Từ xưa đến nay, nghề giáo được xem là một trong những nghề cao quý. Thầy, cô giáo được ví như người đưa đò, cần mẫn đưa hết lớp học trò này đến lớp học trò khác qua sông, đến bến bờ tri thức.
Thực tế, ngày nay, thầy, cô giáo dù đứng trước bao nhiêu khó khăn vẫn cố gắng truyền thụ kiến thức cho học sinh. Bên cạnh đa số học trò chăm ngoan, vẫn còn một bộ phận ngỗ nghịch, xem thường đạo lý “Tôn sư trọng đạo” dẫn đến những sự việc đau lòng như học trò vô lễ, xúc phạm thầy, cô giáo.
Gần đây, vụ việc một cô giáo ở Trường Tiểu học Bình Chánh, huyện Bến Lức phải quỳ xin lỗi phụ huynh vì đã phạt học sinh (con của họ) quỳ gối, làm xôn xao dư luận. Đó là biểu hiện rõ nét về sự xuống cấp về đạo đức xã hội, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của giáo viên. Chuyện về cô giáo bị buộc phải quỳ xin lỗi phụ huynh trở thành “dấu lặng” của ngành giáo dục, là câu chuyện buồn ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy và đi ngược lại giá trị đạo đức của dân tộc. Phải kiên quyết với cách hành xử của phụ huynh ấy và hãy trả lại hình ảnh cao quý của người thầy như lời của John Ernst Steinbeck, Jr. (một tiểu thuyết gia người Mỹ): “Tôi vẫn tin rằng, người thầy vĩ đại là một người nghệ sĩ và cũng hiếm có như bao nghệ sĩ vĩ đại khác. Đó có thể là đỉnh cao của nghệ thuật vì phương tiện truyền tải là trí óc và tinh thần nhân loại”.
Nghề dạy học mãi mãi là nghề khai tâm, khai trí, khai đức, đào tạo nên con người, được ví là nghề “trồng người”. Ông cha ta bao đời nay vẫn dạy “không thầy đố mày làm nên”. Qua đó, cho thấy, người thầy đóng vai trò quan trọng như thế nào trong xã hội. Thiết nghĩ, nghề giáo, thầy, cô giáo phải được tôn trọng và mỗi người phải có trách nhiệm giữ gìn nét đẹp thanh cao, trong sáng của nghề giáo./.
Khánh Phương