Thời điểm hiện tại, nhà nhà hân hoan người người nô nức chuẩn bị đón Tết. Tuy nhiên, cần phải đề phòng 4 nguy cơ sau, bởi có thể gây nguy hiểm cho bạn và gia đình.
1. Bệnh liên cầu khuẩn do tiết canh
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm cận Tết lại có bệnh nhân phải nhập viện do mắc bệnh liên cầu khuẩn vì ăn tiết canh. Không chỉ ăn tiết canh lợn, tiết canh dê… mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn bệnh và ăn các sản phẩm từ lợn chưa nấu chín đều có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn. Bệnh liên cầu lợn do Streptococcus Suis (S.Suis) gây nên, có thể truyền trực tiếp từ lợn sang người và gây nên các bệnh nguy hiểm. Bệnh lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín. Người nhiễm liên cầu lợn có thể bị nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa, sốt, xuất huyết, viêm màng não, nặng hơn có thể sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, suy hô hấp, suy đa tạng dẫn tới tử vong.
Khởi phát bệnh thường là sốt cao, có thể kèm theo rét run, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ, lơ mơ, li bì, hôn mê, tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da. Nhiều trường hợp nổi những ban tím dưới da, nên có thể lầm tưởng là sốt xuất huyết. Thời gian ủ bệnh ngắn, từ vài giờ đến 3 ngày.
Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn là khoảng 7%, nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40% (thường là điếc không hồi phục). Chính vì vậy, người dân không nên chủ quan, vì bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Để chủ động phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người, chúng ta không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, thì không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Đặc biệt, khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Vào dịp cuối năm cận Tết lại có bệnh nhân nhập viện do mắc bệnh liên cầu khuẩn vì ăn tiết canh.
2. Ngộ độc rượu
Năm nào cũng vậy, trước và sau Tết là thời điểm số ca ngộ độc rượu tăng đáng kể. Trong số những bệnh nhân ngộ độc rượu vào cấp cứu, không ít bệnh nhân quá nặng không thể qua khỏi. Tình trạng ngộ độc rượu trong những ngày cuối năm gia tăng khi mà mọi người liên tục tụ họp, uống rượu mừng xuân. Nhất là những người uống phải rượu giả, rượu pha cồn công nghiệp thì nguy cơ ngộ độc rượu là rất lớn.
Ở người ít uống rượu, các biểu hiện ngộ độc rượu cấp tính từ nhẹ đến nặng. Nếu mức độ nhẹ sẽ kích thích, cảm xúc không ổn định, thích giao du với người khác, hưng cảm, nói nhiều. Nếu ở mức độ nặng hơn thì giảm khả năng phán xét, không điều khiển được các vận động đòi hỏi độ chính xác, giọng nói bất thường.
Còn ngộ độc rượu giả, tức là ngộ độc Methanol - một loại cồn công nghiệp, một chất siêu độc và siêu mạnh với cơ thể. Người bị ngộ độc rượu Methanol thường xuất hiện những biểu hiện của ngộ độc trong vòng 30 phút sau khi uống hoặc có thể muộn hơn, tùy thuộc vào số lượng rượu người đó uống. Giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu), triệu chứng thường nhẹ, ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm... nên thường bị chủ quan và bỏ qua hoặc không được phát hiện.
Giai đoạn biểu hiện ngộ độc: Nôn mửa, đau bụng, phản ứng chậm, đi đứng xiêu vẹo, giảm khả năng nghe, nhìn, ngửi. Ngoài ra, trí nhớ giảm sút, thiếu kiềm chế hoặc ngộ độc nặng có thể dẫn đến bất tỉnh, xanh tái, tử vong.
Trước và sau Tết là thời điểm số ca ngộ độc rượu tăng đáng kể.
Để phòng tránh ngộ độc rượu và các tác hại của uống rượu, tốt nhất không nên uống nếu không kiểm soát được. Phụ nữ càng không nên uống rượu vì khả năng chịu đựng với rượu thường kém hơn nam giới và khi bị ngộ độc rượu (say rượu) dễ bị lạm dụng.
Các đối tượng khác không nên uống rượu bao gồm: Trẻ em, vị thành niên, người không kiểm soát được số lượng uống ở mức độ ít, người đang dùng thuốc (phải hỏi kỹ đơn thuốc).
Nếu phải uống rượu, bia thì nên uống đúng lúc: Uống sau giờ làm việc, khi nghỉ ngơi.
