Tổ chức thu gom chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch Covid-19
Không để rác thải tồn đọng
Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải luôn được các cấp lãnh đạo quan tâm, chú trọng thực hiện, nhất là trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, nếu không được xử lý tốt, nguy cơ gây ô nhiễm, phát sinh mầm bệnh rất cao. Tỉnh đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo cụ thể cho từng sở, ban, ngành phối hợp các địa phương tổ chức quản lý, xử lý chất thải và vệ sinh môi trường trong phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, Sở TN&MT chủ động phối hợp Sở Y tế, UBND các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai thu gom, vận chuyển, xử lý toàn bộ lượng chất thải, rác thải tồn đọng. Trước khi các địa phương hoàn thành, đưa vào vận hành lò đốt rác (theo chỉ đạo của UBND tỉnh Long An), Sở TN&MT phối hợp đơn vị chức năng tổ chức thu gom, bảo đảm xử lý toàn bộ chất thải phát sinh tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly,... trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện lấy mẫu để theo dõi, kiểm tra chất lượng nước thải tại khu vực cách ly, bệnh viện dã chiến,...
Theo Trưởng phòng TN&MT thị xã Kiến Tường - Huỳnh Thanh Tâm, lượng chất thải phát sinh, tồn đọng trong phòng, chống dịch bệnh được địa phương phối hợp Sở TN&MT thu gom, xử lý triệt để (khoảng 19 tấn). Tất cả chất thải rắn phát sinh tại các khu vực nêu trên tại huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường sẽ được thu gom, vận chuyển về xử lý tại thị xã Kiến Tường. Hiện nay, lò đốt rác có công suất 1,5 tấn/ngày và lò vi sóng 300kg/ngày trên địa bàn đã hoàn thành, đưa vào vận hành, bảo đảm xử lý toàn bộ chất thải phát sinh.
Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Hòa - Phan Văn Tâm cho biết, địa phương xây dựng kế hoạch và giải pháp quản lý, thu gom, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19. Huyện sẽ phân loại chất thải tại các cơ sở điều trị, khu vực cách ly, phong tỏa,... để xử lý. Hiện nay, huyện tập trung hoàn thành lò đốt rác (công suất 1,5 tấn/ngày và lò vi sóng 200kg/ngày) xử lý chất thải phát sinh trên địa bàn huyện và Đức Huệ. Trước mắt, lượng chất thải phát sinh đang được đơn vị do Sở TN&MT ký hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý, trung bình từ 3-5 tấn/ngày.
Thông tin từ Sở TN&MT, Sở phối hợp đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải phát sinh do dịch Covid-19 tồn đọng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 12/8, lượng chất thải phát sinh trên 220 tấn đã được thu gom, vận chuyển và xử lý, bảo đảm về môi trường. Trong thời gian chờ lò đốt chất thải mới hoàn thành, đưa vào vận hành, Sở tiếp tục phối hợp đơn vị có chức năng tổ chức thu gom chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh (tại các điểm theo Kế hoạch 2334/KH-UBND, ngày 22/7/2021).
Mặt khác, Sở TN&MT xây dựng Kế hoạch lấy mẫu nước thải tại các cơ sở điều trị và Khu cách ly tập trung tại 71 điểm trên địa bàn tỉnh. Mục đích là kiểm tra, lấy mẫu giám sát các thông số vi sinh trong nước thải sau xử lý tại các khu cách ly y tế tập trung và các bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh, theo dõi kịp thời, chỉ đạo hướng xử lý khi có dấu hiệu bất thường hoặc các thông số vượt quy chuẩn quy định. Sở phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) để phân tích chất lượng nước thải.
Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm từ 10-50% lượng chất thải phát sinh (Trong ảnh: Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp, hỗ trợ phân loại tại nguồn các hàng hóa, nhu yếu phẩm trước khi đưa vào các bệnh viện dã chiến, nơi điều trị, khu cách ly,...)
