Tiếng Việt | English

05/12/2015 - 05:39

Cà phê Việt Nam “gồng mình” vượt khó

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn mang tính lịch sử.

Với kim ngạch xuất khẩu đạt 2.300 triệu USD trong 11 tháng năm nay, cà phê cùng với lúa gạo và cao su vẫn là một trong 3 mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, ngành cà phê đang phải đối mặt với những khó khăn mang tính lịch sử.

Người trồng cà phê điêu đứng

Gia đình ông Nguyễn Tấn Trung ở thôn Hàng Hải, xã Gung Ré, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng có 3 héc-ta cà phê đang thu hoạch với sản lượng đạt khoảng 3 tấn/ha. Với giá chỉ 33.000 đồng/kg cà phê nhân, giảm 7.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái, người trồng cà phê đang bị lỗ vốn. Đi tìm hiểu nhiều nơi, ông Trung biết được mức giá nói trên là phổ biến trên thị trường chứ không phải do đại lý thu mua ép giá.

Cũng như nhiều hộ trồng cà phê ở xã Gung Ré, gia đình ông Trung chỉ bán đi một phần sản phẩm mới thu hoạch để trả tiền thuê người hái và cố giữ lại hàng với hy vọng giá cà phê sẽ tăng lên trong thời gian tới.


Giá bán cà phê của Việt Nam đang thấp hơn giá trị thực

Theo ông Trung, đa phần bà con nông dân trồng cà phê rất thất vọng về một mùa vụ mới. “Chúng tôi cũng nói chuyện với nhau, bây giờ mình làm ra cà phê nhưng không định được giá bán ra. Trong khi đó đi mua phân bón thì công ty phân bón lại quyết định giá bán cho mình chứ mình không được trả giá.

Từ đầu năm nay, báo chí nước ngoài liên tục thông tin rằng, niên vụ 2015-2016, cà phê Việt Nam được mùa với sản lượng hơn 1 triệu 700.000 tấn. Họ cho rằng, cùng với lượng tồn kho của năm trước khoảng hơn 500 ngàn tấn thì Việt Nam sẽ phải bán ra thị trường với số lượng lớn.

Các nhà kinh doanh cà phê trên thế giới dựa vào những thông tin đó điều chỉnh chiến lược kinh doanh, chờ cho Việt Nam bán ra ồ ạt với giá rẻ mới mua vào, khiến giá cà phê của Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng trong suốt 6 tháng qua.

Hiện nay, giá cà phê của Việt Nam trên thị trường thế giới không phải là giá thật, bởi các doanh nghiệp nước ngoài chỉ dựa vào giá ở sàn London để đưa ra khoảng cách chênh lệch mua vào. Trên thực tế, sản lượng cà phê của Việt Nam năm nay chỉ đạt gần 1 triệu 600 ngàn tấn, giảm 20% so với năm ngoái. Lượng tồn kho mặt hàng cà phê của Việt Nam cũng không lớn như qua báo chí thông tin.

Cà phê Việt - một mình một chợ?

Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex cho biết, hiện nay, do đồng tiền mất giá, các nước như Brazil, Indonesia đã bán sạch cà phê. Từ nay đến tháng 4/2016, gần như cà phê Việt Nam là “một mình một chợ” trên thị trường.

“Về mặt lý thuyết thì Việt Nam một mình một chợ đương nhiên giá phải lên, nhưng tại sao giá cà phê của chúng ta tiếp tục đi xuống. Đây chính là bài toán mà các nhà doanh nghiệp Việt Nam, bản thân các cơ quan thông tấn báo chí cũng như người nông dân Việt Nam cần phải hiểu để tìm ra lời giải, nếu không thì cơ hội đến mà chúng ta không nắm bắt được cơ hội,” ông Nam nói.

Để tháo gỡ khó khăn, trong bối cảnh cung đang không đủ cầu, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của nước ta cần phối hợp tốt với các đối tác để xử lý nguồn hàng đúng giá trị thực. Nếu chúng ta cứ ồ ạt bán ra thì giá cà phê của Việt Nam sẽ tiếp tục bất lợi do phụ thuộc các nhà đầu tư tài chính quốc tế.

Khó khăn của ngành cà phê hiện nay đặt ra cho chúng ta một yêu cầu mới là phải phát triển theo hướng bền vững. Trong đó, mấu chốt là phải tạo ra chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Đối với 140 ngàn héc-ta cà phê già cỗi (chiếm khoảng 20% diện tích cà phê cả nước hiện nay), cần được tái canh các loại giống mới, áp dụng kỹ thuật chăm sóc hiện đại để đạt năng suất từ 4 đến 5 tấn/ha.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội cà phê, ca cao cần làm cầu nối để doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tạo vùng nguyên liệu ổn định giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, Phó Trưởng ban Điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhiều người quan niệm cứ sản xuất cà phê bền vững là giá phải tăng lên.

“Thực tế thì việc sản xuất mang tính bền vững và giá là 2 việc khác nhau. Cà phê bền vững mang lại hiệu quả khác. Một là chúng ta có thể tiếp cận được thị trường xuất khẩu, đảm bảo được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, sản xuất cà phê bền vững sẽ giúp chúng ta giảm được thoái hóa đất, tiết kiệm được nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là giúp chúng ta tiếp cận được với thị trường thế giới,” ông Tuấn chia sẻ.

Để ngành cà phê nước ta phát triển trong thời gian tới, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thiết thực hơn để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ chế biến, góp phần nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới. Nếu cà phê của Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu ở dạng thô như hiện nay thì rất khó cạnh tranh với sản phẩm của các nước như Brazil, Colombia hay Indonesia./.

Thành Trung/VOV 

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích