ xảy ra 130 vụ, tăng về số vụ, số người chết, giảm số người bị thương so cùng kỳ năm 2021. Tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (trên địa phận của tỉnh Long An) và các tuyến quốc lộ xảy ra nhiều vụ TNGT. Về nguyên nhân, chủ yếu do phương tiện chạy không đúng phần đường, làn đường, chuyển hướng sai quy định, không chú ý quan sát. Nam giới gây ra hầu hết các vụ TNGT. Phần lớn TNGT xảy ra vào ban đêm.
Theo ngành chức năng, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông ở một số địa phương, nhất là trên địa bàn nông thôn chưa được duy trì thường xuyên, chưa sát với thực tế và chưa đến được đối tượng cần tuyên truyền. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên địa bàn nông thôn, đường liên ấp, liên xã đạt hiệu quả chưa cao. Từ đó, TNGT trên địa bàn nông thôn có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp trong dịp nghỉ tết.
Trước tình hình trên, năm 2023, Ban ATGT tỉnh tiếp tục đề ra mục tiêu giảm từ 5% cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương); đồng thời, tập trung phòng tránh TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe tải nặng, xe khách, xe container gây ra và các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn nông thôn do xe môtô gây ra.
Ban ATGT tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác bảo đảm trật tự, ATGT ngay từ đầu năm, trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 và mùa lễ hội xuân. Trong các giải pháp, cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện cho mọi tầng lớp nhân dân,...
Bên cạnh đó, Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, ATGT. Tiếp tục tập trung xử lý đối với lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy; vi phạm quy định về an toàn, kỹ thuật, chở quá tải, quá số người quy định; vi phạm quy định bắt buộc đội nón bảo hiểm khi đi xe môtô, xe gắn máy và các hành vi vi phạm khác là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, ùn tắc giao thông. Riêng đối với việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, cần chủ động bố trí lực lượng tăng cường nắm tình hình tuyến, địa bàn, đổi mới phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát tập trung vào khung giờ thường xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng (từ 18 giờ đến 5 giờ sáng) để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm; gắn với tuyên truyền, nhất là các trường hợp không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn, ma túy để người dân đồng thuận, ủng hộ mục đích của việc kiểm soát;…
TNGT luôn luôn là mối quan tâm, lo lắng của người tham gia giao thông bởi để lại những hậu quả nặng nề về KT-XH; là nguyên nhân đưa nhiều gia đình, nhiều người vào hoàn cảnh khó khăn chồng chất khi bị TNGT ảnh hưởng sức khỏe, vướng vòng lao lý, mất sức lao động, gia đình ly tán, trẻ em phải nghỉ học,…
Dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 đang đến rất gần, vấn đề an toàn sức khỏe, tính mạng càng được quan tâm đặt lên hàng đầu. Do vậy, mọi công dân khi tham gia giao thông cần hết sức trách nhiệm với bản thân, gia đình và người khác; thực hiện văn hóa giao thông, chấp hành nghiêm và vận động người thân thực hiện quy định của pháp luật về giao thông;... Đó chính là điều kiện quan trọng để mọi người đón xuân, vui tết an toàn, ý nghĩa./.
Tân An