Phân loại tại nguồn giúp giảm lượng chất thải và chi phí xử lý
Giám đốc Sở TN&MT - Võ Minh Thành thông tin: Sở phối hợp Công ty Cổ phần Công nghệ An Huy thu gom, xử lý toàn bộ lượng chất thải tồn đọng tại các cơ sở điều trị, khu cách ly y tế tập trung và thu gom, xử lý lượng rác phát sinh hàng ngày trong thời gian lò đốt chất thải rắn chưa đưa vào vận hành, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế được tình trạng ô nhiễm, tránh phát tán mầm bệnh.
Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thu gom, khối lượng chất thải rắn cần xử lý hàng ngày rất lớn (khoảng 16,2 tấn/ngày), trong đó khối lượng lớn phát sinh chủ yếu từ các nguồn như vỏ trái cây dày, chai thủy tinh, lon nhôm, hộp giấy đựng thức uống các loại do người thân bên ngoài chuyển vào cho người bệnh, người đang cách ly. Tiếp đến là do tâm lý của người bệnh ăn không được nhiều nên lượng thức ăn dư thừa mỗi ngày cũng nhiều; phần còn lại là các đồ bảo hộ như khẩu trang, quần áo, găng tay, giấy, nhựa,…
Mặt khác, tại một số khu cách ly y tế tập trung, các loại chất thải chưa được bỏ vào túi đựng buộc kín miệng và tiếp tục bỏ vào túi đựng thứ 2 đúng theo quy định; khu vực tập kết chất thải còn bố trí gần khu dân cư hoặc thùng rác không có nắp đậy kín nên lẫn nước khi trời mưa, làm tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh.
Sở TN&MT có văn bản đề nghị các đơn vị chỉ đạo kịp thời đến ban giám đốc/ban điều hành cơ sở điều trị, khu cách ly y tế tập trung thực hiện một số nội dung, trong đó, hướng dẫn và thường xuyên nhắc nhở mọi người trong khu cách ly phải thực hiện việc vệ sinh bên trong của từng phòng, khu vực hành lang để bảo đảm sức khỏe, an toàn trong phòng, chống dịch bệnh; bỏ rác vào túi bên trong thùng rác của từng phòng và buộc chặt miệng túi trước khi mang ra khỏi phòng. Tại khu vực bên ngoài, cần bố trí thùng chứa để thu gom rác thải phát sinh và chuyển xử lý như rác sinh hoạt thông thường.
Tại thời điểm đưa chất thải lên phương tiện vận chuyển, xử lý phải được phun khử khuẩn để bảo đảm an toàn cho người thực hiện. Rà soát lại các khu vực có phát sinh nước thải, các biện pháp thu gom nước thải phải triệt để về khu vực xử lý tập trung và việc vận hành châm hóa chất khử trùng phải bảo đảm đúng liều lượng và liên tục 24/24 giờ (có người theo dõi và sổ ghi lại khối lượng hóa chất sử dụng mỗi ngày). Tuyệt đối không để lẫn và chuyển chất thải có thành phần nguy hại tại các cơ sở điều trị, khu cách ly y tế tập trung xử lý chung với rác thải sinh hoạt tại khu vực.
“Việc phân loại rác tại nguồn có vai trò, hiệu quả rất lớn trong việc giảm lượng chất thải phát sinh trong phòng, chống dịch bệnh. Minh chứng, khi phân loại tại nguồn, lượng chất thải tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung,... giảm đáng kể, từ 10-50%, trung bình giảm 30%, mỗi ngày tiết kiệm được khoảng 100 triệu đồng chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải. Để thực hiện đạt hiệu quả, Sở cử cán bộ phối hợp các địa phương và có văn bản hướng dẫn, phân loại ngay từ đầu trong việc tiếp nhận các hàng hóa, nhu yếu phẩm trước khi chuyển vào các khu cách ly, bệnh viện dã chiến,... nhằm phân loại rác tại nguồn, hạn chế chất thải phát sinh, tạo thuận lợi trong quá trình thu gom, xử lý” - Giám đốc Sở TN&MT - Võ Minh Thành nhấn mạnh./.
Thanh Mỹ