Mỗi trang sách là một điều bổ ích
Một quyển sách, dù ngả màu nhưng kiến thức chứa đựng trong ấy vẫn mới, mang đến cho người đọc nhiều kiến thức. Và, sách có rất nhiều loại, nên để đọc hiệu quả, cần chọn những quyển phù hợp. Có nhiều bạn đọc, dù trẻ nhưng vẫn thích đọc sách lịch sử, nhất là những trang viết về Bác, về Hoàng Sa, Trường Sa... Từ đó, người đọc sẽ hiểu, thêm yêu và tự hào về quê hương!
Từ những quyển sách lịch sử, văn học và sách giáo khoa, sách viết về Bác, học sinh Trường THPT Hậu Nghĩa xếp thành mô hình “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” với thông điệp, giá trị, tri thức từ sách vĩnh hằng với thời gian
Với em Mai Như Ý - học sinh lớp 7/12, Trường THCS Hậu Nghĩa, sách về Bác Hồ luôn hấp dẫn, trong đó có quyển “Từ Làng sen đến Bến Nhà Rồng” do tác giả Trình Quang Phú biên soạn.
Khi hỏi về quyển sách này, Như Ý trả lời: “Quyển sách có 2 phần: Phần đầu là các bài ký ghi lại kỷ niệm của những cán bộ, chiến sĩ, nhà thơ,... miền Nam trong những năm chiến tranh ác liệt may mắn được gặp Bác; phần thứ 2 là những câu chuyện về Bác lúc thiếu thời đến khi hoạt động cách mạng. Đó là tập hồi ký bổ ích mà khi đọc, em hiểu được tình cảm của Bác dành cho đồng bào miền Nam và ngược lại”.
Ngoài ra, khi cả nước triển khai thực hiện Chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì những quyển sách viết về Bác cũng được bà Nguyễn Thị Dị - cán bộ thư viện
Trường THPT Nguyễn Công Trứ tìm đọc. “Những quyển sách này giúp tôi hiểu nhiều về tư tưởng, đạo đức cách mạng của Bác để học và làm theo trong cuộc sống, công việc hằng ngày” - bà Dị nói. Với bà, quyển “Những câu chuyện kể về tấm lòng nhân ái của Bác Hồ” do tác giả Phan Tuyết và Bích Diệp sưu tầm, tuyển chọn là ấn tượng nhất. 85 câu chuyện là 85 bài học về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, giàu lòng thương yêu của Bác với quê hương, đất nước, đồng bào, chiến sĩ, thiếu niên, nhi đồng như câu thơ: “Quê hương nghĩa nặng tình sâu/ Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Những mô hình sách ý nghĩa
Ngoài những quyển sách hay được giới thiệu như trên, trong hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21/4 của huyện Đức Hòa, những quyển sách từ thư viện trường được các em học sinh sắp xếp khéo léo và gửi gắm trong đó nhiều bức thông điệp.
Những quyển sách viết về Hoàng Sa, Trường Sa mang đến cho độc giả những kiến thức về biển, đảo quê hương
Từ những quyển sách lịch sử, học sinh Trường THPT Đức Hòa sắp xếp thành mô hình chiếc xe tăng 390 - chiếc xe đầu tiên húc đổ cánh cửa Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975.
“Chúng em gọi tên mô hình sách là “Chiến hữu thép” vì những quyển sách được sắp xếp sẽ là bài học gợi nhớ về lịch sử dân tộc, nhắc lại cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ nhưng hào hùng. Để từ đó, thế hệ hôm nay thêm tự hào, trân quý thời khắc ấy và tiếp bước thế hệ cha ông ngày trước” - Nguyễn Thị Thùy Dương - học sinh Trường THPT Đức Hòa chia sẻ.
Với mô hình sách “Hoàng Sa, Trường Sa trong vòng tay Tổ quốc”, Trần Thị Ngọc Yến, Trường THCS Đức Hòa Thượng muốn gửi đến độc giả những kiến thức về biển, đảo quê hương. Còn với Trường THPT Hậu Nghĩa, khi xếp những quyển sách theo mô hình “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh” với chủ đề “Tiếp bước” theo tầng bậc, học sinh muốn khẳng định, sách lưu giữ những bài học trân quý, những kiến thức bổ ích và mang đến nguồn tri thức bất tận cho nhân loại.
“Chúng ta hãy tiếp bước con đường của Bác. Để làm được điều này, chúng ta cần đọc vì sách mở ra những chân trời mới. Em cũng mong rằng, sách được gìn giữ cẩn thận để mọi người tiếp thu tri thức, dần hoàn thiện hơn trong cuộc sống” - em Phạm Lê Ngọc Trâm - học sinh Trường THPT Hậu Nghĩa bày tỏ.
Mỗi trang sách sẽ là một điều bổ ích! Và, Ngày Sách Việt Nam 21/4 ở huyện Đức Hòa với nhiều hoạt động góp phần khơi dậy, giúp văn hóa đọc ngày càng lan tỏa./.
Thùy Hương