Theo Phó phòng An toàn Công ty Điện lực Long An - Huỳnh Minh Lực, vào trước mùa mưa hàng năm, Điện lực các huyện, thị xã, thành phố phối hợp Phòng Kinh tế-Hạ tầng cùng các địa phương kiểm tra đường dây sau điện kế ở những hộ có nguy cơ mất an toàn điện. Nếu phát hiện đường dây không bảo đảm an toàn, Đoàn kiểm tra lập biên bản và yêu cầu khách hàng khắc phục trong vòng 10 đến 15 ngày, nếu không khắc phục thì đoàn báo cáo chính quyền đề nghị cắt điện.
Từ đầu năm 2016 đến nay, Điện lực phối hợp kiểm tra, lập biên bản vi phạm 354 điện kế hộ gia đình và tổ điện có nguy cơ sử dụng điện không an toàn. Theo đó, khách hàng khắc phục 283 đường dây và đang theo dõi việc khắc phục của những khách hàng còn lại.
Sửa chữa, bảo trì lưới điện bảo đảm an toàn cho người dân
Song song đó, Điện lực các huyện, thị xã, thành phố cũng đẩy mạnh các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng điện sinh hoạt. Giám đốc Điện lực Thạnh Hóa - Nguyễn Tuấn Anh cho biết: “Ngoài thực hiện công tác tuyên truyền, Điện lực huyện tư vấn cách kéo đường dây điện từ điện kế về nhà và vận động người dân đổ trụ bêtông để kéo dây nhằm bảo đảm an toàn. Ngoài ra, Điện lực huyện còn phối hợp đài truyền thanh phát loa tuyên truyền về cách sử dụng điện an toàn, quy định pháp luật về an toàn điện, bảo vệ hành lang an toàn điện cao áp,...”.
Ông Huỳnh Minh Lực thông tin thêm: “Toàn tỉnh hiện có trên 396.900 hộ dân sử dụng điện, đạt 99,6% tổng số hộ dân trong toàn tỉnh. Riêng khu vực nông thôn có tỷ lệ hộ dân sử dụng điện kế chính chiếm trên 80,7% tổng số hộ có điện. Từ đó cho thấy, số hộ dân sử dụng điện ở nông thôn chiếm tỷ lệ cao. Vì vậy, công tác bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục, đạt chuẩn kỹ thuật, nhất là các tiêu chí cấp điện theo Bộ Tiêu chuẩn nông thôn mới hiện nay không chỉ là trách nhiệm của ngành điện mà cần có sự tham gia của các cơ quan liên quan và khách hàng sử dụng điện.
Để bảo đảm an toàn điện sinh hoạt, các hộ gia đình khi sử dụng điện cần trang bị các kiến thức cơ bản như: Dây dẫn điện trong nhà phải sử dụng dây bọc cách điện chất lượng tốt; không kéo dây điện luồn qua mái, vách bằng gỗ (lá) hoặc tì vào mái tole. Tuyệt đối không được sử dụng dây trần, dây điện thoại, dây có nhiều mối nối để làm dây dẫn điện cho động cơ bơm nước hay thắp sáng chuồng trại, ao cá,... Không dùng các loại gỗ tạp, tre, tầm vông,... để làm cột điện; không mắc dây điện lên hàng rào, cây xanh.
Không được dùng dây đồng, kẽm, nhôm,... thay cho dây chì chảy của cầu dao, cầu chì bảng điện và phải đặt dây chì chảy bên dây pha (dây nóng). Khi sửa chữa điện phải cúp cầu dao và phải có người đứng giữ cầu dao trong suốt thời gian sửa điện. Không được dùng tay để thử điện mà phải dùng bút thử điện. Không lắp đặt cột ăng-ten, dây chằng cột ăng-ten gần đường dây”.
Đặc biệt, không dùng điện để rà cá, bẫy chuột, mắc điện vào hàng rào, chuồng trại hoặc mắc điện quanh ruộng lúa, ao cá để chống trộm. Để an toàn khi lắp đặt điện, cần chọn mua thiết bị đóng cắt điện (cầu dao, aptomat tổng) theo tổng công suất các thiết bị điện trong nhà, đồng thời, nên chọn loại có khả năng chống giật điện, ổ cắm di động nên có cầu chì, và có tiếp đất,...
Mặt khác, cần đặt cầu dao, công tắc, ổ cắm điện ở vị trí cao hơn 1m40 để trẻ em không sờ tới được. Không đóng, cắt cầu dao, công tắc điện, phích cắm khi tay ướt vì như thế hoặc đang đi chân trần trên nền nhà ẩm ướt sẽ rất dễ bị điện giật. Nếu một thiết bị điện bị rơi vào nguồn nước, hãy ngắt nguồn điện trước khi lấy ra. Chúng ta cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện trong gia đình. Khi sửa điện, phải dùng các thiết bị bảo hộ an toàn như: Găng tay, ủng, kềm, bút thử điện,... Trong những trường hợp cần thiết, hãy nhờ thợ điện chuyên nghiệp sửa chữa để bảo đảm an toàn./.
Ngọc Mận