Phòng ngộ độc rượu tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt rượu pha chế từ cồn công nghiệp (Methanol); không uống rượu khi đói và không uống nhiều. Ví dụ, với rượu sâm banh (nồng độ 11%) nên uống khoảng 150 - 200ml; rượu trắng (nồng độ 35 - 40%) nên uống khoảng 25ml là vừa. Khi có biểu hiện say rượu cần tìm giải pháp nôn ra hết (như ngoáy họng), ăn chuối, uống sữa nóng hoặc trà đặc nóng…
3.Tai nạn trong sinh hoạt
Năm nào cũng vậy, cận Tết số ca nhập viện do tai nạn sinh hoạt có chiều hướng gia tăng. Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng dễ bị tai nạn vào những ngày cận Tết. Các tai nạn trong sinh hoạt ở trẻ rất dễ xảy ra nếu người lớn không chú ý, nhiều trường hợp các tai nạn có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Những ngày giáp Tết do người lớn thường bận rộn, lơ là giám sát khiến trẻ dễ gặp các tai nạn trong sinh hoạt như: Chấn thương đầu, bỏng, nuốt phải dị vật, điện giật...
Các loại hạt như hạt lạc, hạt dưa, hạt bí… và các loại đồ chơi nhỏ là những dị vật đường thở thường gặp ở trẻ trong dịp Tết. Nhiều trẻ chạy nhảy hiếu động dẫn đến té ngã có thể bị chấn thương phần mềm, chảy máu và xây xát da tại chỗ, gãy chân, gãy tay...
Các tai nạn sinh hoạt ở trẻ rất dễ xảy ra nếu người lớn không chú ý.
Ngoài ra, trong dịp Tết nhiều trường hợp trẻ bị bỏng do nhiệt từ nước sôi, bô xe máy, bỏng điện do nghịch các loại đèn trang trí, đèn nhấp nháy. Các chất lỏng nguy hiểm như thuốc tẩy, acid, trẻ rất dễ bị uống nhầm.
Vì vậy, cha mẹ không nên đặt các vật như thủy tinh sắc nhọn, nước sôi, dầu mỡ nóng, điện, đồng xu, viên pin, nam châm, thuốc tẩy, acid ở gần trẻ. Các đồ vật có nguy cơ cao cần để ngoài tầm với của trẻ và trong tầm kiểm soát của người lớn.
Các tai nạn sinh hoạt ở trẻ rất dễ xảy ra nếu người lớn không chú ý, nhiều trường hợp các tai nạn này có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Khi phát hiện các tai nạn này, cần sơ cứu ban đầu và đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được xử trí kịp thời.
4. Đau lưng
Vào những ngày cuối năm công việc nhiều, dọn nhà, di chuyển những đồ vật nặng… nhiều người sẽ bị kiệt sức, đau thắt lưng, đây chính là bệnh đau lưng cấp tính.
Đau lưng cấp tính xảy ra đột ngột do tác động cơ học ngay tức thì như bưng bê vật nặng sai tư thế (bê chậu cảnh, xách xô nước, mang vác vật nặng hoặc vấp ngã…) gây co cơ thắt lưng cấp tính hoặc thoát vị đĩa đệm cấp.
Trước đây, khi nói đến đau lưng, chúng ta luôn nghĩ rằng đó là bệnh ở lứa tuổi trung niên và người già. Nhưng nay thì ngược lại, người trẻ cũng mắc chứng đau lưng, nhất là ở người thừa cân, béo phì… chỉ cần không chú ý là rất dễ bị đau lưng.
Nhiều người đã bị đau lưng do những ngày cuối năm công việc nhiều, dọn nhà, di chuyển những đồ vật nặng…
Ngoài ra, té ngã bị thương, lệch cột sống viêm cơ xương, gân cốt, cảm cúm hoặc mệt mỏi... đều có thể gây đau lưng. Vì vậy, để phòng đau lưng cấp, chúng ta không nên mang vác và bưng bê vật nặng, nhất là làm sai tư thế. Khi làm việc nếu ngồi lâu ở một tư thế cần giải lao khoảng vài giờ một lần, có thể vươn vai và làm các động tác thể dục nhẹ nhàng như: Đứng lên, ngồi xuống, quay người...
5. Kiệt sức
Càng gần Tết, công việc càng gấp rút khiến nhiều người luôn cảm thấy mệt mỏi. Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến tối muộn mới được nghỉ ngơi. Làm việc nhiều, thức khuya cộng với ăn uống không đảm bảo khiến nhiều người cảm thấy muốn kiệt sức.
Thực tế đúng là những ngày gần Tết, nhiều người càng bận hơn vì phải làm việc kiếm tiền, người thì bán hàng cho hết, người thì giải quyết công việc giấy tờ… mua sắm mọi thứ cho những ngày lễ Tết... Và kết quả, tình trạng kiệt sức là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Một triệu chứng điển hình của kiệt sức quá mức là cảm giác hệ miễn dịch của mình đã suy giảm rõ rệt, thường xuyên cảm thấy cơ thể bị lạnh, đau đầu, mệt mỏi, thiếu ngủ…
Nếu bạn cũng rơi vào tình trạng như vậy thì nên cẩn trọng. Hãy biết cách chăm sóc bản thân để tránh bị kiệt sức trong những ngày gần Tết. Cần có thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, ăn uống đúng giờ để có một sức khỏe tốt./.
VOV.VN(Theo Sức khỏe và Đời sống)