Long An là một trong số những đơn vị đi đầu trên cả nước triển khai loại hình xét nghiệm phát hiện các ca mới nhiễm trong vòng 12 tháng
Dễ dàng tiếp cận dịch vụ
Long An là 1 trong 6 tỉnh, thành phố được lựa chọn triển khai Dự án (DA) Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam giai đoạn 2020-2024 (DA EPIC). Nhờ sự hỗ trợ của DA, tỉnh triển khai nhiều hoạt động dự phòng; xét nghiệm HIV; chăm sóc, điều trị HIV chất lượng cao cho người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Theo đó, mô hình cải thiện chất lượng trong giảm kỳ thị phân biệt đối xử và mô hình nhóm cộng đồng hỗ trợ nâng cao dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế (CAB) triển khai hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cũng được quan tâm thực hiện hiệu quả. Nhiều mô hình mới như PrEP lưu động, PrEP từ xa, mô hình phòng khám toàn diện và các mô hình lồng ghép được triển khai. Điều này giúp hỗ trợ thành công người có nguy cơ cao nhiễm HIV vượt qua các rào cản về nhận thức, tâm lý và địa lý để dễ dàng tiếp cận dịch vụ. Việc điều trị PrEP giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV hơn 98%; trong 5 năm (tính đến tháng 10/2024), tỉnh có hơn 3.900 khách hàng được điều trị.
Gần đây, xã hội không còn quá phân biệt với cộng đồng MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới), vì vậy, anh N.V.T. (25 tuổi, ngụ huyện Bến Lức) quyết định công khai giới tính, chủ động tìm hiểu các biện pháp phòng tránh an toàn và chọn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại một phòng OPC Bến Lức (Trung tâm Y tế huyện Bến Lức).
“Tại đây, tôi được tư vấn, khám sàng lọc, xét nghiệm HIV, hướng dẫn cách dùng thuốc, theo dõi và tái khám định kỳ. Sau khi dùng thuốc đều đặn mỗi ngày 1 viên trước khi đi ngủ khoảng 3 tháng, tôi thấy thuốc không có tác dụng phụ, không ảnh hưởng đến công việc, giúp chuyện quan hệ tình dục an toàn hơn nên tôi tuyên truyền cho những thành viên trong cộng đồng về tính an toàn của PrEP và hiệu quả phòng bệnh hơn chữa bệnh” - anh N.V.T. bày tỏ.
Trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp, cùng với khó khăn sau đại dịch Covid-19, Chương trình Tháng hành động năm 2024 chọn chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Uyên cho biết: “Chủ đề của Tháng hành động năm nay hướng tới việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; đồng thời, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Chủ đề này còn nhằm đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường sự quan tâm của toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới mục tiêu chấm dứt “căn bệnh thế kỷ” vào năm 2030”.
Trước đây, đường lây của bệnh chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện, chích ma túy thì hiện nay chủ yếu qua đường tình dục ở nhóm quan hệ đồng giới nam. Đặc biệt, việc lây truyền có dấu hiệu trẻ hóa trong các nhóm đối tượng này. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.900 người nhiễm HIV đang còn sống ở cộng đồng, trong đó có hơn 3.600 người được điều trị ARV, chiếm hơn 93%. Số bệnh nhân xét nghiệm tải lượng virút HIV đạt tỷ lệ dưới ngưỡng 200 bản sao/1ml máu, không còn lây lan nguồn bệnh cho cộng đồng đạt hơn 99%. Như vậy, Long An cơ bản kiểm soát được dịch HIV”.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Uyên
|
"Không ai bị bỏ lại phía sau”
Hoạt động tư vấn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) được quan tâm thực hiện hiệu quả
Thời gian qua, đội ngũ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh luôn nỗ lực giúp người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV tiếp cận dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bình đẳng và công bằng.
Theo đó, Long An là một trong số những đơn vị đi đầu trên cả nước triển khai loại hình xét nghiệm phát hiện các ca mới nhiễm trong vòng 12 tháng. 5 năm qua, tỉnh có hơn 6.300 lượt khách hàng nguy cơ cao được xét nghiệm HIV tại cộng đồng và hơn 14.900 lượt khách hàng nguy cơ cao được xét nghiệm tại cơ sở y tế. Qua đó, phát hiện hơn 1.900 ca nhiễm HIV mới, trong đó 98% khách hàng có kết quả xét nghiệm dương tính được chuyển gửi thành công đến cơ sở điều trị ARV.
Ngoài ra, từ năm 2022, tỉnh triển khai sàng lọc, quản lý bệnh không lây nhiễm, bệnh đồng nhiễm như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, ung thu cổ tử cung, sức khỏe tâm thần, viêm gan,... góp phần vào bình đẳng giới, bình đẳng trong tiếp cận điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống người nhiễm HIV. Việc sử dụng phác đồ ngắn hạn, hiệu quả để điều trị lao tiềm ẩn nhằm giảm gánh nặng bệnh lao cho người nhiễm HIV cũng được quan tâm.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tiếp và gián tiếp về thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS. Bí thư Huyện Đoàn Cần Giuộc - Đỗ Thị Thảo Phương thông tin: “Thời gian qua, tổ chức Đoàn, Hội, Đội các cấp thường xuyên tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV lồng ghép trong các tiết ngoại khóa, các buổi sinh hoạt dưới cờ tại các trường học, trong sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) Gia đình trẻ, CLB Tiền hôn nhân, sinh hoạt các CLB, tổ, đội, nhóm. Việc tuyên truyền về chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị cũng được chú trọng”.
Các hoạt động mang ý nghĩa thiết thực này từng bước giúp học sinh, đoàn viên, thanh niên nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cùng với đó, nhiều công trình, phần việc thiết thực được Huyện Đoàn triển khai đã tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia, giúp thế hệ trẻ có lối sống lành mạnh, trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Uyên cho biết thêm: “Với phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau” trong “cuộc chiến” này, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm ca HIV mới chuyển gửi điều trị ARV và chuyển gửi các ca HIV âm tính điều trị PrEP. Việc phối hợp các nhóm đồng đẳng viên (CBO) trên địa bàn trong việc tiếp cận, cung cấp các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV cho khách hàng là MSM sẽ tiếp tục tăng cường. Chúng tôi cũng đẩy mạnh truyền thông rộng rãi thông điệp K=K (Không phát hiện = Không lây truyền); phổ biến các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho các ngành, đoàn thể, tập trung vào đối tượng MSM trẻ và lực lượng lao động lưu động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, trường học trong tỉnh; đồng thời, thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao nhiễm HIV và tăng cường phát hiện người nhiễm mới HIV qua xét nghiệm Recency (sinh phẩm xét nghiệm nhanh)”.
Hiện dịch HIV vẫn diễn biến phức tạp, công tác phòng, chống gặp nhiều khó khăn. Để đẩy lùi đại dịch vào năm 2030 rất cần sự tiếp tục chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, tổ chức và đoàn thể trong việc tuyên truyền, nâng cao kiến thức phòng, chống HIV cho cộng đồng, nhất là tạo sự công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của các nhóm đối tượng./.
Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra 3 mục tiêu 95-95-95, đó là: 95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virút dưới ngưỡng ức chế. Tại Long An, hiện mục tiêu này đạt là 92,9 - 93,5 - 99,1. |
Ngọc Mận