Tiếng Việt | English

20/09/2019 - 17:58

Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh làm việc tại Long An về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Ngày 20/9, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh có cuộc làm việc tại Long An về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là tình hình kinh doanh, tiêu thụ đường và thuốc lá trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, lãnh đạo một số sở, ngành tiếp và làm việc với đoàn.

Đoàn công tác Bộ Công Thương làm việc tại Long An về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần nhận định, Long An giảm buôn lậu do nhiều nguyên nhân, trong đó có sự lãnh đạo chặt chẽ từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Hiện tình hình lắng dịu nhưng tính tiềm ẩn vẫn có.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Long An tiếp tục triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tiếp tục triển khai Nghị quyết số 76/NQ-HĐND, ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh và Kế hoạch số 40/KH-UBND của UBND tỉnh về công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh tại cuộc làm việc với tỉnh Long An

Theo báo cáo tại cuộc làm việc, hoạt động buôn lậu hàng hóa qua biên giới của tỉnh Long An từ đầu năm 2019 đến thời điểm hiện nay mặc dù cơ bản được kiểm soát, kiềm chế nhưng còn diễn biến khá phức tạp tại một số luồng tuyến, địa bàn.

Ngoài mặt hàng thuốc lá ngoại, thời gian qua, trên tuyến biên giới của tỉnh còn nhiều hàng hóa được đối tượng buôn lậu vận chuyển qua biên giới, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, như quần áo, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, đồ gia dụng, điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, ma túy,...

Hàng hóa nhập lậu được một số đối tượng vận chuyển thuê (người dân địa phương), mang, vác hoặc sử dụng xe gắn máy 2 bánh vận chuyển qua biên giới. Sau đó được đưa lên các loại ô tô vận chuyển vào các tỉnh nội địa tiêu thụ. Đối tượng buôn lậu lợi dụng nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới hoặc cho người bám sát lực lượng chống buôn lậu.

Hoạt động chủ yếu vào ban đêm (từ 21 giờ đến 3 giờ sáng) hoặc lúc có nhiều phương tiện lưu thông qua lại nhằm qua mắt, tránh sự truy đuổi của các lực lượng chức năng. Một số đối tượng vận chuyển hàng lậu thường sử dụng ma túy đá khi điều khiển phương tiện. Do đó, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thường rất manh động, chống đối để tẩu tán tang vật.

Địa bàn, luồng tuyến hoạt động buôn lậu thuốc lá tập trung chủ yếu tại một số xã biên giới của huyện Đức Huệ và thị xã Kiến Tường.

Chủ tịch UBND tỉnh Long An - Trần Văn Cần cho biết, Long An tiếp tục nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An, nguyên nhân nhiều hàng hóa nhập lậu qua tuyến biên giới của tỉnh do khoảng cách từ biên giới Campuchia, qua Long An về TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận khoảng 40km. Hàng hóa vận chuyển qua biên giới thuận lợi cả đường thủy và đường bộ; tuyến biên giới giữa Việt Nam và Campuchia có nhiều đường mòn, lối mở (sông liền sông, đất liền đất), rất thuận lợi để qua lại biên giới.

Theo số liệu thống kê, từ tháng 01 đến ngày 30/8/2019, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Long An phát hiện, bắt giữ, xử lý 799 trường hợp buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, nhập lậu. Thu giữ trên 1,34 triệu gói thuốc lá ngoại (giảm 170.476 gói so cùng kỳ năm 2018); 31,5 tấn đường cát (giảm 23 tấn so cùng kỳ năm 2018) và nhiều hàng hóa điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng, quần áo,... Truy cứu trách nhiệm hình sự 40 vụ/46 đối tượng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá ngoại nhập lậu.

Số vụ bắt giữ, xử lý về buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá ngoại, đường cát nhập lậu trên địa bàn tỉnh giảm mạnh từ năm 2016 đến nay. Cụ thể, năm 2016, 2017, 2018, số lượng thuốc lá tịch thu lần lượt là 2,53 triệu gói, 2,63 triệu gói và 1,92 triệu gói. Đối với mặt hàng đường cát, số lượng bắt giữ theo từng năm 2016, 2017, 2018 lần lượt là 564 tấn, 32,3 tấn và 54,5 tấn.

Với số liệu trên cho thấy, mặt hàng đường cát nhập lậu qua biên giới của tỉnh tăng mạnh trong năm 2016. Từ năm 2017 đến nay, hoạt động buôn lậu đường cát qua biên giới của tỉnh chỉ diễn ra nhỏ, lẻ và không thường xuyên.

Nguyên nhân giảm số lượng đường cát nhập lậu qua biên giới của tỉnh là do các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ từ biên giới vào nội địa, nắm rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động. Từ đó phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều đối tượng nhập lậu đường cát. Bên cạnh đó, giá đường giữa Việt Nam và Campuchia chênh lệch không nhiều và đây là mặt hàng khó vận chuyển, khó tránh né khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, chốt chặn.

Lực lượng quản lý thị trường bắt giữ thuốc lá nhập lậu

Thời gian tới, Long An tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng của tỉnh, địa phương chủ động tăng cường, phối hợp các lực lượng của Trung ương như Cục C03 - Bộ Công an, Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan; Cục phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai các giải pháp kiểm tra, xử lý các đối tượng buôn lậu đầu nậu, các đường dây buôn lậu có tổ chức, buôn lậu liên tỉnh.

Long An kiến nghị đến Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP để phù hợp với Luật Hình sự số 12/2017/QH14, ngày 20/6/2017 của Quốc hội; hướng dẫn việc xử lý tang vật (nhất là thuốc lá) trong các vụ án buôn lậu, vận chuyển thuốc lá tạm đình chỉ điều tra.

Dịp này, Sở Công Thương Long An báo cáo tình hình hoạt động của ngành trong 9 tháng năm 2019. Qua đó, Sở nêu lên những khó khăn trong quá trình quản lý nhà nước, trong đó có khó khăn trong thu hút các nhà đầu tư xây dựng chợ nông thôn do thủ tục về đất đai đấu thầu, đấu giá đất làm nản lòng nhà đầu tư, việc chuyển từ Ban Quản lý chợ sang doanh nghiệp kinh doanh khai thác chợ gặp khó khăn. Qua đó, kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ Nghị định về kinh doanh phân phối, trong đó cần có cơ chế thông thoáng về đầu tư chợ nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chợ.

Sở cũng kiến nghị Bộ Công Thương rà soát các quy định về hoạt động khuyến mại, tổ chức bán hàng lưu động, giới thiệu sản phẩm nhằm giảm tình trạng lợi dụng để hoạt động mang tính cờ bạc, lừa đảo; sớm ban hành Quy chuẩn Quốc gia về xây dựng cửa hàng xăng dầu; đàm phán phía Trung Quốc mở rộng các mặt hàng nông sản xuất khẩu vào Trung Quốc thêm các mặt hàng chanh, khóm, dưa lưới, na (mãng cầu); bỏ thủ tục trình Chính phủ xin chủ trương chuyển đổi mục đích từ đất trồng lúa sang đất công nghiệp làm phát sinh thêm thủ tục gây khó khăn trong việc tiếp nhận nhà đầu tư; cho phép bổ sung quy hoạch phát triển điện lực 10 dự án nhà máy năng lượng mặt trời (đã trình Bộ Công Thương chờ thẩm định phê duyệt để bổ sung quy hoạch); điều chỉnh quy hoạch phát triển điện quốc gia Trung tâm nhiệt điện Long An (từ sử dụng than sang sử dụng khí LPG và nâng công suất từ 2.800M lên 6.400MW).

Kết luận cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh nhận định tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tại các khu vực biên giới ngày càng tinh vi, phức tạp, gây hệ lụy lớn đối với một số mặt hàng sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và sản xuất nội địa lẫn nguồn thu quốc gia. Bộ trưởng đề nghị Long An cần quyết liệt hơn trong công tác chống buôn lậu, trong đó chú trọng các mặt hàng thuốc lá, đường cát. Nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, nhất là lực lượng quản lý thị trường là đầu mối phối hợp các cơ quan công an, bộ đội biên phòng, hải quan,... tấn công trọng tâm các điểm trung chuyển, buôn lậu qua biên giới.

Đối với các kiến nghị của Long An, đoàn công tác Bộ Công Thương ghi nhận và sớm có giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, đoàn cũng trao đổi các biện pháp phát triển hạ tầng thương mại, nhất là thương mại khu vực mậu biên, kết nối các chợ biên giới sẽ phần nào giảm hoạt động buôn lậu.

Trước cuộc làm việc với UBND tỉnh Long An, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh, đoàn công tác khảo sát tại cột mốc 183 ở xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ. Đây là tuyến biên giới giữa Việt Nam và Campuchia có nhiều đường mòn, lối mở (sông liền sông, đất liền đất), rất thuận lợi để qua lại biên giới./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết