Tiếp tục câu chuyện cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017, phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT).
PGS.TS Nguyễn Văn Áng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT)
PV: Ông có thể cho biết mục đích chính của việc cắt giảm và tiến tới dừng tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp ở các trường đại học là gì?
PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Mục đích chủ yếu của quy định này là để các cơ sở giáo dục đại học tập trung các nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và tiến sĩ trong mỗi cơ sở.
PV: Ông có thể cho biết căn cứ vào đâu để Bộ GD-ĐT quy định dừng tuyển sinh đào tạo cao đẳng trước năm 2020 và trung cấp trước năm 2017. Liệu có thể thực hiện đúng lộ trình giảm chỉ tiêu và tiến tới dừng tuyển sinh đào tạo các trình độ này theo đúng lộ trình không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Căn cứ để Bộ GD-ĐT quy định dừng tuyển sinh đào tạo cao đẳng trước năm 2020 là Luật giáo dục đại học; và dừng tuyển sinh đào tạo trung cấp trước năm 2017 là Luật Giáo dục. Khi Bộ GD-ĐT xây dựng Dự án luật và trình ra Quốc hội ban hành các Luật này thì các chuyên gia và các đại biểu Quốc hội đã thảo luận kỹ những quy định này, bây giờ là lúc phải triển khai.
Về băn khoăn tính khả thi của các quy định này, tôi xin cung cấp thông tin như sau: Năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 57/2011/TT-BGDĐT có quy định các trường đại học không đào tạo trình độ trung cấp. Khi đó các trường đại học đào tạo khoảng 37% học sinh trung cấp.
Sau 4 năm thực hiện Thông tư 57, đến năm 2014, tỷ lệ đó đã xuống mức 17%. Vì vây, lộ trình để các trường đại học giảm chỉ tiêu và tiến tới dừng tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp là hoàn toàn có thể thực hiện theo đúng lộ trình.
Không có chuyện thừa giảng viên và “ế” giáo sư, phó giáo sư
PV: Có ý kiến cho rằng khi thực hiện Thông tư 32 sẽ xảy ra tình trạng dư thừa giảng viên, sẽ “ế” giáo sư và phó giáo sư. Liệu có đúng vậy không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Khi thực hiện Thông tư 32, các trường sẽ phải đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm theo khối ngành. Những khối ngành hiện đang có số sinh viên trên một giảng viên quy đổi cao hơn quy định sẽ phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh hoặc phải tuyển thêm giảng viên. Như vậy, khi thực hiện Thông tư 32, nếu có nguy cơ thì là nguy cơ thiếu giảng viên, làm sao thừa được và càng không thể có chuyện “ế” giáo sư và phó giáo sư.
PV: Khi dừng tuyển sinh đào tạo cao đẳng và trung cấp, nhiều ý kiến cho rằng là do Bộ GD-ĐT muốn tạo cơ hội tuyển sinh cho các trường đại học tốp giữa, tốp trung bình và các trường ngoài công lập. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Quy định này không loại trừ các trường đại học top giữa, top trung bình và các trường ngoài công lập. Vì vậy không thể nói họ được lợi hơn các trường tốp trên khi thực hiện quy định này. Những quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo được quy định chung cho tất cả các trường đại học, không phân biệt trường công lập hay ngoài công lập.
PV: Khi các trường đại học dừng tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp thì có nghĩa là sinh viên sẽ ít đi và cũng đồng nghĩa là họ sẽ gặp khó khăn về tài chính, nguồn thu. Liệu Bộ GD-ĐT có giải pháp, phương hướng nào để tháo gỡ khó khăn cho các trường không và ý kiến riêng của ông về giải pháp cho các trường là gì?
PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Khi các trường đại học dừng tuyển sinh đào tạo cao đẳng, trung cấp thì chỉ có thể khẳng định sinh viên, học sinh cao đẳng, trung cấp tại các trường đại học sẽ giảm. Trên bình diện chung số này sẽ chuyển về theo học tại các trường cao đẳng, trung cấp.
Nhân tố chính quyết định quy mô của các trường đại học là năng lực đào tạo của chính mỗi trường và nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, cần lưu ý về năng lực đào tạo. Năng lực ở đây cần hiểu không chỉ về số lượng, mà quan trọng hơn là về chất lượng, trong đó có chất lượng đội ngũ giảng viên, chất lượng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, chất lượng các nhân viên quản trị của trường. Điều đó có nghĩa là, các trường muốn tăng nguồn thu và tăng vững chắc thì trước hết phải lo nâng cao chất lượng đào tạo. Khi đó nguồn thu vững chắc sẽ đến với họ.
PV: Trước tình trạng số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp ngày càng tăng, liệu khi dừng tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp sẽ tác động tới xã hội khi chọn lựa ngành nghề cho con em trong tương lai như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Thông tư này không quy định dừng tuyển sinh và đào tạo cao đẳng nói chung, mà chỉ là dừng trong các trường đại học
PV: Ông có cái nhìn nhận về bức tranh toàn cảnh hệ thống giáo dục đại học khi dừng tuyển sinh đào tạo cao đẳng, trung cấp như thế nào?
PGS.TS Nguyễn Văn Áng: Khi các trường đại học giảm dần và tiến tới dừng tuyển sinh đào tạo cao đẳng, cùng với tác động của những quy định khác liên quan, chúng tôi hy vọng hệ thống giáo dục đại học của nước ta sẽ ngày càng trật tự và quy củ, bài bản hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Bích Lan/VOV.VN (thực hiện)