Giá cả và chất lượng
Trong dịp cùng Đoàn kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tỉnh đến kiểm tra một đơn vị chuyên cung cấp suất ăn cho CN trên địa bàn xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, một đầu bếp lâu năm ở đây (xin được giấu tên) chia sẻ: "Thời buổi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thì muốn giảm tối đa chi phí, các cơ sở cung cấp các suất cơm cho các xí nghiệp thì muốn có lời nên ai cũng bày ra đủ chiêu trò để thu lợi trên bữa cơm của CN. Gạo, rau, thịt cũng có năm, bảy đường cung cấp. Chỗ tôi đang làm thì nhập về đủ loại: Khổ qua, củ sắn, cà rốt, trái su su,... được mua sỉ ở các chợ đầu mối, để đó sử dụng dần. Gạo trước khi nấu phải ngâm cho nở ra mới có lời. Nói thật, tôi làm ở đây nhưng chỉ mang cơm nhà theo để ăn".
Cty TNHH Shilla Bags quan tâm đầu tư nhà ăn, ký hợp đồng với những nhà cung cấp suất ăn công nghiệp có uy tín nhằm bảo đảm chất lượng bữa ăn cho công nhân
Theo số liệu thống kê, hiện nay, trên địa bàn huyện Đức Hòa có 51 cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp của huyện. Mỗi ngày, các cơ sở này cung cấp hơn 1.000 suất cơm trưa cho CN ở các doanh nghiệp. Muốn được cung cấp suất ăn công nghiệp cho các nhà máy, xí nghiệp không dễ. Các cơ sở chế biến phải cạnh tranh quyết liệt khi đấu thầu. Tiêu chuẩn tiên quyết là giá suất ăn phải rẻ nhất. Giá cả suất ăn tùy theo yêu cầu đặt hàng của các chủ doanh nghiệp, như ở thời điểm hiện nay thì chỉ dao động từ 10.000-12.000 đồng/suất.
Theo một vài đầu bếp ở các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, ngày làm việc của họ bắt đầu từ khoảng 4 giờ sáng, khi các xe đông lạnh (loại trọng tải từ 1-1,5 tấn), xe ba gác vận chuyển cá biển, thịt heo, thịt gà, rau, củ, quả các loại đến cơ sở nấu ăn. Những người thợ nấu lập tức bắt tay chế biến suất ăn dành cho CN, vì bắt buộc các suất ăn phải được giao đến công ty, xí nghiệp, trước 10 giờ sáng. Rau, củ, đậu các loại được phun nước rửa - chủ yếu giũ sạch đất cát, bụi bẩn là đem vào chế biến ngay. Còn thịt, cá,... sau khi được rã đông, được chặt khúc vừa ăn, tẩm ướp gia vị trước khi nấu chín. Tiền nào của ấy, giá suất ăn rẻ, tất nhiên, các chủ cơ sở tìm mua nguyên liệu càng rẻ càng tốt!
Bữa ăn nghèo dinh dưỡng, không bảo đảm an toàn thực phẩm cho bữa cơm CN được nói đến khá nhiều, thế nhưng, tình hình vẫn chưa được cải thiện cho đến thời điểm hiện nay. Những vụ nghi ngộ độc thực phẩm hoặc ngộ độc thực phẩm được công bố chính thức khiến hàng trăm CN nhập viện từng xảy ra. Tuy nhiên, hàng ngày, rất nhiều CN vẫn phải ăn những suất cơm như thế để có sức làm việc tiếp.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Nguyễn Văn Quí cho biết: "Theo quy định, các doanh nghiệp hỗ trợ suất ăn cho CN phải có giá tối thiểu 15.000 đồng/suất. Dù Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên phối hợp kiểm tra, vận động doanh nghiệp cam kết thực hiện để giúp CN bảo đảm sức khỏe, đủ điều kiện làm việc nhưng thực tế, vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chất lượng bữa ăn cho người lao động. Bữa ăn của CN vốn đạm bạc, giờ càng đạm bạc hơn khi giá thực phẩm tăng. Nhiều đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp xem việc "xoay" thực phẩm siêu rẻ là một cách để ứng phó với "bão giá". Giá cả đầu vào thực phẩm không cao thì ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra - bữa ăn, là điều dễ hiểu; và tất cả những điều đó, CN, lao động là những người phải gánh chịu. Công đoàn cơ sở ngoài việc thương lượng điều chỉnh tiền ăn, còn phải giám sát để người lao động được hưởng chất lượng bữa ăn giữa ca thực chất hơn nhằm bảo đảm sức khỏe để làm việc hiệu quả".
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Văn Minh, trong đợt cùng Đoàn đại biểu Quốc hội kiểm tra các bếp ăn tập thể ở các doanh nghiệp, sở giới thiệu cho các doanh nghiệp tiếp cận các mặt hàng thiết yếu, an toàn: Gạo, đường, rau, thịt heo, gà,... nhằm nâng cao chất lượng suất ăn, tái tạo sức lao động cho CN.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Anh N.T.L - CN Công ty TNHH Giày ChingLuh, Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức cho biết: "Dù một suất cơm CN cũng có đủ các món: Cơm, canh, xào, mặn,... nhưng thực tế, mỗi suất có giá thành chưa tới 10.000 đồng mà đòi hỏi cơ sở cung cấp phải chế biến bằng nguồn nguyên liệu tươi ngon, an toàn là điều không thể. Chúng tôi biết như thế nhưng không ăn cũng không được. Không ăn lấy sức đâu mà làm?".
Còn anh N.T.B., 31 tuổi, có thâm niên hơn 3 năm làm việc cho một cơ sở cung cấp suất cơm CN ở huyện Đức Hòa, nơi tập trung rất nhiều khu, cụm công nghiệp với hàng trăm ngàn CN chia sẻ: "Hơn 3 năm qua, dù hàng ngày tham gia chế biến suất ăn cho CN nhưng tôi kiên quyết chỉ ăn cơm nhà, chưa khi nào dám ăn cơm do cơ sở sản xuất!".
Hiện nay, rất ít doanh nghiệp quan tâm chăm lo bữa ăn công nhân
Một suất ăn cơ bản bao gồm: Cơm, canh, món kho (hoặc chiên) và món xào. Gạo sử dụng nấu cơm cho CN là loại gạo cũ siêu nở, ngoài thị trường có giá 9.000-10.000 đồng/kg, nhưng cơ sở mua với số lượng lớn nên giá chỉ còn 8.000 đồng/kg,... Theo anh B., do đơn giá đặt hàng 1 suất cơm chỉ từ 12.000-15.000 đồng nên muốn có lời, hầu hết cơ sở cung cấp suất ăn CN phải có cách tính toán riêng. Vấn đề cốt lõi trong bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh ngộ độc thực phẩm đối với bữa ăn giữa ca của CN chính là các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng bữa ăn, tối thiểu từ 15.000-20.000 đồng/suất để bảo đảm đủ dinh dưỡng cho CN,...
Đây cũng là những phản ánh, kiến nghị của CN và người lao động lên Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Liên đoàn Lao động tỉnh trong thời gian qua./.
Song Hồng