Tiếng Việt | English

20/12/2022 - 08:57

Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

Dịp tết, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cũng được nhiều người quan tâm hơn. Nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe người dân, tăng cường ý thức chấp hành của các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, các cơ quan chức năng trong tỉnh Long An tập trung thanh, kiểm tra, siết chặt quản lý ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Tăng cường công tác quản lý

Vào mỗi dịp tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, kéo theo việc sản xuất, kinh doanh và vận chuyển các mặt hàng thực phẩm cũng tăng lên. Đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong năm, nhất là: Thịt, cá, trứng, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát,... Hiện các cơ sở bánh, mứt, kẹo truyền thống trong tỉnh tất bật sản xuất để kịp cung cấp hàng cho dịp Tết Nguyên đán sắp đến. Các sản phẩm đưa ra thị trường ngày càng đa dạng hơn cả về số lượng, mẫu mã và chủng loại, song chất lượng có bảo đảm ATTP hay không thì “hạ hồi phân giải”.

Công tác thanh, kiểm tra được chú trọng thực hiện để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

Một điều đáng lo ngại là việc sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ một cách “vô tội vạ”, quá liều lượng cho phép, nhất là trong sản xuất, chế biến các loại mứt. Những hóa chất trong phẩm màu có thể gây ngộ độc và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của con người. Cùng với đó là việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, vi sinh vật có hại trong rau, trái và tồn dư chất cấm, kháng sinh trong thịt gia súc, gia cầm, thủy sản còn hạn chế.

Bên cạnh nguồn hàng sản xuất tại chỗ, phần lớn hàng hóa trên thị trường được nhập từ các địa phương khác về tiêu thụ. Theo số liệu thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, toàn tỉnh hiện có 11.375 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; trong đó, sản xuất, chế biến là 2.028 cơ sở; dịch vụ ăn uống là 6.867 cơ sở (bao gồm các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố); kinh doanh 2.480 cơ sở.

Để bảo vệ sức khỏe cho người dân khi Tết Nguyên đán đang gần kề, công tác bảo đảm ATTP được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện. Giám đốc Sở Y tế - Huỳnh Minh Phúc cho biết: “Ban Chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân năm 2023. Cụ thể, thời gian triển khai từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 12/3/2023 trên phạm vi toàn tỉnh. Các hoạt động chủ yếu tập trung vào công tác tuyền thông về ATTP và tổ chức thanh, kiểm tra. Trong đó, tuyến tỉnh sẽ có các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về ATTP”.

Công tác thanh, kiểm tra được chú trọng thực hiện để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm

Mục tiêu của các hoạt động này nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm. Tăng cường thanh, kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến cấp huyện, xã, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các địa phương có cửa khẩu. Đồng thời, huy động tối đa các kênh truyền thông, phổ biến những quy định của pháp luật về ATTP cũng như kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân.

10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn:

1. Chọn thực phẩm an toàn.

2. Nấu chín kỹ thức ăn.

3. Ăn ngay sau khi nấu.

4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín.

5. Nấu lại thức ăn thật kỹ.

6. Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống.

7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.

8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn.

9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác.

10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn.

Nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm

Với những người nội trợ, việc sắm sửa để mâm cơm ngày tết được tươm tất rất quan trọng. Vì vậy, chất lượng, ATTP, giá cả phù hợp là điều mà rất nhiều người nội trợ quan tâm. “Để trở thành người nội trợ thông minh không dễ vì hiện nay, thực phẩm sử dụng chất bảo quản, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng,... tràn lan. Không riêng gì tôi mà những người nội trợ khác cũng rất băn khoăn làm thế nào lựa chọn được thực phẩm an toàn, đầy đủ dinh dưỡng cho cả nhà” - chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An) bày tỏ.

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng về ATTP, các cơ quan chức năng phối hợp các cấp chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, kiến thức, thái độ, thực hành về ATTP. Là một trong những hộ kinh doanh luôn tuân thủ đầy đủ các quy định về ATTP, chị Tống Ngọc Mỹ Linh - chủ Cơ sở lạp xưởng Kim Huệ (khu phố 1, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Cùng với công thức gia truyền trên 70 năm kinh nghiệm, gia đình tôi luôn đặt yếu tố sức khỏe của người tiêu dùng lên hàng đầu. Do đó, các nguyên liệu sử dụng trong sản xuất lạp xưởng đều được lựa chọn kỹ. Các khâu sơ chế, chế biến cho đến khi đóng gói sản phẩm luôn bảo đảm quy định về ATTP. Sản phẩm lạp xưởng, nem nướng được kiểm định chất lượng định kỳ. Năm 2022, nguồn nguyên liệu, cước vận chuyển cao hơn các năm trước nhưng chúng tôi vẫn cân đối để giữ giá bán ổn định như mọi năm và nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng ngày càng tốt hơn”.

Mỗi người dân cần lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng

Nhờ tích cực triển khai các giải pháp bảo đảm ATTP nên thời gian qua, tình hình thị trường, chất lượng hàng hóa ổn định, không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, mất ATTP trên địa bàn tỉnh. Qua công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của cơ quan quản lý, góp phần ổn định giá cả, ngăn chặn kịp thời hàng hóa kém chất lượng. Tuy nhiên, ngoài sự vào cuộc quyết liệt này, mỗi người dân cần nói “không” với thực phẩm không an toàn; đồng thời, cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ mất ATTP cho cơ quan chức năng để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình, để mọi người, mọi nhà hưởng một cái tết ý nghĩa, an toàn./.

Nhằm bảo đảm cho người dân đón tết vui tươi, nhất là an toàn về thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tăng cường công tác quản lý, phối hợp các ngành, địa phương đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, các thông điệp bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán. Phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do ngành Y tế quản lý để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa quá hạn sử dụng,... Các đoàn kiểm tra sẽ lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm và sẽ xử lý cơ sở khi mẫu kiểm nghiệm không đạt yêu cầu”.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh - Đoàn Thanh Chiến

Hiện công ty (Cty) có nhiều sản phẩm như dưa kiệu, mắm cà pháo, dưa gang, dưa leo, đu đủ và các loại nước chấm như nước mắm, mắm nêm,... được khách hàng ưa chuộng vào dịp tết. Đối với Cty, bên cạnh uy tín, lợi nhuận thì chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, Cty luôn bảo đảm các tiêu chí ATTP trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Tất cả nguyên liệu đầu vào đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Công nhân làm việc tại Cty đều được trang bị bảo hộ lao động, khám sức khỏe đúng quy định”.

Giám đốc sản xuất, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bà Ba Thạo (xã Tân Lân, huyện Cần Đước) - Bùi Minh Đăng

Các mặt hàng tết hiện nay rất đa dạng để người tiêu dùng thỏa sức lựa chọn. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng, tôi chọn mua các mặt hàng có thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng ở những cửa hàng uy tín. Đồng thời, xem kỹ các thông tin trên sản phẩm để tránh mua những mặt hàng kém chất lượng, không an toàn cho sức khỏe”.

Bà Trần Thị Lệ Nga (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa)

Huỳnh Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích