Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để phòng bệnh tay - chân - miệng
Không để lan rộng
TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ do các chủng virút thuộc họ virút đường ruột (Coxsackie nhóm A (A16), nhóm B, ECHO và Enterovirus - EV71) gây ra. Tại Việt Nam, TCM là bệnh lưu hành quanh năm.
Theo các chuyên gia, bệnh TCM có 4 giai đoạn: Ủ bệnh (hầu như không có triệu chứng), khởi phát (sốt, có trường hợp mệt mỏi, uể oải, quấy khóc), toàn phát (loét miệng, họng, phát ban, có bóng nước ở bàn tay, bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông) và lành bệnh.
Đặc biệt, trong giai đoạn toàn phát, những biến chứng nặng có thể xảy ra nên cần chú ý nếu trẻ có trạng thái lơ mơ, ngủ giật mình, thay đổi tri giác hoặc sốt cao liên tục, nôn ói, khó thở, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu để phân biệt giữa bệnh TCM và bệnh thủy đậu là những nốt phỏng nước do bệnh TCM tập trung tại lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối. Trong khi bệnh thủy đậu thì xuất hiện các nốt phỏng nước mọc rải rác toàn thân. Nốt phỏng nước do bệnh TCM không đau trong khi nốt phỏng nước do bệnh thủy đậu thường đau nhiều, to, mỏng hơn và gây ngứa.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay - chân - miệng, cần đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị
Trong 5 tuần gần đây, dịch bệnh TCM có dấu hiệu gia tăng trên địa bàn tỉnh Long An. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có hơn 780 trường hợp mắc bệnh TCM, tăng 3,9 lần so cùng kỳ năm 2023. Các địa phương ghi nhận số trường hợp mắc bệnh TCM cao như huyện: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức và Cần Đước.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Hữu Dũng, thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh truyền nhiễm gia tăng, trong đó có bệnh TCM.
Để ngăn dịch bệnh lây lan rộng, ngành Y tế phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học, tập trung vào các trường mầm non, điểm giữ trẻ, khu vực nhà trọ,... Qua đó, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh, điều kiện vệ sinh tại các cơ sở giáo dục để phòng bệnh cho trẻ.
Để tích cực phòng, chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh TCM đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
1. Vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
2. Vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ cần bảo đảm đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải bảo đảm được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
3. Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang,
mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
4. Thu gom và xử lý chất thải của trẻ: Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
5. Theo dõi phát hiện sớm: Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.
6. Cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh: Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ nhằm kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác, đưa ngay trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
|
Giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh
Huyện Đức Hòa có số ca mắc bệnh TCM cao nhất trong tỉnh. Để khống chế dịch bệnh cũng như giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh TCM, Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa phối hợp triển khai nhiều giải pháp phòng, chống.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa - bác sĩ Lê Văn Tài thông tin: “Trung tâm phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mầm non đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho giáo viên (GV), phụ huynh về các biện pháp phòng bệnh; quản lý chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp bệnh TCM ở trẻ để xử lý kịp thời, tránh lây lan cho trẻ khác trong nhà trường cũng như cộng đồng; đồng thời, phối hợp tổ chức tập huấn cho GV có thêm kiến thức để chủ động phòng bệnh trong trường học”.
Để phòng bệnh tay - chân - miệng cần thường xuyên lau sạch các bề mặt bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường
Bên cạnh sự vào cuộc của ngành Y tế, các cơ sở giáo dục cũng chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Chủ lớp mầm non độc lập Thanh Long (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa) - Phạm Thanh Long chia sẻ: “Vào mỗi sáng khi đón trẻ, GV kiểm tra các dấu hiệu của bệnh TCM và sử dụng dung dịch sát khuẩn hoặc nước rửa tay để khử khuẩn cho trẻ. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh TCM, GV thông báo cho phụ huynh đưa trẻ đi khám, điều trị đến khi khỏi bệnh mới đưa đi học để tránh lây cho trẻ khác.
Cùng với đó, chúng tôi vệ sinh, tẩy rửa lớp, đồ dùng, đồ chơi của trẻ thường xuyên bằng dung dịch Cloramin B”.
Vệ sinh đồ chơi, dụng cụ học tập để phòng bệnh tay - chân - miệng cho trẻ
Tại Trường Mầm non 1/6 (phường 1, TP.Tân An), công tác tuyên truyền về các loại bệnh trẻ thường gặp theo mùa, đặc biệt là bệnh TCM được thực hiện thường xuyên. “Qua tuyên truyền giúp phụ huynh nâng cao ý thức về phòng bệnh cho trẻ. Khi trẻ đến trường, GV nhắc nhở trẻ giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi đi ăn, sau khi đi vệ sinh và tham gia các hoạt động ngoài trời.
Tại các góc tuyên truyền, GV thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh để phụ huynh nắm và phòng bệnh tại nhà cho trẻ” - Hiệu trưởng Trường Mầm non 1/6 - Nguyễn Thị Hương Giang cho biết.
Bệnh TCM có khả năng bùng phát mạnh trong giai đoạn chuyển mùa, thời tiết nóng ẩm và tại các khu vực đông đúc như trường học, nhà trẻ,...
Hiện bệnh TCM vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn là chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như giữ vệ sinh cá nhân, ăn sạch, uống sạch và vệ sinh sạch sẽ dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi,.../.
|
Trong những tháng đầu năm 2024, số ca mắc tay chân miệng tăng nhiều nơi, riêng ở Đà Nẵng tăng cao, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
|
Huỳnh Hương